Doanh nghiệp rất cần thêm những gói hỗ trợ từ Chính phủ để vượt qua khó khăn dịch bệnh
5 tháng cuối năm hy vọng dịch bệnh ổn định, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường sẽ tăng nhưng không quá khốc liệt.
Mới đây, chia sẻ tại buổi toạ đàm trực tuyến "Điểm đến kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021", ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, về những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp nói chung cũng như doanh nghiệp hàng không, dịch vụ trong thời gian tới, Chính phủ cần có thêm những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Có góc nhìn lạc quan, ông Tuấn cho rằng, Việt Nam có thể đang trở nên hấp dẫn hơn trong do xu hướng dịch bệnh trên toàn cầu. Bởi lẽ, dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp nhận ra rằng không nên tập trung vào một quốc gia, ngành hàng hay một địa điểm vì khi dịch bệnh sẽ khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị tê liệt. Vì vậy, trong thời gian tới chắc chắn sẽ xuất hiện xu hướng chuyển dịch từ quốc gia này sang quốc gia khác. Trong đó, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn và đã sẵn sàng khi ký hàng loạt FTA trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã ứng dụng công nghệ thông tin và đã đi bước rất dài trong chuyển đổi số. Cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam cũng có đặc điểm là nhiều doanh nghiệp nhỏ và trẻ nên sẽ áp dụng chuyển đổi số nhanh hơn. Hy vọng với việc áp dụng chuyển đổi số trong thời gian tới các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bắt kịp thế giới.
Tiếp đến, bối cảnh dịch bệnh khiến doanh nghiệp Việt Nam có cách nhìn khác trong việc quản trị. Dịch Covid-19 sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp tăng cường quản trị trong thời gian tới. Trong giai đoạn tiếp theo, có thể xuất hiện những rủi ro khác như thiên tai hay biến đổi khí hậu thì việc tăng cường quản trị sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Về mặt chính sách, Chính phủ đang có những giải pháp mạnh mẽ để đẩy nhanh quá trình cải cách hỗ trợ doanh nghiệp. Với lĩnh vực chịu nhiều thiệt hại như hàng không, du lịch, tất cả đều rất khó khăn từ doanh nghiệp nhà nước như VietnamAirlines đến các doanh nghiệp hàng không tư nhân. Các gói hỗ trợ mà Chính phủ đưa ra trước đó "nhắm" vào việc dịch bệnh sẽ ổn định trong quý 2/2021 và doanh nghiệp sẽ bắt đầu hoạt động ổn định từ quý 3, quý 4 mà chưa tính tới làn sóng bùng phát Covid-19 lần thứ 4. Vì vậy, các gói hỗ trợ này chưa đủ liều, hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm các gói hỗ trợ tăng cường.
"Dịch bệnh gây khó khăn chưa từng có vì vậy những gói hỗ trợ cũng phải lớn chưa từng có. Hiện tại, giải pháp trung và dài hạn đã có nhưng các doanh nghiệp có sống sót được để tiếp cận các giải pháp đó hay không lại là vấn đề cần bàn đến. Các vấn đề như "hộ chiếu vaccine" cần được thúc đẩy để hỗ trợ doanh nghiệp", ông Tuấn chia sẻ.
Vị này cho rằng, 5 tháng cuối năm hy vọng dịch bệnh ổn định, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường sẽ tăng nhưng không quá khốc liệt. Những ứng xử của Chính phủ, địa phương trong thời gian tới đối với doanh nghiệp hy vọng sẽ như "những liều vaccine" bởi các doanh nghiệp cũng đang rất cần những liều vaccine kịp thời.
Chiến lược tiêm chủng vaccine trong thời gian tới nhanh hay chậm, bình đẳng hay không cũng là những vấn đề cần lưu ý trong thời gian tới. Các doanh nghiệp tư nhân có vẻ hơi "chạnh lòng" so với doanh nghiệp nhà nước trong việc tiếp cận vaccine. Đẩy nhanh việc tiêm chủng vaccine cũng như đảm bảo công bằng trong tiếp cận là những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.
"Đối với Chính phủ, cần nhất trong thời gian tới là chính sách hỗ trợ cụ thể. Ví dụ đang nói những gói lớn, doanh nghiệp hiện đang đương đầu với cả rừng chi phí. Doanh nghiệp vừa vận hành kinh doanh, lo bao nhiêu chi phí, giá như mà nhà nước hỗ trợ một phần chi phí chống dịch, như vậy chính sách sẽ đến ngay được với doanh nghiệp. Những chương trình hỗ trợ này rất có ý nghĩa, chính sách cần phải thuận tiện và đi vào cuộc sống tốt hơn nữa. Đối với doanh nghiệp, giai đoạn này vô cùng khó khăn, căng thẳng, nhưng mong là doanh nghiệp sẽ cố gắng vững vàng", ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Chính Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long cho hay, tôi mong rằng chính sách hỗ trợ của Chính phủ dành cho doanh nghiệp cần phải cụ thể hơn về chi phí. Doanh nghiệp đang phải duy trì hệ thống, trước tiên cần chú ý đến chính sách lãi suất về thuế dành cho doanh nghiệp, ví dụ như thuế nhập khẩu thời gian tới. Với ngành của chúng tôi, thuế nhập khẩu giảm từ 5% xuống 3% đã giảm xuống rất lớn.
"Qua đợt dịch, chúng ta cũng nhìn thấy rằng có cơ hội để chuyển đổi mô hình kinh doanh, đánh giá lại mô hình rủi ro, thị trường tiêu dùng khách hàng trong nội bộ chúng ta. Chúng ta tập trung vào lợi ích khách hàng. Tài sản quan trọng nhất của chúng ta bây giờ là con người và có con người tốt chúng ta sẽ có cơ hội tốt hơn", ông Trung chia sẻ.
Phương NgaMới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.