Doanh nghiệp tận dụng cơ hội để bứt phá
Những giải pháp hỗ trợ quyết liệt đang được Chính phủ triển khai đã giúp nhiều doanh nghiệp (DN) có thêm niềm tin để nỗ lực thích nghi, củng cố bộ máy và nắm bắt những cơ hội hồi phục, tăng trưởng trở lại sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.
Các DN cần phải tận dụng thật tốt thời cơ để vươn lên trong giai đoạn khó khăn hiện tại. Ảnh: T.Liên
Dịch Covid-19 đã lan rộng trên toàn cầu làm đứt gãy chuỗi sản xuất, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh của khu vực DN trên thế giới nói chung và DN Việt Nam nói riêng. Trong khó khăn chung, nhiều DN đã tự lực tìm kiếm thị trường, sản phẩm mới, cách làm mới để duy trì, ổn định sản xuất, đón đợi cơ hội bật dậy.
Trong báo cáo thường niên năm 2020, bà Phan Thị Huệ, Chủ tịch HĐQT Cty May Thành Công chia sẻ, bên cạnh những khó khăn trong năm 2020 như sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu, sự bùng phát của dịch bệnh, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0… ngành dệt may vẫn có không ít cơ hội. Đó là kim ngạch nhập khẩu dệt may toàn cầu năm 2020 dự báo tăng so với năm 2019, các thị trường mới tiềm năng từ CPTPP, EVFTA được mở rộng, thu hút đầu tư nước ngoài tăng sẽ thúc đẩy dệt may phát triển.
Ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HĐQT Cty Sợi Thế Kỷ cũng tin tưởng rằng, các lợi thế về thuế quan của Việt Nam trong các FTA đã ký với Nhật Bản, Hàn Quốc và CPTPP mới có hiệu lực trong năm 2019 và EVFTA dự định sẽ có hiệu lực trong năm 2020 sẽ là lực hút các đơn hàng dệt may dịch chuyển về Việt Nam.
Nhiều DN khác cũng đã nhìn thấy những cơ hội vàng “hậu Covid-19” ngay trong những ngày kinh tế thế giới đang “bế quan tỏa cảng”. Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM đồng thời là TGĐ Cty Xây dựng kiến trúc AA nhận định, trong những ngày giãn cách xã hội, người dân ít đi ra ngoài và dành phần lớn thời gian ở nhà.
Điều này làm phát sinh nhu cầu chăm chút cho tổ ẩm, sửa sang lại không gian sống của các gia đình. Bằng chứng là những ngày qua, trong khi kênh bán hàng offline gần như tê liệt thì tiêu thụ đồ nội thất qua kênh online của các nền tảng như Amazon, Wayfair, Shopify… vẫn tăng trưởng đều. Bên cạnh đó, khủng hoảng từ dịch bệnh làm cho chuỗi cung ứng ngành gỗ đang được tái cấu trúc, trong đó Việt Nam là điểm đến quan trọng của thế giới. Đây cũng chính là cơ hội cho ngành nội thất tăng trưởng trở lại sau đại dịch.
Ngay cả các DN đang chìm trong thua lỗ như Cty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) cũng tin tưởng rằng dịch Covid-19 rồi cũng sẽ qua đi, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cũng sẽ hồi phục. Theo đó, ngành nông nghiệp cây ăn trái tạo ra các sản phẩm thiết yếu nên sẽ có cơ hội tăng trưởng tốt khi nền kinh tế được tái khởi động.
Nói về việc vận dụng thời cơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhắc đến “6 đề nghị và 3 giữ” khi làm việc với các Bộ, ngành, địa phương bàn giải pháp khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế. 6 đề nghị là yêu Tổ quốc phải thượng tôn pháp luật, có tinh thần chia sẻ; đoàn kết để không tự làm yếu mình; không nản chí để tự bỏ cuộc; năng động, quyết đoán để nắm cơ hội; sáng tạo để luôn tiến lên; và niềm tin vào chiến thắng.
Nhưng thực hiện được 6 đề nghị phải cần 3 giữ là giữ lao động, giữ thị trường và giữ đạo đức DN. Suy cho cùng đó vẫn là tinh thần dám nghĩ lớn, làm lớn và hành động để biến ước mơ thành hiện thực. Đại dịch cho nhiều bài học và cơ hội, giờ là lúc cộng đồng DN hãy liên kết lại với nhau, cùng đứng dậy nắm bắt cơ hội.
Nếu nhìn mặt tích cực từ sự tác động của dịch Covid-19, giờ là lúc DN cần mạnh dạn chuyển đổi. Không phải vô cớ mà cộng đồng DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam lại khẳng định sẽ mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Bởi họ nhìn thấy những cơ hội mới, trước hết Việt Nam là một điểm đến an toàn và ổn định, khi mà dịch Covid-19 chưa biết đến bao giờ mới kết thúc.
Vì vậy, DN Việt Nam một mặt phải đa dạng thị trường mua nguyên vật liệu lẫn thị trường xuất khẩu; mặt khác phải đầu tư tái cơ cấu sản xuất, không thể cứ ở mãi ngoài sân chơi sản xuất toàn cầu. Cách tốt nhất là nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn thế giới, không để cơ hội này rơi vào tay các nhà cung ứng ngoại.
Để tạo ra bệ đỡ cho DN, Chính phủ đã quyết tâm cải cách thể chế kinh tế thực chất và hiệu quả. Bộ máy hành chính ngày càng hoạt động công khai, minh bạch, lấy DN, người dân làm trung tâm phục vụ. Đạo đức công vụ, trách nhiệm cá nhân được đề cao… Vì vậy, hơn lúc nào hết, cộng đồng DN cùng đoàn kết, cùng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, với niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, một dân tộc luôn biết vượt qua khó khăn, thử thách.
Như Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, nếu khó khăn hai, chúng ta nỗ lực gấp ba, chắc chắn mọi thử thách sẽ đều vượt qua, mọi cơ hội sẽ được tận dụng thành công.
Theo PLXH
Tổ chỉ đạo do Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh làm tổ trưởng; Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy là tổ phó.