Doanh nghiệp tận dụng nền kinh tế dữ liệu để tạo đột phá
Trong những năm đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp chỉ mới bắt đầu khám phá tiềm năng, cơ hội kinh doanh đến từ dữ liệu. Nhưng với công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, dữ liệu đã trở thành "dầu mỏ" của nền kinh tế số.
Báo VietNamNet và Vietnam Report sẽ tổ chức Hội nghị Vietnam CEO Summit 2023 với chủ đề "Kinh tế dữ liệu: Cơ hội cho doanh nghiệp tạo đột phá trên toàn cầu" vào ngày 4/8 tại Hà Nội. Hội nghị ngày được kì vọng sẽ mang tới cho cộng đồng doanh nghiệp Việt những tư duy và giải pháp chiến lược trong kỷ nguyên kinh tế dữ liệu với sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu về chiến lược và công nghệ.
Số liệu của Trung tâm Dữ liệu Internet (IDC) cho biết, tổng dữ liệu của thế giới (DataSphere) được dự đoán sẽ tăng từ 33 zettabyte vào năm 2018 lên đến 175 zettabyte vào năm 2025. Dữ liệu doanh nghiệp được dự báo sẽ phát triển nhanh gấp hai lần so với dữ liệu người tiêu dùng trong vòng 5 năm tới, chứa đựng những thông tin sâu sắc về hành vi của người tiêu dùng, xu hướng thị trường mới nổi, thậm chí bao gồm cả dự đoán về tương lai. Điều này có thể gây áp lực lớn hơn cho các doanh nghiệp trong việc vừa quản lý và bảo vệ dữ liệu, vừa tìm kiếm cơ hội để thu được lợi ích kinh doanh và xã hội nhờ dữ liệu.
Tuy nhiên, theo một khảo sát của MIT Technology Review Insights với 255 nhà lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp toàn cầu (năm 2021), có đến 45% số người được hỏi cho biết họ chỉ sử dụng dữ liệu để có những hiểu biết cơ bản và đưa ra quyết định.
Nền kinh tế dữ liệu là một hệ sinh thái kỹ thuật số toàn cầu, trong đó các nhà sản xuất và người tiêu dùng dữ liệu - các tổ chức, cá nhân và chính quyền - thu thập, sắp xếp và chia sẻ dữ liệu tích lũy từ nhiều nguồn khác nhau. Các doanh nghiệp có thể thu thập thông tin chi tiết và phong phú hơn, khai thác những thị trường mới, đáp ứng người tiêu dùng bằng các sản phẩm, dịch vụ phù hợp, đồng thời thu lợi nhuận từ dữ liệu của họ bằng cách chia sẻ dữ liệu ra bên ngoài với các khách hàng và nhà cung cấp chính.
Theo nghiên cứu, những lợi ích lớn nhất khi doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế dữ liệu bao gồm: Cải thiện quan hệ hợp tác với các đối tác và nhà cung cấp (66%), Tạo ra các mô hình kinh doanh mới (53%), Thúc đẩy đổi mới sáng tạo (52%), Thu hút và giữ chân khách hàng tốt hơn (51%), Tăng doanh thu (42%).
Có thể nói, dữ liệu là "dầu mỏ" của nền kinh tế số. Dữ liệu đang trở thành một nguồn tài nguyên quý giá và quyền sở hữu dữ liệu sẽ trở thành yếu tố quan trọng tạo ra giá trị kinh tế. Ngày càng nhiều công ty công nghệ nhận ra giá trị của dữ liệu. Ví dụ, Google cung cấp các dịch vụ như Gmail, Google Docs, Google Sách… để thu thập dữ liệu từ người dùng và sử dụng chúng nhằm nâng cao chất lượng kết quả tìm kiếm của mình; Amazon bán thiết bị đọc sách Kindle với giá rẻ để thu thập dữ liệu về thói quen đọc của người tiêu dùng…
Trong thời đại dữ liệu lớn, các công ty sử dụng dữ liệu để dự đoán hành động và thói quen, sở thích của khách hàng. Việc này đặt ra câu hỏi về quyền riêng tư cá nhân. Đây là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp. Các lãnh đạo cần nhận ra giá trị của dữ liệu và đảm bảo việc sử dụng dữ liệu hợp lý, có trách nhiệm, tôn trọng quyền riêng tư của người dùng; qua đó giúp doanh nghiệp có được lòng tin của khách hàng và tăng giá trị, uy tín của thương hiệu.
Công nghệ kỹ thuật số đã thay đổi cách thức hoạt động của nền kinh tế. Nhờ dữ liệu lớn, tất cả mọi người đều có thể tiếp cận công nghệ và nền tảng kinh doanh một cách dễ dàng, linh hoạt hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, với xu hướng này, những lợi thế cạnh tranh vốn có sẽ không còn bền vững và giá trị sẽ là thứ con người phải tạo ra thay vì khai thác. Kỷ nguyên của dữ liệu đang mở ra một cách tiếp cận mới, đòi hỏi doanh nghiệp phải tạo ra giá trị bằng cách tối ưu hóa khả năng tiếp cận và khai thác các xu thế công nghệ mới.
Nhật HàCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.