Doanh nghiệp Thanh Hóa “đóng băng” vì quy định phòng cháy chữa cháy
Ngày 31/3, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, thu hút hơn 300 lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội và khoảng 100 cán bộ các sở ngành, huyện thị tham gia. Đây là hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp quy mô lớn nhất của tỉnh từ sau Covid-19.
Có 13 ý kiến phát biểu nhưng chủ yếu xoay quanh việc các quy định kiểm tra phòng cháy chữa cháy khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phải dừng hoạt động.
Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn, cho biết: Sau 3 năm ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID 19 và hiện tại là suy thoái kinh tế, lạm phát nên ngành dệt may và da giày đang gặp rất nhiều khó khăn, đơn hàng bị cắt giảm nhiều, có thời điểm đơn hàng phải cắt giảm đến 60%. Số đơn hàng còn lại, đơn giá chỉ đạt 55% đến 65%. Hiện nay, ngành dệt may đang hết sức cố gắng để giữ việc làm ổn định, bảo đảm thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên hiện nay, một vấn đề khiến các doanh nghiệp đang gặp khó là Nhà nước áp dụng các tiêu chuẩn mới trong phòng cháy chữa cháy mà nhiều doanh nghiệp chưa thể đáp ứng ngay được và nguy cơ sẽ bị đình chỉ hoạt động.
Cùng kiến nghị khó khăn trong vấn đề phòng cháy chữa cháy, ông Trần Quốc Trường, Chi hội phó Chi hội Doanh nghiệp Khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga, cho biết: Khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga có 103 cơ sở không bảo đảm các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy mới, theo quy định tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Cùng với bị xử phạt hành chính số tiền hàng trăm triệu đồng, thì các doanh nghiệp hiện đang bị tạm đình chỉ và đình chỉ sản xuất từ cuối năm 2022 để khắc phục.
Hiện nay, một số doanh nghiệp đã chấp hành xử phạt hành chính. Nhiều doanh nghiệp cũng đã xây dựng lộ trình, phương án để khắc phục nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn do phải đầu tư, cải tạo, phá bỏ nhiều công trình tốn kém phi phí.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không đồng bộ về các thủ tục hồ sơ hiện có với hồ sơ phòng cháy chữa cháy dẫn đến không đủ điều kiện nghiệm thu. Các doanh nghiệp tại khu công nghiệp Tây Bắc Ga kiến nghị UBND tỉnh khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng và có phương án cải tạo, nâng cấp hạ tầng phòng cháy chữa cháy bảo đảm đồng bộ và phù hợp với quy mô sản xuất tại Khu công nghiệp Tây Bắc Ga, hạn chế chi phí đầu tư hạ tầng phòng cháy chữa cháy nội bộ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất; sớm xem xét, phê duyệt, ban hành quy hoạch điều chỉnh chi tiết Khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga và chỉ đạo các sở, ngành, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đồng bộ các thủ tục về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với chủ trương đầu tư và các thủ tục hồ sơ liên quan để thẩm duyệt, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy.
Gọi đây là "vấn đề nóng", ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho rằng tiêu chuẩn quy định về phòng cháy chữa cháy quá cao khiến doanh nghiệp đang ốm yếu sẵn, sức khỏe càng thêm trầm trọng. Nhiều doanh nghiệp bị đình chỉ, đóng cửa, người lao động mất việc làm hàng loạt, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội.
Đồng tình quan điểm, ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI Thanh Hóa, cho biết thêm, tỉnh hiện có hơn 20.000 doanh nghiệp lớn nhỏ, song không nhiều nhà máy, xí nghiệp đáp ứng quy định phòng cháy chữa cháy mới như hiện hành.
Ông dẫn khảo sát sơ bộ cho thấy hiện có đến 85% nhà nghỉ, khách sạn không đủ quy định phòng cháy chữa cháy, nếu áp tiêu chí mới thì không thể thu hút khách du lịch.
Ông Cao Tiến Đoan kiến nghị, ngành công an cần có giải pháp hỗ trợ cụ thể như, với những dự án công trình mới, yêu cầu doanh nghiệp buộc phải tuân thủ, nếu không chấp hành đúng sẽ xử phạt nặng, đóng cửa hoạt động. Còn các cơ sở kinh doanh đang hoạt động như nhà hàng, khách sạn tại những điểm du lịch trọng điểm của tỉnh như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, cần tạo điều kiện cho chủ doanh nghiệp bổ sung, nâng cấp, sửa chữa, giãn thời gian hoàn thành các hạng mục phòng cháy chữa cháy. Ông cũng dẫn bối cảnh sắp khai trương mùa du lịch biển 2023.
Cho rằng một số quy định phòng cháy chữa cháy hiện chưa phù hợp thực tiễn, ông đề nghị sửa đổi. Đồng thời, sớm ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn cụ thể, quy định tiêu chuẩn, chất lượng ngay từ khâu thiết kế, phê duyệt, đến nghiệm thu để các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện.
Trước các ý kiến của doanh nghiệp, đại tá Lê Như Lập - Phó giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa - giải thích, một thời gian dài nhiều công trình không được quan tâm về phòng cháy chữa cháy hoặc không nghiệm thu đến nơi đến chốn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cháy nổ. Vừa qua, Chính phủ giao các bộ ngành kiểm tra, rà soát xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Theo ông, ngành công an đang thực hiện đúng quy định và trên quan điểm "bảo vệ tính mạng người dân".
Ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, công tác kiểm tra, xử lý của công an là đúng quy định song cần trên tinh thần "chia sẻ". "Cứ làm đúng, làm máy móc thì không ổn, phải theo hướng tháo gỡ, đồng hành với doanh nghiệp, không phải cứ nhăm nhăm xử phạt", ông nói.
Ông Tuấn nói thêm, nếu cứ áp tiêu chí mới thì 99% doanh nghiệp, chưa kể hàng nghìn cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện... không đáp ứng được. Do đó, chỉ những doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng mới đình chỉ hoạt động, còn lại cần có lộ trình để khắc phục dần.
Ngoài vấn đề phòng cháy chữa cháy, nhiều đại biểu nêu ý kiến đề nghị UBND tỉnh tháo gỡ tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, giá cả đất đá leo thang, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi hay đề xuất giảm thủ tục hành chính trong công tác giải phóng mặt bằng, cấp phép mỏ vật liệu xây dựng...
Ông Tuấn nói hiện nhiều nhà thầu trong tình trạng "làm cũng chết mà không làm cũng chết". Ông cam kết tỉnh sẽ có giải pháp cụ thể về vấn đề này trong tháng 4.
Về cải cách thủ tục hành chính, ông Tuấn thừa nhận "đâu đó vẫn còn tình trạng né tránh đùn đẩy, chậm trễ, lòng vòng ở các cơ quan thực thi công vụ". Ông đề nghị nếu doanh nghiệp phát hiện có tình trạng cố tình vòi vĩnh, nhũng nhiễu có thể gọi điện ngay cho lãnh đạo sở, thậm chí lãnh đạo tỉnh để xem xét xử lý nghiêm.
"Khó khăn vướng mắc thì sẽ cùng nhau tháo gỡ trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro thì chia sẻ", ông Tuấn nói và mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục vượt qua giai đoạn khó khăn hậu Covid-19 hiện nay.
Năm 2022, các doanh nghiệp đang hoạt động tại Thanh Hóa đóng góp khoảng 60% tổng thu ngân sách (51.000 tỷ đồng) của địa phương.
Vũ QuỳnhTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.