Doanh nghiệp Thanh Hóa nỗ lực chuyển đổi số

Địa phương
03:34 PM 13/08/2024

Thanh Hóa đã, đang nỗ lực không ngừng để thúc đẩy chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, hướng tới mục tiêu phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Cùng với đó, các doanh nghiệp ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực thúc đẩy phát triển, đổi mới sáng tạo.

Tại Thanh Hóa, việc xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới xây dựng Chính phủ số đã có bước đột phá quan trọng. Lãnh đạo, cán bộ các cấp từ tỉnh đến địa phương đã thay đổi nhận thức, thói quen làm việc từ hành chính, giấy tờ sang chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử. Đến nay, Thanh Hóa đã trở thành một trong những tỉnh thuộc top đầu cả nước triển khai hiệu quả xử lý văn bản trên môi trường điện tử.

Doanh nghiệp Thanh Hóa nỗ lực chuyển đổi số- Ảnh 1.

Thanh Hóa đã, đang nỗ lực không ngừng để thúc đẩy chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, hướng tới mục tiêu phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Để phát triển kinh tế số, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh từng bước chuyển đổi số như: hỗ trợ hơn 70.000 doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử voso.vn và portmart.vn; hỗ trợ trên 552.000 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các dịch vụ thiết yếu; 100% doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử…

Đặc biệt, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo và đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Nhờ đó đến tháng 6/2024, toàn tỉnh đã có 30% doanh nghiệp chuyển đổi số trên tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế, tăng 3,85% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng thành công mô hình chuyển đổi số, nền tảng số, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh và tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn của tỉnh.

Doanh nghiệp Thanh Hóa nỗ lực chuyển đổi số- Ảnh 2.

Doanh nghiệp Thanh Hóa nỗ lực chuyển đổi số.

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, có cài đặt ứng dụng gọi xe của Mai Linh, khách hàng có thể dễ dàng đặt xe taxi nhanh chóng và thuận tiện. Cùng với đó, thông tin lái xe, giờ đón được thông báo đến trung tâm điều hành và khách hàng ngay lập tức. Việc triển khai app gọi xe công nghệ là một trong những bước tiến của Mai Linh Thanh Hóa trong thực hiện chuyển đổi số. Cùng với đó, đơn vị cũng đang từng bước ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh, mang đến những tiện ích cho cả khách hàng và doanh nghiệp.

Trên điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet, người dân có thể thực hiện đầy đủ các dịch vụ điện như xem chỉ số điện, thanh toán tiền điện, báo sự cố điện, ký hợp đồng cung ứng dịch vụ điện… mà không cần phải đến trực tiếp trụ sở điện lực Thanh Hóa. Các thông tin về ngành điện, lịch cắt điện... cũng được thông báo đến khách hàng qua các app chăm sóc khách hàng, Tổng đài 19006769, hệ thống website, qua tin nhắn zalo, facebook… 

Việc thực hiện các dịch vụ chăm sóc khách hàng trên không gian số là một trong những giải pháp quan trọng màCông ty điện lực Thanh Hóa triển khai, mang đến nhiều tiện ích cho cả khách hàng và doanh nghiệp. Đến nay, 100% các hợp đồng mua bán điện của khách hàng đã được thu thập thông tin và số hóa, công ty cũng đã số hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ trong công việc sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp Thanh Hóa nỗ lực chuyển đổi số- Ảnh 3.

Công ty điện lực Thanh Hóa triển khai thực hiện tốt công tác chuyển đổi số mang đến nhiều tiện ích cho cả khách hàng và doanh nghiệp.

Chuyển đổi số là một hành trình dài, bên cạnh những thuận lợi cũng sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Để đạt được mục tiêu phấn đấu hết năm 2024 có 40% doanh nghiệp; đến năm 2025, có 50% trở lên số doanh nghiệp trong tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế thực hiện chuyển đổi số, cùng với các giải pháp về tuyên truyền, hỗ trợ, tỉnh Thanh Hóa cũng đang tập trung đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp số, chú trọng thúc đẩy hoạt động số hóa các ngành kinh tế như xây dựng, hoạt động của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. 

Bản thân các doanh nghiệp cũng cần nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn về những lợi ích của việc chuyển đổi số mang lại, chủ động nắm bắt những công nghệ mới. Từ đó, từng bước chuyển đổi tư duy, cách làm, tận dụng sức mạnh của công nghệ số, gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh thông minh.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn