Doanh nghiệp – Thị trường với những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong tháng 8/2020

Doanh nghiệp - Doanh nhân
02:57 PM 29/08/2020

Sửa đổi điều kiện thành lập cụm công nghiệp, thêm 5 trường hợp được miễn lệ phí môn bài hay phạt tới 2 tỷ đồng đối với hành vi vi phạm về thăm dò, khai thác dầu khí… là những chính sách, chỉ đạo, điều hành nổi bật về doanh nghiệp, thị trường của Chính phủ và các Bộ trong tháng 8 vừa qua.

Sửa đổi điều kiện thành lập cụm công nghiệp

Ngày 11/6/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 66/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, có hiệu lực 01/8/2020.

Theo đó, sửa đổi điều kiện thành lập cụm công nghiệp như sau: Từ điều kiện "Có trong Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đã được phê duyệt" thành "Có trong phương án phát triển cụm công nghiệp nằm trong quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt".

Doanh nghiệp – Thị trường với những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong tháng 8/2020 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế

Ngày 15/6/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 67/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 68/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan, có hiệu lực 10/8/2020.

Theo đó, Hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, gồm:

– Văn bản đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế theo Mẫu số 01 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này: 01 bản chính.

– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc chứng từ khác quy định tại khoản 4 Điều 81 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp: 01 bản chụp.

– Sơ đồ thiết kế khu vực, vị trí cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế, vị trí lắp đặt hệ thống camera: 01 bản chụp.

– Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy do cơ quan công an cấp (trừ trường hợp nằm trong khu vực đã được công nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy): 01 bản chụp.

Thêm 05 trường hợp được miễn lệ phí môn bài

Có hiệu lực từ ngày từ ngày 23/8/2020, Thông tư số 65/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 302/2016/TT-BTC ngày 4/10/2016 hướng dẫn về lệ phí môn bài đã bổ sung thêm 5 trường hợp được miễn lệ phí môn bài theo khoản 1 Điều 1 Nghị định số 22/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài.

Tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường trong vận chuyển hàng không

Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2020/NĐ-CP về tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển trong vận chuyển bằng đường hàng không.

Theo Nghị định, đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của hành khách tăng từ 100.000 đơn vị tính toán lên thành 128.821 đơn vị tính toán cho mỗi hành khách. Đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm tăng từ 4.150 đơn vị tính toán lên thành 5.346 đơn vị tính toán cho mỗi hành khách. Đối với vận chuyển hành lý, bao gồm cả hành lý ký gửi và hành lý xách tay, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm tăng từ 1.000 đơn vị tính toán lên thành 1.288 đơn vị tính toán cho mỗi hành khách. Đối với vận chuyển hàng hoá, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm tăng từ 17 đơn vị tính toán lên thành 22 đơn vị tính toán cho mỗi kilôgam hàng hoá.

Giảm 50% phí xử lý vụ việc cạnh tranh đến hết năm 2020

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư số 58/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí xử lý vụ việc cạnh tranh.

Theo đó, mức phí xử lý vụ việc cạnh tranh được quy định cụ thể như sau:

+ Phí giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: 5.000.000 đồng/vụ việc.

+ Phí thấm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh: 25.000.000 đồng/hồ sơ.

- Mức thu phí áp dụng kể từ ngày 01/01/2021 sẽ được thu bằng với mức thu hiện hành quy định tại Thông tư số 251/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016:

+ Phí giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: 10.000.000 đồng/vụ việc.

+ Phí thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh: 50.000.000 đồng/hồ sơ.

Cấp biển số màu vàng cho xe kinh doanh vận tải

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 58/2020/TT-BCA quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới đường bộ.

Theo đó, các xe kinh doanh vận tải đăng ký mới sẽ bắt đầu chuyển sang biển màu vàng từ ngày 01/8. Đối với các xe đang hoạt động kinh vận tải trước ngày Thông tư số 58/2020/TT-BCA có hiệu lực sẽ phải chuyển đổi sang biển vàng, chữ số màu đen trước ngày 31/12/2021.

Bán hàng xách tay, có thể chịu phạt lên đến 200 triệu đồng

Bán hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định, không làm thủ tục hải quan,... thuộc trường hợp được xác định là hàng hóa nhập lậu theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP, thì cá nhân sẽ bị phạt tiền.

Trường hợp, tổ chức, cá nhân vi phạm thuộc một trong các trường hợp được quy định tại theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 98/2020 thì bị phạt tiền gấp hai lần mức nêu trên (tương đương mức phạt tối đa có thể lên đến 100 triệu đồng đối với cá nhân hoặc 200 triệu đồng đối với tổ chức).

Phạt tới 2 tỷ đồng đối với hành vi vi phạm về thăm dò, khai thác dầu khí

Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí. Nghị định quy định đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Trong đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.

Vi phạm quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia sẽ bị phạt đến 100 triệu đồng

Chính phủ ban hành Nghị định 96/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là 50 triệu đồng. Trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Trà Giang
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.