Doanh nghiệp thiếu lao động khi phục hồi sản xuất

Doanh nghiệp - Doanh nhân
03:27 PM 14/10/2021

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã quay trở lại sản xuất sau 4 tháng giãn cách nhưng tình trạng thiếu lao động đang khiến nhiều doanh nghiệp lao đao.

Nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất

Tại thành phố Hồ Chí Minh có trên 470.000 doanh nghiệp đang đăng ký hoạt động, trong đó trên 15.000 doanh nghiệp FDI với hơn 3,2 triệu công nhân. Trong số đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98%, chủ yếu là ngành may mặc, giày da, dịch vụ thương mại, giao thông nên thời gian giãn cách trong 4 tháng vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp, việc làm, hoạt động kinh tế, dịch vụ, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Nhiều doanh nghiệp chịu không nổi, dẫn đến phá sản.

photo-1634199489690

Nhiều doanh nghiệp lo ngại đứt gãy chuỗi sản xuất vì thiếu lao động. Ảnh minh họa

Theo bà Trần Thị Hồng Vân – Chủ tịch Công đoàn Công ty Nissei Electric Việt Nam, công ty đã thông báo làm việc lại bình thường từ ngày 4/10 nhưng chỉ khoảng 70% lao động đi làm trở lại, còn 30 % là công nhân về tỉnh chưa quay trở lại làm việc được, không có người trông con để đi làm, một số còn là F0 và vẫn đang cách ly, một số nghỉ thai sản….

Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Đường TTC Biên Hòa - Đồng Nai cũng đang tuyển dụng lao động trực tuyến ở nhiều vị trí để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, DN cũng có nhiều tiêu chuẩn đi kèm để tìm được nhân lực phù hợp. Trong đó, yêu cầu NLĐ đang ở "vùng xanh", không bị phong tỏa và phải tiêm vaccine ngừa Covid-19 ít nhất 1 mũi.

Hiện, nhiều DN tập trung đông lao động đều lo lắng thiếu hụt lao động sau khi hoạt động trở lại. Mặt khác, lao động ở trong "vùng xanh" đủ điều kiện đi làm rất hạn chế. Anh Nguyễn Hoàng Dũng, Phó chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom) cho hay, DN vừa được Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai chấp thuận cho trên 5 ngàn lao động "vùng xanh" trở lại làm việc, bắt đầu từ ngày 5/10.

Theo anh Dũng, công ty hiện có trên 25 ngàn lao động, song chỉ có trên 5 ngàn lao động ở "vùng xanh" đủ điều kiện được đi làm nên nguồn nhân lực đang rất thiếu. Thời gian qua, công ty đã nỗ lực trả mức lương tối thiểu vùng cho NLĐ để đảm bảo cuộc sống. Nhiều lao động đang muốn trở lại với công việc để có thu nhập nhưng chưa đủ điều kiện đi làm vì còn nằm trong vùng phong tỏa, cách ly y tế. Tới đây, nếu việc sản xuất đi vào ổn định, DN sẽ tuyển dụng thêm lao động ở những "vùng xanh" để đảm bảo nguồn lực và hoạt động sản xuất trong tình hình mới.

Giữ chân lao động

Ông Phan Kỳ Quan Triết - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM - cho hay, cuối năm là khoảng thời gian quan trọng để các doanh nghiệp nỗ lực, tận dụng nâng cao hiệu quả năng suất để hoàn thành đơn hàng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu và nhu cầu mua sắm, tiêu dùng theo mùa (trước, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần).

Dự kiến nhu cầu nhân lực quý IV/2021 cần khoảng hơn 43.600 - gần 57.000 lao động, nhu cầu nhân lực có xu hướng tăng ở lao động bán thời gian, tập trung ở các nhóm nghề như: Kinh doanh - Thương mại; Dịch vụ phục vụ cá nhân, Bảo vệ; Công nghệ thông tin; Cơ khí - Tự động hoá; Vận tải - Kho bãi - Dịch vụ cảng; Dịch vụ thông tin tư vấn - Chăm sóc khách hàng; Kỹ thuật công trình xây dựng; Dệt may - Giày da…

photo-1634199491260

Cần có chính sách để động viên và giữ chân NLĐ quay lại làm việc. Ảnh minh họa

Dù khó khăn như vậy nhưng nhiều doanh nghiệp quyết tâm phục hồi sản xuất và có chính sách giữ chân lao động trở lại làm việc. các doanh nghiệp đều cho rằng, để giữ chân lao động, giúp DN trở lại hoạt động bình thường sau những ảnh hưởng do dịch bệnh, tỉnh cần ưu tiên tiêm vaccine cho NLĐ.

Nhiều doanh nghiệp cũng xây dựng chính sách ngắn hạn, dài hạn để hỗ trợ NLĐ quay lại làm việc như túi an sinh, hỗ trợ một phần tiền trọ...; tranh thủ các chính sách hỗ trợ của Thành phố đầu tư, nâng cao môi trường, điều kiện làm việc tốt hơn, an toàn cho người lao động.

Ngoài ra, đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập để đảm bảo đời sống NLĐ. Đó cũng là cách để giữ chân lao động trong thời điểm hiện nay vì tình trạng lao động nghỉ việc lâu ngày, cuộc sống khó khăn dẫn đến phải về quê. Số lượng lao động về quê nhiều sẽ ảnh hưởng đến DN và sự phục hồi kinh tế .

Thiết nghĩ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người lao động cũng là tài sản quý nhất của mỗi doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn nếu làm tốt những chính sách, phúc lợi và quan tâm tới lao động, quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động lại càng khăng khít, bền lâu, cùng sự phát triển chung, phục hồi sản xuất và chiến thắng đại dịch.

Trương Hưng
Ý kiến của bạn
Cần chính sách đột phá làm điểm tựa cho doanh nghiệp "bay cao" Cần chính sách đột phá làm điểm tựa cho doanh nghiệp "bay cao"

Việt Nam đã xây dựng được những doanh nghiệp (DN) dẫn đầu, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Song vẫn cần xây dựng chính sách đột phá để hỗ trợ DN "bay cao" và tạo dựng được nhiều doanh nghiệp dẫn đầu hơn nữa.