Doanh nghiệp tìm cách 'vượt khó' khi COVID-19 bùng phát trở lại
Dịch COVID-19 bùng phát trở lại khiến nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP. Hà Nội vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Vì thế, cùng với các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, các ban ngành, thì việc tự tìm cách "vượt khó" thúc đẩy sản xuất, kinh doanh gắn với đảm bảo an toàn, phòng chống dịch COVID-19 là vấn đề được Công ty TNHH Xây dựng Lộc Linh quan tâm hiện nay.
Thêm phần khó khăn
Kinh doanh "cầm cự" từ đầu năm đến nay, anh Bùi Tiến Bộ - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Lộc Linh (chuyên thi công lắp đặt các loại nhôm kính, cửa cuốn, kính và cửa kính cường lực) cho biết: "Mọi năm vào thời điểm này doanh số của công ty bắt đầu tăng, lao động làm không hết việc, nhưng từ năm ngoái đến nay (đặc biệt ở thời điểm hiện tại), tình hình vô cùng khó khăn không chỉ vì dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại mà giá nguyên liệu, vật tư đầu vào liên tục tăng. Giá nhôm kính nhập khẩu từ Trung Quốc về liên tục tăng (so với cùng kỳ năm ngoái tăng khoảng 30-40%), trong khi giá bán sản phẩm lại không được tăng".
"Đến thời điểm này, đơn hàng so với mọi năm giảm đáng kể. Có những đơn hàng đã ký kết từ trong Tết và đầu năm nay nếu thực hiện thì chúng tôi lỗ, nhưng không thực hiện thì lại phải đền bù vì "phá vỡ" hợp đồng dẫn đến tình trạng "tiến thoái lưỡng nan". Cũng có một số hộ gia đình, DN vừa mới đặt hàng lắp đặt, thi công cửa kính, cửa cuốn nhưng địa điểm lại toàn ở những chỗ "nhạy cảm" về dịch bệnh COVID-19 nên chúng tôi không dám nhận, dù tiền thuê mặt bằng, thuê công nhân thì vẫn phải duy trì, khiến DN lâm vào cảnh khó khăn", anh Bộ chia sẻ.
Cố gắng đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động
Trước những khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 mà DN đang phải đối mặt, Phó Giám đốc Bùi Tiến Bộ mong muốn Chính phủ, các ban ngành chức năng có các giải pháp, biện pháp bình ổn giá nguyên liệu, tạo cơ chế cho các DN nói chung (DN nhỏ và vừa như Công ty nói riêng) được tiếp cận các gói vay vốn ngân hàng từng bước tháo gỡ khó khăn, duy trì, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng sản xuất - kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động (NLĐ).
Để vượt qua khó khăn hiện tại, anh Bộ cho biết, công ty sẽ cố gắng tìm kiếm thêm khách hàng, đối tác mới, cố gắng thực hiện các đơn hàng, hợp đồng đã ký kết từ trước đó nhằm tạo nguồn thu cho công ty, đảm bảo việc làm, thu nhập cho NLĐ nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
"Dù biết khó khăn hiện hữu trước mắt, nhưng thời điểm này chúng tôi chỉ thực hiện các hợp đồng, công việc ở những nơi chưa xuất hiện các ca COVID-19. Bởi công ty chúng tôi luôn xách định phải gắn hiệu quả công việc với thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tại xưởng sản xuất, công ty trang bị đầy đủ khẩu trang, nước sát khuẩn, NLĐ trước khi vào làm việc đều phải xịt nước sát khuẩn, đeo khẩu trang. Mỗi khi ra ngoài đường, trong quá trình thi công, lắp đặt, công ty đều yêu cầu NLĐ thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang", anh Bộ nhấn mạnh giải pháp mà công ty đã đề ra.
Công nhân Nguyễn Văn Tú của chia sẻ: Dù công việc ít hơn mọi năm, thu nhập chắc chắn sẽ giảm, nhưng bản thân NLĐ chúng tôi luôn ý thực được việc phải tuân thủ và thực hiện nghiêm túc trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, nhất là trong quá trình thực hiện công việc. Bởi đảm bảo an toàn cho bản thân, cho DN cũng chính là góp phần quan trọng đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP này 19/5/2020 của Chính phủ.
Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.