Doanh nghiệp Trung Quốc điêu đứng vì bão giá nguyên liệu
Chuỗi cung ứng đã hấp thụ hết đà tăng giá thay vì chuyển gánh nặng sang người tiêu dùng. Lợi nhuận thặng dư của doanh nghiệp bị ăn mòn.
Các cơ sở sản xuất, nhà máy điện và trang trại của Trung Quốc đang cảm nhận được những tác động tồi tệ nhất từ làn sóng tăng giá hàng hóa – thứ cho đến nay vẫn chưa chạm đến ví tiền của người dân.
Theo công ty Henan Qixing Copper, các công ty sản xuất đồ điện tử đang bị chùn bước trước hiện tượng giá nguyên vật liệu thô biến động quá mạnh và đang bắt đầu cắt giảm một số phụ tùng. Đây chính là "cú đấm kép" vào các nhà cung ứng phụ tùng kim loại vốn đang phải chịu trận trước giá đồng tăng cao kỷ lục.
"Đó là bài kiểm tra lớn về nguồn vốn của các công ty", Hai Jianxun, giám đốc bán hàng của Qixing, 1 công ty chế tạo đồng cỡ trung cho hay. Theo ông, tình cảnh hiện nay yêu cầu phải tăng vốn mạnh mẽ mới có thể duy trì hoạt động.
Gần đây chính phủ Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực kiểm soát giá hàng hóa để ngăn chặn lạm phát. Những biện pháp can thiệp khoa trương của các chính trị gia, nhà hoạch định chính sách và các sàn giao dịch đã đạt được một số thành công trong việc hạ nhiệt thị trường. Giá nhiều loại nguyên liệu đã rời khỏi mức đỉnh kỷ lục. Tuy nhiên, nhiều công ty trong chuỗi cung ứng vẫn không tránh khỏi rắc rối tài chính.
Chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc đã giảm nhẹ trong tháng 5, 1 dấu hiệu cho thấy có lẽ tăng trưởng đã đạt đỉnh. Chi phí đầu vào tăng lên mức cao nhất kể từ 2010, khiến các doanh nghiệp nhỏ ngã quỵ.
Gần đây, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã có chuyến thăm tới thành phố Ningbo ở duyên hải phía Đông. Một công ty sản xuất đồ điện gia dụng tại đây than phiền rằng giá nguyên liệu tăng cao gây ra áp lực rất lớn. Một công ty khác kiến nghị chính phủ hãy hỗ trợ nhiều hơn.
Trong khi chỉ số giá sản xuất tăng vọt thì giá tiêu dùng – thứ mà NHTW quan tâm nhất khi tính toán chính sách tiền tệ - lại bình thản hơn với mức tăng rất nhẹ. Điều đó có nghĩa là chuỗi cung ứng đã hấp thụ hết đà tăng giá thay vì chuyển gánh nặng sang người tiêu dùng. Lợi nhuận thặng dư của doanh nghiệp bị ăn mòn.
PPI tăng mạnh trong tháng 4 trong khi CPI chỉ tăng nhẹ
Các nhà máy và những nhà máy điện cung cấp năng lượng cho họ đặc biệt dễ bị tổn thương trước giá than đá leo thang. Trong bối cảnh đà phục hồi kinh tế khiến lượng điện tiêu thụ còn vượt quá cả mức trước đại dịch và hạn hán ở miền Nam gây nên tình trạng thiếu điện, giá năng lượng đang trở thành vấn đề ngày càng nhức nhối.
Nguồn cung điện bị kéo căng đã buộc một số nhà máy ở Quảng Đông phải chuyển sang hoạt động vào giờ thấp điểm, theo chuyên gia phân tích Yu Zhai của Wood Mackenzie. Một số nhà máy thì chỉ được phép hoạt động 3 ngày mỗi tuần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hoàn thành đơn hàng. Tình trạng này có thể kéo dài 3 tháng nữa.
1 tấn than đá ở cảng Qinhuangdao hiện có giá 865 nhân dân tệ, tăng khoảng 50%. Khi giá lên tới hơn 800 tệ/tấn, gần như mọi nhà máy nhiệt điện ở Trung Quốc sẽ lỗ, theo Yu. Một số sẽ phải giảm công suất để giảm lỗ.
Những người nông dân dù có mô hình kinh doanh lớn hay nhỏ đều bị ảnh hưởng. Cổ phiếu của các công ty chế biến thịt lợn lớn nhất ở Trung Quốc đã bị bán tháo sau khi mọi loại chi phí từ ngô, đậu tương đến lúa mì đều tăng trong khi giá thịt lợn giảm.
Cổ phiếu của các công ty chế biến thịt lợn sụt giảm
Muyan Foods, công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lợn lớn nhất Trung Quốc, cho biết chi phí tăng mạnh vì giá nguyên vật liệu thô tăng. Ngược lại, giá lợn tương lai ở Trung Quốc đang rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
Kể cả những công ty được hưởng lợi từ giá nguyên liệu tăng cũng chật vật. Liu Chen, 1 nông dân trồng ngô ở tỉnh Hắc Long Giang, cho biết tiền thuê đất và chi phí nhân công đã tăng gấp rưỡi trong khi giá phân bón tăng 20%. Do đó dù giá ngô lập đỉnh thì anh vẫn rất khó khăn.
Tham khảo Bloomberg
Thu HươngTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.