Doanh nghiệp tư nhân làm đầu mối đầu tư hạ tầng?

Doanh nghiệp - Doanh nhân
10:34 AM 26/07/2020

Hoạt động mờ nhạt trong chức năng đầu mối hạ tầng giao thông đã khiến Tổng công ty Cửu Long một DNNN phải ngừng hoạt động sau 9 năm thành lập.

    Sau 9 năm,TCty Cửu Long vẫn chỉ là Ban Quản lý dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ

    Nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi liệu doanh nghiệp tư nhân có đảm đương được nhiệm vụ này?

    Được thành lập với mục tiêu trở thành doanh nghiệp đầu mối trong việc thu hút vốn đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến giao thông huyết mạch và đường cao tốc phía Nam, đến nay Chính phủ chính thức yêu cầu chấm dứt hoạt động của Tcty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) sau 9 năm hoạt động.

    Liệu có “bình mới rượu cũ”?

    Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình mới đây đã đồng ý chấm dứt hoạt động của Tcty Cửu Long và thành lập Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (PMU Mỹ Thuận) là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GTVT. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đồng ý sáp nhập CIPM vào Tcty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thuộc Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

    Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam sẽ vào khoảng 480 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2030. Tại Việt Nam ngân sách nhà nước phải dành 5,7% GDP để đầu tư cơ sở hạ tầng.

    Cùng với việc đưa PMU Mỹ Thuận vào danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho chuyển một phần tài sản của CIPM sau khi kết thúc mô hình thí điểm (chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp) sang PMU Mỹ Thuận bao gồm trụ sở làm việc, xe ô tô, một số máy móc thiết bị và điều chuyển tài sản, các nghĩa vụ liên quan còn lại cho VEC thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

    Sau 9 năm thành lập, hoạt động của CIPM lại không được suôn sẻ như kỳ vọng khi để lỡ hầu hết các mục tiêu đề ra. Thực tế vốn điều lệ của Tcty này được cấp đến nay là 136,42/1.500 tỷ đồng chỉ đạt khoảng 9%. Đồng thời chưa được giao quản lý tài sản là các dự án hoàn thành có giá trị theo đề án thành lập. Chưa tham gia đầu tư được tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. Chưa thực hiện được nhiệm vụ vay lại vốn thương mại để đầu tư các dự án hạ tầng giao thông.

    Cụ thể, mặc dù là doanh nghiệp với lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính là đầu tư xây dựng công trình đường bộ, đường sắt; tư vấn kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan; xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng… nhưng thực tế, CIPM chủ yếu thực hiện công tác quản lý dự án. Theo đó, CIPM được "ưu ái" quản lý một số dự án lớn khu vực phía Nam như: Quốc lộ 14, Quốc lộ 51, đường hành lang ven biển phía nam, đường Nam Sông Hậu…

    Đáng chú ý là cả cao tốc TP HCM - Trung Lương mà sau này chuyển nhượng lại cho một công ty của Đinh Ngọc Hệ, hiện dự án này cũng vẫn đang dính những kiện cáo, lùm xùm.

    Ngoài ra, CIPM tiếp tục được giao quản lý Dự án Lộ Tẻ-Rạch Sỏi. Mới đây nhất, CIPM tiếp tục được giao cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trong khi doanh nghiệp này sắp bị "khai tử".

    Nên giao tư nhân làm việc lớn

    Mặc dù không ít ý kiến lo ngại, việc chấm dứt hoạt động của CIPM và thành lập PMU Mỹ Thuận liệu có rơi vào cảnh "bình cũ rượu mới", bởi trước đó tiền thân của CIPM chính là PMU Mỹ Thuận?

    Tuy nhiên, trao đổi với DĐDN, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) lại cho rằng, đổi mới hoạt động của một doanh nghiệp như CIPM là yêu cầu bắt buộc. Điều quan trọng là hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp này sau khi đổi mới. Bởi thời gian vừa qua hoạt động của một doanh nghiệp đầu mối như vậy là “mờ nhạt”.

    Vị chuyên gia lo lắng về tính hiệu quả của mô hình doanh nghiệp đầu mối hạ tầng giao thông trong khi ở nhiều quốc gia mô hình này là tương đối hiệu quả. Đồng thời cho rằng cần có những giải pháp thu hút đầu tư tư nhân nhằm giúp thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng với các quốc gia khác.

    Quốc hội chính thức thông qua Luật về PPP, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Việc ban hành Luật nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án PPP. Ðây là cơ sở pháp lý quan trọng để thu hút đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực kết cấu hạ tầng thiết yếu, tạo cú huých phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian tới.

    Bình luận về vấn đề này ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục khuyến khích tham gia đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng thông qua mô hình hợp tác công tư (PPP). Thực tế thời gian qua một số công trình hạ tầng mang tính kết nối do các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước đầu tư bảo đảm tiến độ, chất lượng như cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cao tốc Vân Đồn - Hạ Long - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng...

    Để tạo đột phá trong phát triển kinh tế tư nhân hướng tới hình thành các tập đoàn tư nhân mạnh, đủ sức cạnh tranh toàn cầu, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng nhấn mạnh cần thay đổi tư duy theo nguyên tắc hỗ trợ người có hiệu quả. Lâu nay ta ưu đãi nhiều cho DNNN nhưng không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Cần chuyển sang cơ chế hỗ trợ khu vực có hiệu quả, dựa vào kết quả kinh doanh. Theo đó, các doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả sẽ được hưởng cơ chế hỗ trợ tốt hơn, nhờ đó doanh nghiệp tư nhân lớn lên.

    Với các tập đoàn tư nhân trong nước đủ năng lực, kinh nghiệm, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng cần giao cho họ những việc tốt hơn, quan trọng hơn, thách thức hơn. Điều này hỗ trợ rất hiệu quả cho các doanh nghiệp có năng lực, làm ăn tốt vươn lên thành tập đoàn lớn. Doanh nghiệp tư nhân đã chứng minh họ có khả năng, có thể làm những dự án hạ tầng xoay chuyển tình thế, tạo bước ngoặt phát triển quốc gia. Thậm chí doanh nghiệp tư nhân trong nước còn cam kết rút ngắn một nửa thời gian nếu làm sân bay Long Thành.

    Ông Nobufumi Miura, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JJCI):

    Mô hình PPP tức là doanh nghiệp tư nhân thực hiện đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng thay cho Chính phủ sẽ rất hiệu quả, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn lo ngại sự rủi ro khi tham gia hình thức này. Do vậy, Việt Nam cần cho phép sử dụng trọng tài nước ngoài trong tất cả các dự án cơ sở hạ tầng bao gồm bất động sản như một điều khoản về giải quyết tranh chấp. Đồng thời, Chính phủ nên cho phép các nhà đầu tư được đặt ra quyền thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản trên đất. Các chính sách cần làm rõ sự chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ và nhà đầu tư tư nhân.

    Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam:

    Đầu tư theo hình thức đối tác công tư mang lại nhiều lợi ích khác nhau, nhưng vẫn còn nhiều thách thức khi triển khai; trong đó, rủi rõ tài khóa là vấn đề quan trọng nhất, cần phải làm rõ.

    Thực tế ở Việt Nam cho thấy, hầu hết các dự án được thực hiện kiểm toán đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án. Công tác giám sát trong quá trình thực hiện hợp đồng còn lỏng lẻo.

    Chỉ nói riêng lĩnh vực giao thông, các chính sách phí trong lĩnh vực giao thông chưa hoàn thiện, chưa có mức phí hoàn vốn cho đường cao tốc, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng hải, hàng không là những trở ngại lớn.

    Thy Hằng
    Ý kiến của bạn