Doanh nghiệp tư nhân mong được tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng lưới điện
Để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo nói riêng và năng lượng tổng thể nói chung, chúng ta cần có chiến lược tổng thể về quy hoạch và chính sách thúc đẩy trong dài hạn.
Nhà nước cũng cần có khung chính sách dài hạn để hỗ trợ thúc đẩy phát triển lĩnh vực điện gió.
Trao đổi với PV DĐDN, ông Vũ Ánh Dương PTGĐ Công ty Cổ phần Xây lắp Điện I (PCC1) - Đơn vị chủ đầu tư, tổng thầu xây lắp, cung ứng vật tư thiết bị cho biết: Việt Nam là nước có tiềm năng gió lớn nhất trong 4 nước khu vực, với hơn 39% tổng diện tích ước tính có tốc độ gió trung bình hàng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, tương đương với tổng công suất 512GW. Theo lộ trình phát triển Việt Nam sẽ đưa vào vận hành 2 GW điện gió vào năm 2025 và 6GW vào năm 2030.
Để định hướng phát triển năng lượng Quốc gia, từ rất sớm Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thu hút và khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia, thúc đẩy phát triển lĩnh vực điện gió. Tuy nhiên, trên thực tế doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều bất cập và đắn đo khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này.
- Chủ trương thu hút các thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực này đã được Chính phủ khẳng định, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn. Vậy ông có thể cho biết cụ thể những rào cản của nhà đầu tư?
Là đơn vị có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực tổng thầu EPC các công trình lưới điện, chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, tôi cho rằng: Hạ tầng truyền tải nước ta còn thiếu đồng bộ, chưa có sự chuẩn bị tốt cho việc tiếp nhận quá nhiều dự án điện độc lập, nên trong thời gian qua với sự phát triển bùng phát của các dự án điện mặt trời, điện gió đã gây nên sự quá tải về công suất khiến chủ đầu tư, nhà thầu trong nước đều gặp khá nhiều khó khăn trong vấn đề giải toả công suất.
Thêm vào đó nguồn nhân lực chất lượng cao có kinh nghiệm phục vụ cho lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam còn khan hiếm. Nhất là nguồn nhân lực tư vấn chuyên ngành, tư vấn dự án phải thuê nhân sự nước ngoài. Trong khi đó lĩnh vực này cũng không quá đặc thù nếu so sánh với các dự án khác như; cầu, hầm, nhà máy thủy điện, nhà máy công nghiệp hiện nay.
Do đó để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT) nói riêng và năng lượng tổng thể nói chung, thì chúng ta cần có chiến lược về quy hoạch chính sách trong dài hạn. Vấn đề này Việt Nam mới được đề cập đến trong Nghị quyết 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Bộ Chính trị ký ban hành ngày 11/2/2020 (Nghị quyết số 55) và đang trong quá trình xây dựng tổng thể của Chính phủ, chưa được áp dụng, thực hiện hoá trong thực thực tiễn.
- Ngoài những khó khăn chung về hạ tầng lưới điện, vậy PCC1 có gặp những trở ngại này và phương án tháo gỡ của doanh nghiệp là gì, thưa ông?
Về tiến độ triển khai đầu tư các công trình hạ tầng lưới điện, theo quy hoạch thì các dự án hạ tầng lưới điện quốc gia phục vụ mục tiêu giải tỏa công suất các dự án nguồn điện trong một số khu vực đang có nguy cơ chậm tiến độ, cụ thể ở khu vực Quảng Trị, Bến Tre.
Vì hạ tầng truyền tải chưa phát triển kịp, đây là một trong những nút thắt mà các nhà đầu tư lo lắng về rủi ro không thể phát điện. Để giải quyết khó khăn này, chúng tôi rất mong có sự quan tâm, đồng hành sát sao hơn nữa của các cơ quan quản lý Nhà nước, Chính quyền địa phương và chủ đầu tư các dự án.
Về giá FIT với thời hạn áp dụng quy định giá FIT theo Quyết định 39/2018/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ 01/11/2018 đến 31/10/2021 (hiệu lực 3 năm), đối với các dự án điện gió ở thời điểm này là bất khả thi đối với doanh nghiệp.
Vì để triển khai một dự án đầu tư năng lượng thông thường thời gian chuẩn bị đã gần 2 năm, thời gian xây dựng tối thiểu 18 tháng. Trong khi các dự án năng lượng vừa phải đáp ứng nhiều thủ tục pháp lý theo quy định của Nhà nước, vừa bị ảnh hưởng từ dịch COVID - 19 vừa qua nên đa phần các dự án khó có thể đáp ứng được tiến độ.
- Với những chiến lược đã được hoạch định, ông có thể chia sẻ về những kế hoạch đầu tư của PCC1 trong thời gian tới?
Với tầm nhìn chiến lược để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo trong ương lai, những năm qua PCC1 đã đẩy mạnh tập trung đầu tư sâu vào các dự án thủy điện vừa và nhỏ, dự án điện gió tại các tỉnh. Trong đó PCC1 đã đầu tư mười nhà máy thủy điện nằm ở phía Bắc và các nhà máy điện gió tại miền Trung. Với tổng quy mô đầu tư đã hoạch định đến nay PCC1 cũng đã đạt được gần 350MW thủy điện và điện gió.
Đặc biệt trong dài hạn, PCC1 đang xây dựng chiến lược thực hiện các dự án nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo thông minh, thân thiện môi trường, làm chủ công nghệ điều khiển tự động và ứng dụng AI nhằm tối ưu hóa hiệu suất khai thác nguồn năng lượng mới tại Việt Nam.
- Với những khó khăn còn tồn tại ông có đề xuất những giải pháp cụ thể nào không, thưa ông?
Theo tôi để thúc đẩy phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, các nhà đầu tư mong muốn: Nhà nước có ưu đãi và cởi mở hơn về pháp lý, có các quy định cụ thể, cơ chế pháp lý đặc thù cho đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt cần các cơ chế đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để giảm bớt thời gian đầu tư xây dựng cho các dự án điện.
Nhà nước cũng cần có khung chính sách ưu đãi về giá dài hạn và ổn định cho lĩnh vực năng lượng tái tạo để hỗ trợ thúc đẩy phát triển lĩnh vực NLTT tại Việt Nam, phù hợp với doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn đã xây dựng tầm nhìn chiến lược bài bản. Vì trên thực tế, các dự án năng lượng tái tạo hiện nay đa phần có quy mô nhỏ, manh mún đầu tư với mong muốn bắt kịp chính sách trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có quy hoạch đồng bộ hạ tầng lưới điện và đặc biệt là cơ chế minh bạch trong vấn đề cấp phép, lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án NLTT.
Nhằm giải toả công suất lưới điện, tôi cho rằng Chính phủ cần khẩn trương xây dựng cơ chế cho các nhà đầu tư, tư nhân được tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng lưới điện quốc gia theo các hình thức khác nhau.
Bởi khu vực này hiện nay được vận hành theo Luật Điện lực. Song Luật Điện lực có nêu “truyền tải là độc quyền Nhà nước", và không nêu rõ khâu nào trong lĩnh vực truyền tải thuộc “độc quyền Nhà nước” như (đầu tư - vận hành - quản lý)? Do vậy doanh nghiệp cần Nhà nước có quy định rõ ràng, hướng dẫn rõ quy định Luật điện lực để doanh nghiệp tư nhân, yên tâm đầu tư.
Phương ThanhCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.