Doanh nghiệp tự thay đổi để vượt bão COVID-19

Doanh nghiệp - Doanh nhân
04:46 PM 30/07/2021

Đại dịch COVID-19 là phép thử bởi tương lai có thể xuất hiện nhiều biến động với những ảnh hưởng lớn hơn và đây là lúc doanh nghiệp chậm lại, thay đổi để tìm ra mô hình kinh doanh thích ứng với điều kiện mới.

Cẩn trọng về chính sách tiền tệ hoàn toàn phù hợp ở giai đoạn này

Theo GS.TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), khi dịch COVID-19 đang vô cùng phức tạp, Chính phủ Việt Nam đã có các giải pháp kịp thời.

Việt Nam đã có sự điều phối nhịp nhàng giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.

Doanh nghiệp tự thay đổi để vượt bão COVID-19 - Ảnh 1.

GS.TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global)

Theo ông Khương, chính sách tiền tệ của Việt Nam trong giai đoạn này có thể nói là cẩn trọng khi sử dụng và huy động các nguồn vốn sẵn có trong nền kinh tế mà không phát hành tiền mới, không thực hiện gói kích cầu như trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hơn 10 năm trước. Điều này tạo niềm tin cho thị trường, doanh nghiệp và người dân. Chính phủ vẫn tiếp tục thể hiện vai trò chủ động trong kiến tạo môi trường và điều tiết kinh tế vĩ mô.

“Với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu cùng với cấu trúc kết nối và hội nhập rất cao giữa các quốc gia, thận trọng là điều cần thiết vào thời điểm này vì chưa biết khi nào dịch kết thúc, kể cả khi dịch kết thúc thì vẫn có nhiều ảnh hưởng tiêu cực cần xử lý”, ông Khương nói.

Dịch COVID-19 làm giảm nhịp sống, dẫn đến đình trệ và gián đoạn trong hoạt động kinh tế, nhưng bản thân nền kinh tế thời điểm trước khi dịch xảy ra không có các khó khăn nội tại không thể vượt qua như suy giảm cung - cầu.

Chính vì vậy ông Khương cho rằng, việc dùng các gói kích cầu như nhiều quốc gia đã làm trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 sẽ không hiệu quả. Huy động các nguồn lực sẵn có trong nền kinh tế thông qua các gói hỗ trợ mà Chính phủ đã đề xuất sẽ không tạo áp lực về lạm phát, ngân sách nhà nước và nợ công. Đồng thời, tăng hiệu quả của các gói hỗ trợ thông qua điều chuyển vốn đến các ngành kinh tế, lĩnh vực cần ưu tiên hoặc bị ảnh hưởng nặng nề.

Chậm lại để thay đổi và thích ứng

Theo Chủ tịch AVSE Global, việc đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như các chủ thể trong nền kinh tế là khung cảnh chung của các nền kinh tế hiện tại, chưa phải nói đến tình trạng cứu trợ, vì bản chất các doanh nghiệp vẫn còn khoảng thời gian cầm cự được với các gói hỗ trợ của Chính phủ.

Doanh nghiệp tự thay đổi để vượt bão COVID-19 - Ảnh 2.

Doanh nghiệp cần thay đổi để thích ứng với khủng hoảng do COVID-19 gây ra.

Lúc này, các doanh nghiệp sẽ có khoảng thời gian bình tĩnh, chậm lại để tìm các giải pháp phù hợp nhất, đưa ra các sáng kiến liên quan đến quy trình vận hành, suy nghĩ về việc tạo khả năng thích ứng với điều kiện mới cho mô hình kinh doanh của mình.

“Dịch COVID-19 được xem là phép thử bởi tương lai có thể xuất hiện nhiều biến động với những ảnh hưởng lớn hơn trong bối cảnh các nền kinh tế thế giới đang ngày càng gắn kết, ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau”, ông Khương nhận định.

So với tình huống do dịch SARS gây ra năm 2003 cũng như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008, ông Khương đánh giá, sức đề kháng, chống chịu của kinh tế Việt Nam ở thời điểm này tốt hơn nhiều nhờ các đột phá rất lớn về cả quy mô lẫn chất lượng tăng trưởng trong thời gian qua. Nhiều lĩnh vực, ngành nghề đã tạo được năng lực ứng phó cần thiết và khả năng thích ứng với sự thay đổi về công nghệ.

Theo đó, nền tảng công nghệ mới sẽ giúp doanh nghiệp thúc đẩy, hoàn thiện hệ thống, mô hình đã và đang phát triển, cùng xu thế sử dụng các nền tảng mở để thực hiện sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Tuy nhiên ông Khương lưu ý, vì là một nền kinh tế mở, thuộc nhóm đầu trong khu vực và toàn cầu nên Việt Nam cũng cần sẵn sàng đón nhận các cú sốc, ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài.

“Cuộc chơi đã hoàn toàn khác, đây là cuộc chơi hội nhập. COVID-19 xuất hiện cũng là một cơ hội mới, giúp các doanh nghiệp hoàn thiện mô hình kinh doanh, tăng khả năng ứng phó với sự thay đổi trong bối cảnh tình hình kinh doanh quốc tế có thể có nhiều đột biến mà chúng ta không dự báo được trước”, ông Khương nhận định.

Với các biện pháp có thể thực hiện, việc sử dụng hiệu quả các kênh hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, cơ quan quản lý doanh nghiệp là điều bắt buộc. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần thực hiện chiến lược giảm chi phí không cần thiết ở mức tối đa, xây dựng hệ thống làm việc an toàn và số hoá để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh lây lan và ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động.

Theo ông Khương, trong mọi trường hợp, dịch COVID-19 không thể làm giảm đi sức chiến đấu của các doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp phải tự mình vươn lên sống sót khỏi khủng hoảng.

Vị chuyên gia này cho rằng, thông qua thực trạng một số loại hình doanh nghiệp vẫn có sức tăng trưởng tốt trong dịch bệnh ở Việt Nam, có thể thấy rằng doanh nghiệp có sức đề kháng cao, cũng như có khả năng tìm kiếm, khai thác và nắm bắt cơ hội mới rất tốt trong khủng hoảng.

“Thực tế cho thấy, việc thực hiện tốt các khuyến nghị của các cơ quan y tế và Chính phủ trong việc đảm bảo an toàn cho người lao động thì có thể chưa tăng trưởng cao nhưng vẫn có thể đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh ở mức bình thường”, ông Khương nhận định.

Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, kinh tế hộ gia đình chưa được nhắc đến nhiều

Nói về các giải pháp có thể nghiên cứu và thực hiện, ông Khương nhấn mạnh cần dựa trên hai vấn đề trước mắt là ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh, đồng thời xác định chính xác các đối tượng cần ưu tiên. Trong thời gian qua các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ đã tiếp cận được với nhiều chủ thể trong các lĩnh vực kinh tế gặp khó. Song, vẫn còn một số biện pháp nữa có thể xem xét và cân nhắc.

Doanh nghiệp tự thay đổi để vượt bão COVID-19 - Ảnh 3.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trước hết là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Theo quan sát của ông Khương, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể dễ tổn thương nhất lại chưa được nhắc đến nhiều và chưa biết tiếp cận các hỗ trợ ra sao.

Nhiều doanh nghiệp và các hộ gia đình hiện chiếm tỷ trọng lớn ở Việt Nam không có điều kiện trực tiếp tham gia các gói cứu trợ, không có các quỹ hỗ trợ thất nghiệp như các doanh nghiệp khác. Do vậy Chính phủ cần xem xét giảm tiền thuê mặt bằng kinh doanh, hỗ trợ chi phí điện nước cho các đối tượng này.

Trong thời gian qua, Chính phủ Pháp đã thực hiện các biện pháp này, tiến hành hỗ trợ tiền lương, việc làm cho các ngành bị ảnh hưởng lớn nhất như du lịch, hàng không, vận tải… Hay như Chính phủ Singapore đã thực hiện chính sách hỗ trợ về tiền vốn, lương, dịch chuyển và tạo các việc làm mới trên thị trường lao động để hỗ trợ các ngành nghề bị ảnh hưởng. Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh an toàn trong mùa dịch khi dịch bệnh có thể ké dài.

Hai mặt của đại dịch COVID-19

Ông Khương khuyến nghị, song song với việc đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để ngăn chặn bệnh dịch lây lan, cần tạo các cơ chế, điều kiện cần thiết để vận hành kinh đoanh đều đặn, ít nhất là phải đảm bảo vận hành bình thường bởi nếu không có hành động cụ thể thì nguy cơ đi vào khủng hoảng rất cao.

Những thay đổi mang tính khó dự đoán của thế giới đòi hỏi khả năng thích ứng ngày càng cao của cả các doanh nghiệp và cá nhân. Theo ông Khương, dịch COVID-19 là yếu tố có thể thúc đẩy sự hoàn thiện hơn nữa trong trí tưởng tượng, sáng tạo của con người và năng lực ứng phó của các tổ chức. Các doanh nghiệp, tổ chức cần liên tục tạo môi trường để doanh nghiệp và người lao động có thể sáng tạo, thích nghi với những cuộc sống bình thường mới.

Nói đến tình hình hậu dịch COVID-19, Chủ tịch AVSE Global đề cập đến ba xu hướng phát triển lớn ở trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Thứ nhất là xu hướng phát triển các lĩnh vực gắn chặt với đổi mới sáng tạo trong công nghệ, đặc biệt các nền tảng để kết nối làm việc từ xa.

Thứ hai là xu hướng liên quan đến phát triển nguồn hàng gắn với sản xuất. Theo đó, phạm vi sẽ co hẹp lại theo hướng nguồn hàng và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến rất gần với nhau. Điều này khiến các quốc gia quan tâm hơn đến thị trường nội địa, thay vì chú trọng quá nhiều vào hàng nhập khẩu khi hiệu quả tăng, lợi ích người tiêu dùng được đảm bảo mà lại giảm được chi phí.

Thứ ba là xu thế phát triển các lĩnh vực ứng dụng công nghệ mới để ứng phó với sự thay đổi của khí hậu. Theo đó, các ngành nghề có hàm lượng khả năng thích ứng với chống biến đổi khí hậu sẽ trở thành các ngành nghề có tính thời thượng. Nhu cầu lớn giúp nền kinh tế ngày một xanh và bền vững hơn. Đó là xu hướng phát triển mô hình kinh tế hướng đến cân đối giữa môi trường - kinh tế - xã hội, một mô hình bền vững mà tất cả chủ thể trong nền kinh tế đều có thể hưởng lợi.

GS.TS Nguyễn Đức Khương - Chủ tịch AVSE Global
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.