Doanh nghiệp tự ý bịt đường dân sinh, gây bức xúc trong dư luận
Nhiều người dân xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội đang vô cùng bức xúc về việc con đường dân sinh hình thành từ xa xưa bỗng dưng bị chặn bằng bức tường bê tông kiên cố.
Người dân ngỡ ngàng
Cụ thể, con đường trên được người dân trong xã gọi tên là đường 20m và 40m nối từ xã Vân Canh ra khu vực cánh đồng và nghĩa trang của người dân các thôn Hậu Ái, Kim Hoàng và An Trai. Sự việc dựng các bức tường bê tông chắn ngang con đường xảy ra vào thời điểm trung tuần tháng 1/2022.
Ông Phạm Gia Hiệp (xóm 2, thôn An Trai, xã Vân Canh) cho biết, ông sinh sống tại đây từ lâu và biết rất rõ về lịch sử hình thành hai con đường nêu trên. Theo ông, con đường 20m và đường 40m nêu trên là tuyến khớp nối giữa khu đô thị Đại học Vân Canh và khu đất dịch vụ 25,2 ha xã Vân Canh.
"Tuyến đường này dẫn ra nghĩa trang và phục vụ việc đi làm đồng của bà con từ xa xưa. Các gia đình trong thôn khi có người mất đều đi qua đoạn đường này để đến nghĩa trang chăm lo mộ phần", ông Hiệp nói.
Theo nhiều người dân, trước thời điểm Tết Nguyên đán Nhân dần 2022, nhiều người dân hốt hoảng khi nhìn thấy đoạn đường trên bị chủ đầu tư của dự án là Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư An Lạc chặn đứng không rõ nguyên nhân. Quan sát từ xa, đoạn đường trên bị chặn lại bởi một hàng rào tôn sơn xanh. Tuy nhiên, khi đến gần và nhìn sau lớp tôn thì đoạn đường bị chặn cứng bằng hàng rào bê tông cao khoảng 2 m.
Sự việc kéo dài không được giải quyết dứt điểm, từ sáng 26/2, rất đông người dân xã Vân Canh tập trung tại khu vực tường bao để căng băng rôn phản đối và yêu cầu tháo dỡ bức tường bê tông chắn lối đi nêu trên.
Chưa thấy phản hồi từ chủ đầu tư
Trao đổi với PV Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị, ông Nguyễn Thế Minh – Chủ tịch UBND xã Vân Canh cho biết: con đường bị chặn bằng bê tông vốn là "đường dân sinh" của nhân dân xã Vân Canh. Con đường này dẫn ra cánh đồng và nghĩa trang. Khi đường cũ bị chặn, thay vì đi đoạn đường khoảng 1,5km thì người dân phải đi vòng sang địa phận huyện Nam Từ Liêm khoảng hơn 5 km.
"Sau khi nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi đã có văn bản yêu cầu Công ty An Lạc phối hợp để giải quyết bức xúc của người dân nhưng đến nay, sau 2 lần gửi giấy mời (ngày 14 và 21/2) nhưng Công ty vẫn chưa có mặt để xử lý, ông Minh chia sẻ.
Được biết, Dự án khu đô thị mới An Lạc Green Symphony (huyện Hoài Đức, Hà Nội) trước đây là dự án KĐT mới thuộc KĐT ĐH Vân Canh. Năm 2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao 59,7ha đất cho Công ty CP đầu tư An Lạc thực hiện dự án. Tuy nhiên, sau sáp nhập vào TP Hà Nội nên dự án phải rà soát và điều chỉnh theo quy hoạch chung Thủ đô.
Sau hơn chục năm "đắp chiếu", tháng 7/2019, dự án đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Đến tháng 6/2020, TP Hà Nội quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cho Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư An Lạc với tổng diện tích đất nghiên cứu quy hoạch là hơn 57 ha và yêu cầu nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định.
Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị sẽ tiếp tục thông tin!
Video: Người dân bức xúc vì doanh nghiệp tự ý chặn lối đi
Dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.