Doanh nghiệp vẫn chưa hết lo dù xuất khẩu tăng trưởng mạnh

Đầu tư và Tiếp thị
10:42 AM 06/05/2021

Hầu hết mặt hàng xuất khẩu đã bằng hoặc lấy lại đà tăng trưởng so với trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hiện vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.

Theo Bộ Công Thương, tình hình xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2021 đã phục hồi và tăng trưởng mạnh, nhưng hoạt động xuất khẩu hiện vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản như việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều; chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm…

Doanh nghiệp vẫn chưa hết lo dù xuất khẩu tăng trưởng mạnh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Ví dụ, ngành gỗ đã đạt được kết quả ngoài kỳ vọng. Số lượng thương nhân đến giao thương nhiều hơn doanh nghiệp (DN) sản xuất. Song, đơn hàng nhiều lại khiến ngành gỗ rơi vào tình cảnh phát triển nóng, cầu nhiều hơn cung. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu tăng mạnh, loại vật tư tăng giá nhẹ nhất so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 xảy ra cũng vào khoảng 50%, khiến các DN phải dè chừng trong việc nhận đơn hàng.

Nguyên nhân do những nước cung cấp nguyên vật liệu cho Việt Nam bị ảnh hưởng COVID-19 nên nguồn cung hạn chế. Mặt khác, ngành gỗ Việt Nam đang phát triển nóng, nhu cầu lớn dẫn đến chính các DN trong ngành phải tranh giành nguyên liệu với nhau, từ đó đẩy giá lên cao.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) chia sẻ với Tạp chí Kinh doanh: "Một số DN không dám ký đơn hàng lớn, chấp nhận để mất đơn hàng có giá trị lên tới hàng chục triệu USD. DN cũng tiếc lắm nhưng biết làm sao, vì nếu nhận mà không giao hàng đúng hạn thì số tiền phạt hợp đồng còn lớn hơn".

Tương tự với ngành dệt may, các đơn hàng về Việt Nam dù đã phủ kín chuyền may nhưng giá trị cũng như chủng loại hàng có những thay đổi khiến DN phải đối mặt với rủi ro mới. Chẳng hạn như Công ty May 10, trong quý I/2021, lượng đặt hàng sản xuất tăng nhưng doanh thu giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Lý do là vào thời điểm quý III và IV/2020, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thị trường xuất khẩu chưa có dấu hiệu phục hồi nên để đảm bảo duy trì sản xuất, May 10 đã nhận một số đơn hàng với mức giá gia công thấp hơn so với năm 2019. Đáng chú ý, mặt hàng veston có giá trị cao bị giảm sản lượng và doanh thu tới 60% buộc phải thay thế bằng mặt hàng khác.

Một điều khiến các DN lo lắng đó là việc bổ sung lao động. Theo các DN, hiện rất khó tuyển bổ sung được thêm lao động để hoàn thành các đơn hàng và mục tiêu doanh thu.

Từ thực tế trên, theo nhiều chuyên gia, DN Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì "thói quen" nhập khẩu thiết bị và vật tư từ khu vực châu Á, do vậy đã bỏ lỡ cơ hội nhập khẩu từ những thị trường khác, dẫn đến sự mất cân đối về cơ cấu, phân bố thị trường. Mặt khác, cần nhận thức rằng, việc tập trung nhập khẩu một số máy móc từ một thị trường thường dễ dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào diễn biến cụ thể ở đó. DN Việt Nam cần thay đổi thị trường, khai thác khả năng nhập khẩu từ các quốc gia công nghiệp phát triển ở khu vực EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… để tăng cường cơ hội ứng dụng, tiếp nhận và từng bước làm chủ công nghệ tiên tiến.

Doanh nghiệp vẫn chưa hết lo dù xuất khẩu tăng trưởng mạnh - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh thâm nhập vào một số thị trường tiềm năng như Nam Mỹ, Trung Đông, châu Phi… tuy đã được nhắc đến, kêu gọi DN tham gia, nhưng đến nay chưa có nhiều chuyển biến. 

Hiện tại, phần lớn DN của ta vẫn chưa xử lý được những rào cản có tính chất đặc trưng, như khoảng cách về địa lý, thiếu sự hỗ trợ của các ngân hàng và khó khăn về thanh toán hoặc việc thiếu thông tin về thị hiếu tiêu dùng - thị trường, thiếu đối tác bản địa, sự thiếu gắn kết kịp thời giữa cơ quan thương vụ và DN… 

Ngoài ra, các DN nên tận dụng cơ hội do các hiệp định thương mại tự do FTA mang lại. Các FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA sẽ tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi hơn và những cam kết về tạo thuận lợi, giảm đến mức thấp nhất các rào cản.

Nếu khắc phục được những yếu tố trên, DN Việt sẽ có thêm cơ hội để gia tăng KNXK, có thể bù đắp khi các thị trường truyền thống bị giảm sút kết hợp với mục tiêu quảng bá thương hiệu và hàng hóa trên phạm vi rộng hơn… Bộ Công Thương cũng khuyến nghị bản thân DN phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới.

Hoài Thương (Tổng hợp)
Ý kiến của bạn