Doanh nghiệp Việt cần chuyên nghiệp hơn để tiến vào kênh siêu thị

Doanh nghiệp - Doanh nhân
02:37 PM 08/03/2022

Nhiều doanh nghiệp vẫn còn bỡ ngỡ trước một số quy định liên quan đến quy chuẩn hàng hoá của hệ thống siêu thị hiện đại nhưng lâu dài, việc này giúp doanh nghiệp tăng uy tín thương hiệu và khẳng định chất lượng sản phẩm trên thị trường.

Hai năm COVID-19 đã ảnh hưởng lớn tới kênh phân phối sản phẩm truyền thống, việc bán hàng qua các đại lý, tạp hoá, quán ăn, nhà hàng, khách sạn khá chậm chạp. Tâm lý của các kênh phân phối này đều chưa muốn lấy sản phẩm nhiều như trước đây do dịch bệnh phức tạp, khó dự đoán. 

Doanh nghiệp Việt tận dụng kênh siêu thị để xuất khẩu hàng hóa - Ảnh 1.

Điều mong mỏi của nhiều doanh nghiệp là cần sự bổ trợ nhiều hơn nữa thông qua kênh bán hàng vào các siêu thị. Ảnh: TGTT

Khó khăn lớn nhất hiện giờ của các DN khi nhắm vào thị trường tiêu thụ nội địa là đầu ra sản phẩm bị chậm lại. Còn nếu tập trung vào xuất khẩu thì chi phí logistics lại tăng quá cao, thời gian vận chuyển lâu, kiểm định chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ phức tạp... Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp hiện đang hướng tới kênh bán hàng qua các hệ thống siêu thị.

Tại hội thảo Kết nối đưa hàng hoá Việt Nam vào hệ thống siêu thị năm 2022 mới đây, Phó Giám đốc phụ trách ITPC Trần Phú Lữ nhận định, đưa hàng hóa tham gia vào hệ thống mạng lưới siêu thị phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài là một kênh hiệu quả, bền vững bởi các tập đoàn bán lẻ nước ngoài không chỉ có hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại liên tục được đầu tư mở rộng ở các thành phố lớn ở cả trong và ngoài nước mà còn dẫn đầu về chuyển đổi sang hình thức mua sắm trực tuyến.

Nhiều chuyên gia cho rằng, kênh siêu thị không chỉ thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa, phục hồi doanh nghiệp, duy trì ổn định kinh tế về lâu dài mà còn giúp các nhà sản xuất trong nước, nhất là nông sản Việt Nam hoàn thiện quy trình sản xuất, cách tiếp cận thị trường, đóng gói bao bì cũng như quảng bá đến người tiêu dùng theo xu hướng hiện đại. Việc có mặt trên các kệ hàng siêu thị cũng giúp doanh nghiệp khẳng định được uy tín thương hiệu, gia tăng thị phần ở các kênh phân phối khác, định vị giá trị thương hiệu của hàng Việt Nam tại thị trường trong nước cũng như nâng tầm cho hàng Việt Nam tại thị trường quốc tế.

Việc kết nối giữa doanh nghiệp với hệ thống siêu thị hiện đại sẽ giúp cho các doanh nghiệp hiểu hơn về nhu cầu của khách hàng; biết rõ hơn về tiêu chuẩn kỹ thuật, xu hướng ứng dụng công nghệ mới trong đóng gói, bảo quản sản phẩm thực phẩm chế biến; kết nối để đưa hàng hoá của doanh nghiệp Việt tới tay người tiêu dùng, từ đó kích cầu hiệu quả, gia tăng doanh thu cho chính bản thân doanh nghiệp. 

Doanh nghiệp Việt cần chuyên nghiệp hơn để tiến vào kênh siêu thị - Ảnh 2.

Hình minh họa. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, phần lớn những doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn khá lúng túng trong giai đoạn đầu đưa hàng vào siêu thị và thiếu tính chuyên nghiệp. Bởi lẽ chuỗi siêu thị hiện đại đều có tiêu chuẩn chặt chẽ, quản lý chất lượng, hồ sơ công bố, truy xuất nguồn gốc…

Đặc biệt, khi tiến vào hệ thống siêu thị nước ngoài, tiêu chí về chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, lượng hàng đưa vào kệ các siêu thị cần số lượng lớn, chất lượng đồng đều, tính ổn định cao... tuy nhiên, nhiều sản phẩm của các DN nội chưa đáp ứng được các tiêu chí này.

Đơn cử như mặt hàng chuối của Việt Nam, theo Lotte Mart, đây là sản phẩm được nhiều người tiêu dùng Hàn Quốc ưa chuộng nhưng tiêu chí để trái chuối của người nông dân Việt có thể đứng trên các kệ hàng của hệ thống siêu thị này là phải đồng đều về chất lượng, đặc biệt là sản lượng hàng phải cung cấp một cách liên tục và ổn định. Thế nhưng yếu tố này là khó thực hiện với không chỉ trái chuối của người nông dân Việt mà đối với nhiều sản phẩm nông sản khác. Hàng nông sản của Việt Nam tuy có nhiều loại ngon, được người tiêu dùng cả trong và ngoài nước quan tâm, song chúng ta chưa sản xuất được theo chuỗi đảm bảo tính an toàn và ổn định cũng như các yếu tố khác liên quan đến các quy chuẩn quốc tế, do đó, rất khó bước chân vào các siêu thị ngoại.

Theo chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú, để gia tăng lượng hàng hóa Việt tiêu thụ qua các kênh siêu thị hiện đại trong nước và nước ngoài, các doanh nghiệp Việt phải nâng cao năng lực sản xuất để có thể cung ứng các sản phẩm đáp ứng những tiêu chí, quy chuẩn mà phía đối tác đưa ra như phải đảm bảo hồ sơ về an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tránh mất thời gian, công sức trong quá trình triển khai…. Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất hàng hàng hóa cần nâng cao tính chuyên nghiệp, có bộ phận chuyên trách để nghiên cứu... để đảm bảo tính đồng đều cho sản phẩm.

“Đây chính là thách thức của cuộc chơi toàn cầu hóa buộc mỗi DN Việt cần phải nỗ lực khẳng định chính mình”, ông Phú nhấn mạnh.

An Mai
Ý kiến của bạn
Thu nhập người dân Đông Nam Bộ cao nhất cả nước Thu nhập người dân Đông Nam Bộ cao nhất cả nước

Trong 6 vùng trên cả nước thì Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất, đạt khoảng 6,3 triệu đồng/tháng; vùng có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất là Trung du miền núi phía Bắc, đạt 3,1 triệu đồng/tháng.