Doanh nghiệp Việt cần làm gì để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số hậu đại dịch?

Doanh nghiệp - Doanh nhân
04:09 PM 28/07/2021

Phó Tổng Giám đốc FPT Hoàng Việt Anh từng nói: "Chuyển đổi số là chìa khóa duy nhất giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi tốc độ tăng trưởng sau khi COVID-19 đi qua".

Biến nguy thành cơ ngay trong tâm bão khủng hoảng

Cơn bão COVID-19 tác động sâu sắc đến doanh nghiệp, kéo theo sự thay đổi lớn trong tương tác giữa khách hàng và chuỗi cung ứng cũng như các hoạt động nội bộ của doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực.

Doanh nghiệp Việt cần làm gì để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số hậu đại dịch? - Ảnh 1.

Đại dịch COVID-19 buộc 80% sàn giao dịch bất động sản đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp chỉ giữ lại 50% nhân sự đủ để duy trì hoạt động. Trong bối cảnh đó, nhờ ứng dụng các công nghệ mới như Dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo, một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hàng đầu Việt Nam đã xây dựng một nền tảng kinh doanh bất động sản trực tuyến nhằm thống kê, phân tích, định giá và minh bạch hóa quá trình tìm kiếm thông tin, sản phẩm và hỗ trợ giao dịch giữa cả bên mua và bên bán. 

Không ở trong tình trạng buộc phải "ngủ đông" giống như công ty bất động sản, nhưng HomeCredit lại đứng trước áp lực duy trì đội ngũ dịch vụ khách hàng trên toàn quốc, đặc biệt là hệ thống tổng đài viên tiếp cận và xử lý yêu cầu, giải đáp thắc mắc, nhắc lịch thanh toán… cho mỗi khách hàng. Trung bình một ngày bộ phận này phải tiếp nhận con số đến hàng nghìn cuộc gọi đến, đồng thời giải quyết khối lượng cuộc gọi đi tương tự. 

Để giải quyết vấn đề này, dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI, FPT và Home Credit đã tạo ra một "nhân viên ảo" trực tổng đài với hai kịch bản, phục vụ nhu cầu của hàng trăm nghìn khách hàng một cách hoàn toàn tự động. Đến nay tổng đài trợ lý ảo HomeCredit Việt Nam tự động thực hiện 20.000 cuộc gọi mỗi ngày, tỉ lệ cuộc gọi thành công đạt 98%.

Hay như chính câu chuyện tối ưu hoạt động của đội ngũ 6.500 kỹ thuật viên hỗ trợ khách hàng trong mảng viễn thông của FPT dựa trên nền tảng Core AI Engine. Sau 12 tháng, giải pháp này giúp công ty tiết kiệm 65 tỷ đồng chi phí vận hành và nhân sự, tăng 27,6% năng suất lao động đồng thời mang đến những trải nghiệm dịch vụ tốt hơn cho khách hàng.

Lấy câu chuyện từ Viettel, ông Ông Lê Bá Tân, Phó Tổng Giám đốc Viettel Networks cho biết chuyển đổi số đã được thúc đẩy mạnh mẽ từ trước khi đại dịch nổ ra bởi Viettel nhận thấy doanh thu viễn thông có xu hướng sụt giảm. Số hóa không chỉ là xu hướng mà còn là chìa khóa để đảm bảo tăng trưởng. Dịch bệnh góp phần đem đến cho tầm nhìn ấy một sự thúc đẩy mạnh mẽ.

Trong vai trò của một tập đoàn nhà nước, Viettel một mặt tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc giải quyết các nhu cầu cấp thiết của kinh tế, xã hội, y tế… do đại dịch. Mặt khác, Viettel vẫn tìm ra hướng phát triển với những sản phẩm mới đáp ứng sự thay đổi về nhu cầu của khách hàng trong đại dịch.

Đâu là con đường dẫn tới thành công trong chuyển đổi số?

Theo khảo sát của IDC, có tới 59% lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu. Mỗi tuần số tiền chi cho chuyển đổi số của các doanh nghiệp trên toàn cầu tăng thêm 15 tỷ USD (Nguồn: Báo cáo của IDG 2020, "CIO Pandemic Business Impact Survey, 2020").

Doanh nghiệp Việt cần làm gì để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số hậu đại dịch? - Ảnh 2.

Chia sẻ tại Diễn đàn Cấp cao về CNTT mới đây, Phó Tổng Giám đốc FPT Hoàng Việt Anh khẳng định, COVID-19 đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp xem chuyển đổi số như một giải pháp cứu cánh, chìa khóa duy nhất giúp họ vượt qua khó khăn và phục hồi tốc độ tăng trưởng.

Tại sự kiện, dựa trên kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số cho các doanh nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới, ông Việt Anh cũng "bật mí" 3 lý do giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công. 

"Mẫu số chung đầu tiên mà chúng tôi nhìn thấy ở các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công đó chính là họ đã lựa chọn được phương pháp chuyển đổi số đúng và phù hợp với doanh nghiệp của mình", ông Việt Anh nói.

Lý do thứ hai giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, theo ông Việt Anh đó là việc quyết liệt thực thi chuyển đổi hệ thống CNTT hai cấp độ bao gồm việc việc chuyển đổi các hệ thống lõi và việc linh hoạt, tạo điều kiện, môi trường cho việc thử nghiệm các sáng kiến số.

Và lý do thứ ba được ông Việt Anh đưa ra là chuyển đổi nguồn nhân lực số để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số, trong đó, điểm mấu chốt quan trọng nhất là tập trung xây dựng văn hóa số, đào tạo nhân viên thúc đẩy tinh thần học hỏi, sáng tạo.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp cần lưu ý, chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên, nắm bắt các giải pháp công nghệ để có thể biến những ý tưởng kinh doanh trở thành hiện thực trong giai đoạn này. Để khơi thông chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp tại Việt Nam và thế giới đã đầu tư, tập trung khai thác các lợi thế từ chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là một hành trình dài và không thuần túy chỉ là việc chuyển đổi về mặt công nghệ mà là quá trình chuyển đổi không thể tách rời của 3 yếu tố, chuyển đổi mô hình kinh doanh chuyển đổi công nghệ và chuyển đổi về con người.

Ánh Dương
Ý kiến của bạn