Doanh nghiệp Việt chưa định hướng rõ ràng khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu
Khảo sát của VCCI cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có định hướng rõ ràng khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, với 64,7% doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị.
Chia sẻ tại toạ đàm "Tăng tốc chuyển đổi, hiệp lực thúc đẩy phát triển nền công nghiệp Việt Nam tự chủ - hùng cường", do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức vào ngày 27/5, ông Lương Minh Huân - Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp – Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Doanh nghiệp Việt Nam chưa định hướng rõ ràng khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cụ thể, kết qủa khảo sát do VCCI tiến hành cho thấy, 64,7% doanh nghiệp Việt chưa có sự chuẩn bị gì khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; 15,3% doanh nghiệp có chiến lược, định hướng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu tổng thể trong dài hạn; 10,2% doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong trung hạn; 5,4% doanh nghiệp đã đề ra giải pháp hành động trong ngắn hạn và chỉ có 4,4% doanh nghiệp đã triển khai các hành động cụ thể.
Khảo sát của VCCI cũng cho thấy, 53,54% doanh nghiệp Việt Nam không xác định mục tiêu khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Quang cảnh tọa đàm "Tăng tốc chuyển đổi, hiệp lực thúc đẩy phát triển nền công nghiệp Việt Nam tự chủ hùng cường".
Ông Lương Minh Huân - Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp, VCCI - chỉ ra rằng, một trong những điểm yếu của Việt Nam hiện nay là chưa làm chủ được các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị công nghiệp, dẫn đến thiếu các doanh nghiệp đầu ngành dẫn dắt và sự liên kết, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khảo sát của VCCI cũng cho thấy, mong muốn của doanh nghiệp về sự kết nối và hỗ trợ từ các doanh nghiệp lớn, tổ chức và hiệp hội để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thực tế tham gia vào chuỗi cung ứng nội địa của doanh nghiệp Việt Nam cũng còn nhiều thách thức. Tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử chỉ khoảng 5%-10%, ngành công nghiệp ô tô khoảng 7-10%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra và so với các quốc gia khác trong khu vực. Việt Nam chủ yếu sản xuất phụ tùng có công nghệ giản đơn, trong khi các linh kiện quan trọng, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao vẫn phải nhập khẩu hoàn toàn.
Thực tế cho thấy, cần có những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, cơ quan nhà nước cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên trong xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Tại tọa đàm, ông Chu Việt Cường - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương - nhấn mạnh cần xây dựng năng lực công nghiệp tự chủ, chuỗi cung ứng bền vững, tập trung vào 3 trụ cột chính: Công nghệ và đổi mới sáng tạo, liên kết ngành và phát triển cụm công nghiệp, phát triển nhân lực kỹ thuật chất lượng cao.
“Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp cam kết, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt phát triển vững chắc và đóng vai trò ngày càng lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu” – ông Chu Việt Cường nhấn mạnh.
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương - Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam - cho rằng cần cung cấp các chương trình hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để các doanh nghiệp vừa và nhỏ thúc đẩy chuyển giao công nghệ.
“Chúng tôi muốn đề xuất khơi thông về tới nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp. Chúng ta cần phải đa dạng hóa nguồn lực tài chính, không chỉ là từ nguồn vay ngân hàng mà còn phải xây dựng nhiều quỹ chấp nhận rủi ro trong đầu tư công nghệ. Đầu tư vào nguồn nhân lực, chắc chắn là cần hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp” - bà Đỗ Thị Thúy Hương bày tỏ.
Huyền My (t/h)
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã nhận hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) với gỗ dán cứng và trang trí nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam.