Doanh nghiệp Việt đang phục hồi và tăng tốc trở lại

Doanh nghiệp - Doanh nhân
06:51 AM 12/12/2020

Trong bối cảnh Việt Nam đang kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và là một trong số ít những nền kinh tế tăng trưởng dương của thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang từng bước phục hồi sau một thời gian dài “lao đao” vì dịch bệnh.

Doanh nghiệp Việt đang phục hồi và tăng tốc trở lại

Doanh nghiệp từng bước phục hồi

Thông tin từ Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 9/12, đơn vị này đang tiến hành khảo sát thường xuyên đối với 500 doanh nghiệp tại Việt Nam để đánh giá tác động của Covid-19 đối với hoạt động của doanh nghiệp (doanh thu, thanh khoản và việc làm), các chiến lược thích ứng (sử dụng các nền tảng và giải pháp kỹ thuật số), và khả năng tiếp cận hỗ trợ của Chính phủ.

Theo đó, từ đợt khảo sát lần 2 (từ 15/9 – 27/10) , có thêm 13% số doanh nghiệp hoạt động đầy đủ trở lại trong giai đoạn tháng 9-10, nâng tổng số này lên 94%.

Doanh nghiệp Việt đang phục hồi và tăng tốc trở lại - Ảnh 1.

Doanh nghiệp Việt đang từng bước phục hồi với sự hỗ trợ của nhiều yếu tố

Các nhóm doanh nghiệp với quy mô khác nhau đều hoạt động trở lại với tốc độ như nhau. Tuy nhiên, nhóm dịch vụ có tốc độ mở cửa trở lại cao hơn một chút so với các nhóm khác, nhưng đây cũng là nhóm có tỉ lệ đóng cửa một phần hoặc toàn bộ cao nhất hồi tháng 6.

Tuy hầu hết các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động dưới công suất (dưới mức trước đại dịch). Khoảng 1/4 số doanh nghiệp vẫn phải cắt giảm giờ làm việc. Tính trung bình trong tất cả các ngành, quy mô doanh nghiệp và vùng địa lý, số giờ hoạt động của các doanh nghiệp thấp hơn 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khoảng 2/3 số doanh nghiệp bị giảm doanh số bán hàng trong giai đoạn tháng 9-10; tuy nhiên tình hình cũng đã cải thiện hơn hồi tháng 6. Tuy doanh số liên tục cải thiện nhưng vẫn thấp hơn 36% so với cùng kỳ.

Quá trình phục hồi diễn ra không đồng đều – doanh số bán hàng tăng nhanh trong ngành bán lẻ và các doanh nhiệp quy mô vừa và lớn. Các công ty cũng trở nên bi quan hơn về doanh số bán hàng và tăng trưởng việc làm trong 6 tháng tới.

Trong nghiên cứu được công bố mới đây của hãng HP về các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở châu Á - Thái Bình Dương thực hiện tháng 7/2020, 72% DNNVV tại Việt Nam được khảo sát tin rằng họ sẽ tồn tại, và 65% tin rằng họ sẽ phát triển mạnh sau đại dịch. Con số này tương đối cao so với mức trung bình của khu vực lần lượt 60% và 53% tại các quốc gia khác tham gia cuộc khảo sát.

Cũng theo nghiên cứu, DNNVV tại Việt Nam thể hiện sự tích cực trong dự báo tăng trưởng cho năm tới với 41% kỳ vọng tăng trưởng, tương đối cao so với mức trung bình 16% của cuộc khảo sát.

Trong bối cảnh thế giới hậu Covid-19, DNNVV Việt Nam từng bước hồi phục lại các mô hình kinh doanh nhằm đảm bảo các chiến lược và công cụ phù hợp cho việc trở lại mạnh mẽ và linh hoạt hơn.

Doanh nghiệp nhận hỗ trợ từ Chính phủ tăng mạnh

Cũng theo Khảo sát của WB, tỉ lệ các doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ tăng mạnh (10%) kể từ tháng 6. Hình thức hỗ trợ chủ yếu mà các doanh nghiệp nhận được là giãn thời hạn nộp thuế và các khoản khác (17% số doanh nghiệp).

Các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp ngành công nghiệp chế tạo dễ tiếp cận hơn với các gói hỗ trợ từ Chính phủ. Trong đó, các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp có tỉ lệ tiếp cận cao hơn hẳn.

Tại “Diễn đàn chính sách hỗ trợ DNNVV chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19: Thu hẹp khoảng cách từ chính sách tới thực thi” vừa được tổ chức tại Hà Nội, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cũng đánh giá cao các chính sách hỗ trợ của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động từ Covid-19.

Ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19. Các bộ ngành, địa phương đã nhanh chóng vào cuộc và ban hành khoảng 95 văn bản về các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Các chính sách đã được ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ, thể hiện ở các gói hỗ trợ lớn. Đó là, chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng với quy mô 250 nghìn tỷ đồng; chính sách tài khóa, trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với quy mô 180 nghìn tỷ đồng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động 16 nghìn tỷ đồng; gói chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội.

Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các chính sách và khuyến khích để thúc đẩy các DNNVV như một động lực trong việc xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ và chống chịu hơn.

Chuyển đổi số - Chìa khóa giúp doanh nghiệp tăng tốc

Theo Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), trong bối cảnh hiện tại, việc các doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử hay chuyển đổi số là một hướng đi tốt. UNDP cũng đang hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã ở một số địa phương phát triển các mô hình thương mại điện tử…

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhận định, Covid-19 ảnh hưởng rất nặng tới nền kinh tế. Song đại dịch cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp thức tỉnh, định vị lại bản thân, thích ứng, xác định chuyển đổi số là một trong những chiến lược để bứt phá.

Ông Nguyễn Minh Vũ cho rằng, là một chiến lược quốc gia và trước đòi hỏi cấp bách của tình hình, chuyển đổi số nên là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp. Việt Nam đang có lợi thế về chuyển đổi số rất lớn. Dân số gần 100 triệu dân là một thị trường rất lớn. Hơn 70% người dân sử dụng internet, thiết bị thông minh cộng với cộng đồng doanh nghiệp, công nghệ năng động và sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ là những yếu tố hết sức thuận lợi, tạo tiền đề cho đất nước, các doanh nghiệp phát triển và chuyển đổi số trong giai đoạn tới.

Khảo sát của WB cho thấy, các công ty đang tiếp tục thích nghi bằng cách áp dụng các nền tảng kỹ thuật số. Gần 60% các công ty được khảo sát đã áp dụng hoặc tăng cường sử dụng các nền tảng kỹ thuật số. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang dần bắt kịp các công ty lớn trong việc đầu tư cho các giải pháp kỹ thuật số.

Dương Dương (T/h)
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách dịp lễ 30/4 và 1/5 Hà Nội: Đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách dịp lễ 30/4 và 1/5

Sở Du lịch Hà Nội vừa đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn Thành phố trong dịp nghỉ Lễ.