Doanh nghiệp Việt sẵn sàng xuất khẩu gần 100 nghìn tấn gạo sang EU
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực với cam kết giảm thuế sâu. Mới đây, theo thỏa thuận, các doanh nghiệp gạo Việt Nam đã sẵn sàng để xuất khẩu gần 100 nghìn tấn gạo sang thị trường Châu Âu (EU).
Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực và theo đó, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80 nghìn tấn gạo mỗi năm, với mức thuế suất 0% đối với gạo xay xát và gạo thơm; đồng thời, xóa bỏ thuế đối với tấm trong 5 năm. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã phấn khởi và không ngừng nâng cao chất lượng để đưa sản phẩm vào thị trường, vốn rất khó tính.
Sáng 8/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức cuộc họp thông tin về việc Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ thủ tục, các doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng xuất khẩu gạo sang EU theo EVFTA.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh, EVFTA là Hiệp định thương mại tự do (FTA) được cộng đồng doanh nghiệp trông đợi nhất trong tổng số 13 hiệp định Việt Nam tham gia hoặc ký kết.
"EVFTA mang lại nhiều lợi thế cho một số mặt hàng nông sản của Việt Nam như: Rau quả, thủy sản, lâm nghiệp, gạo... Trong đó, gạo là một trong những mặt hàng có tiềm năng lớn để xuất khẩu vào EU khi mở rộng được hạn ngạch khi thực thi EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80 nghìn tấn gạo/năm (gồm 50 nghìn tấn gạo trắng, gạo lức và 30 nghìn tấn gạo thơm).
Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam mỗi năm có thể xuất khẩu ước khoảng 100 nghìn tấn vào EU.
Theo Cục Trồng trọt, đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm. Trong khi đó, 2 nước xuất khẩu gạo vào EU là Campuchia và Myanmar đang chịu thuế tuyệt đối với mặt hàng này cho đến hết 2021, cụ thể: 175 Euro/tấn (năm 2019); 150 Euro/tấn (năm 2020) và 125 Euro/tấn (năm 2021).
Chia sẻ về vấn đề này trên TTXVN, bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Lương thực - Thực phẩm Long An (thành phố Tân An) cho biết, bà rất phấn khởi khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực vì giá xuất khẩu gạo tăng cao hơn, từ 10-20 UDS/tấn, tùy loại gạo.
Trong tháng 8, Công ty đã xuất 4 container (hơn 100 tấn) sang Đức, với giá 800 USD/tấn và chuẩn bị trong tháng 9 xuất thêm 4 container. Tuy nhiên theo bà Liên, để xuất sang EU đạt hiệu quả và lâu dài, các doanh nghiệp cần phải nâng cao chất lượng nhiều hơn so với xuất sang các nước châu Á.
Cụ thể, doanh nghiệp buộc phải đầu tư nguồn nguyên liệu của mình và sử dụng hữu cơ. "Có như vậy, doanh nghiệp mới chủ động kiểm tra chất lượng lúa, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu không đầu tư nguồn nguyên liệu, mua lúa các loại thông thường tràn lan như trước đây, sẽ khó vào thị trường EU. Bên cạnh đó, lúa vừa thu hoạch không xay lúa liền, phải bảo quản 6 tháng và sau đó xuất khẩu gạo sẽ đảm bảo 100% về chất lượng, hàm lượng gạo", bà Liên, cho biết thêm.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ trên báo Nhân dân cho biết, trước đây, xuất khẩu (XK) gạo của Việt Nam vào EU bị áp thuế lên tới 45%. Thậm chí có một số nước trong khối EU áp mức thuế nhập khẩu với gạo Việt Nam lên tới 100% hoặc cao hơn. Mức thuế này khiến gạo Việt Nam khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại từ Campuchia. Tuy nhiên, khi EVFTA có hiệu lực, thuế XK gạo vào EU sẽ giảm và dần tiệm cận về mức 0%, tạo điều kiện cho gạo Việt tăng sức cạnh tranh khi XK vào khu vực thị trường này.
"Mặc dù kim ngạch xuất khẩu chưa cao, song EU vẫn là thị trường đầy tiềm năng của hạt gạo Việt. Lý do, đây là thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao và nếu thâm nhập thành công, hạt gạo Việt sẽ có một "bàn đạp" vững chắc để tiến vào nhiều thị trường khác. Khi gạo Việt được giảm thuế, giảm giá thành, sức cạnh tranh chắc chắn sẽ tăng lên", ông Phạm Thái Bình cho hay.
Dù không phải là thị trường quá lớn của gạo Việt, song theo các chuyên gia, thị trường EU vẫn có nhu cầu nhất định với một số sản phẩm, đặc biệt là gạo dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe.
Minh HảiKhi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.