Doanh nghiệp Việt trong cơn bão lớn mang tên “COVID-19”
Đại dịch COVID-19 ập đến rất bất ngờ tựa như một cơn bão lớn khiến cả thế giới quay cuồng trong những thảm kịch. Việt Nam dù không trong tâm bão nhưng cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dư chấn của “cơn bão thế kỷ” này…
Nền kinh tế của chúng ta đang bị giáng một đòn nặng nề, các doanh nghiệp Việt chao đảo, cung cầu bị gián đoán, thị trường xuất nhập khẩu mất đà tăng trưởng, các hoạt động mua bán tập trung hầu như đình trệ,…
Từ nay cho đến cuối năm 2020, xuất khẩu chắc chắn sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn do diễn biến dịch bệnh trên quy mô toàn cầu chưa có dấu hiệu khả quan, khiến cho thị trường thế giới, trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, khó có thể phục hồi.
Tiêu dùng trong nước cũng đứng trước nguy cơ mất thăng bằng, bởi nhu cầu thị trường nội địa của chúng ta vốn không đủ lớn để có thể bù trừ cho sự mất mát từ doanh số xuất khẩu, nay còn bị thu hẹp do tác động tiêu cực của việc cắt giảm thu nhập và tình trạng mất việc làm.
Trong cơn bão mang tên "COVID-19", may mặc là ngành "ngấm đòn" rõ nét. Trái ngược với một năm 2019 tăng trưởng tích cực với tổng kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 40 tỉ USD, ngành dệt may Việt hiện đang trải qua cơn "ác mộng" khi dịch bệnh lan rộng khắp thế giới, tác động tiêu cực đến hầu hết các thị trường xuất - nhập khẩu chủ lực của toàn ngành.
Trước khi xuất hiện đại dịch COVID-19, du lịch là một trong những ngành phát triển năng động nhất của Việt Nam, dựa trên cơ sở phát huy các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và mức giá dịch vụ cạnh tranh. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, số lượng du khách tới một số địa phương đã chạm đáy, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống và cơ sở mua sắm theo đó đang lao dốc không phanh.
Thủy sản Việt Nam cũng là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề trong cơn bão dịch bệnh. Việc các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại đã gây khó khăn cho việc xuất khẩu. Việc hạn chế tiếp xúc, thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều quốc gia cũng khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại các thị trường giảm mạnh.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics cũng bị giảm sút rõ rệt về doanh thu do dịch vụ thông quan bị cản trở, dịch vụ kho bãi, cước cũng bị ảnh hưởng nặng. Một số khách hàng lớn của logistics Việt Nam trên thế giới gặp khó khăn về tài chính dẫn đến mất khả năng trả nợ cho chủ hàng, nhà cung cấp Việt Nam; từ đó kéo theo việc chủ hàng chậm thanh toán cho doanh nghiệp logistics.
Do tác động của dịch Covid-19, hoạt động của các doanh nghiệp và giao dịch trên thị trường bất động sản chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực, gây thiệt hại và tạo thêm những thách thức mới đối với lĩnh vực này. Số lượng sàn giao dịch đóng cửa chiếm tới 80%, còn lại đều hoạt động cầm chừng; tỷ lệ người lao động mất việc, tạm ngừng công việc hoặc làm việc cầm chừng trong lĩnh vực bất động sản tương đối lớn. Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng càng khó khăn hơn. Nhiều khách sạn, khu du lịch đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động vì vắng khách.
Ngành gỗ Việt Nam cũng chịu "áp lực" của diễn biến dịch bệnh. Theo thống kê toàn ngành, ước tính khoảng 80% các đơn hàng đã ký bị thông báo hủy hoặc chậm giao, hàng ngàn container hàng ùn ứ tại các cảng biển châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc. Ngoài ra, việc thực hiện các giao dịch thanh toán hợp đồng hàng hóa hầu như không được thực hiện do phía đối tác gặp khó khăn.
Hiện nay, tuy còn hơi sớm để nói rằng, khó khăn của các doanh nghiệp sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam rơi vào suy thoái. Bởi kinh tế Việt Nam vẫn chưa chạm đáy và "ngấm đòn" COVID-19 một cách đầy đủ. Nhưng, có một điều chắc chắn rằng, Việt Nam chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm để xử lý cuộc khủng hoảng kinh tế lần này. Đó là nguy cơ hiện hữu của suy thoái kinh tế.
Để giải bài toán khó trong kinh tế, để ngăn chặn đà suy thoái kinh tế, Chính phủ và nhân dân rất cần sự đồng lòng nỗ lực của các doanh nghiệp. Nên nhớ rằng, đại dịch COVID-19, xét ở mặt tích cực, không khác gì một "loại thuốc thử liều cao" để thử thách sự kiên trì của các doanh nghiệp, khi phải vượt qua khó khăn mà không có bất kỳ sự chuẩn bị hay dự đoán nào.
Nhưng, sẽ thật tuyệt vời nếu các doanh nghiệp đều nỗ lực vươn lên đổi mới không ngừng, nhanh chóng thích nghi với trạng thái "bình thường mới" chưa có tiền lệ. Từ đó định vị lại, điều chỉnh chiến lược, tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và các giải pháp sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn hiện nay, đưa doanh nghiệp trở lại guồng phát triển bình thường và góp phần cùng cả nước vực dậy nền kinh tế.
Hãy cùng tin tưởng vào các doanh nghiệp, trao niềm tin cho các doanh nhân, để hy vọng vào sự trở lại huy hoàng của các doanh nghiệp và sự khởi sắc của nền kinh tế Việt. Đó chính là cách mỗi chúng ta yêu thương đất mẹ Việt Nam, thể hiện tình yêu nước đúng cách, đúng lương tâm trách nhiệm của một công dân chân chính.
Nguyễn HạnhTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.