Doanh nghiệp Việt và “bài toán” duy trì tăng trưởng trong bối cảnh COVID-19 hoành hành

Doanh nghiệp - Doanh nhân
08:30 PM 10/04/2020

Những ngày này, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) đang trở thành “cơn sóng dữ” cuốn phăng những nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế của nhiều doanh nghiệp (DN) Việt. Làm sao để duy trì tăng trưởng, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động,… đang là những “bài toán” khó, thách thức hàng ngàn DN trong cả nước.

    Công nhân Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang trong dây chuyền sản xuất may khẩu trang vải kháng khuẩn. Ảnh: BKH.

    Gần 800.000 DN bị ảnh hưởng

    Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có cuộc khảo sát nhanh vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020, qua đó cho thấy tác động của đại dịch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN Việt là rất nghiêm trọng.

    Trong “cuộc chiến” với COVID-19, gần 800.000 DN và hàng triệu hộ kinh doanh trong cả nước đang bị ảnh hưởng. Nhiều ngành nghề bị tổn thất nặng nề như: hàng không, du lịch, bất động sản, xuất khẩu hàng hóa và các chuỗi cung ứng…

    Trong 3 tháng đầu năm, cả nước đã có tới gần 35.000 DN rút lui khỏi thị trường - con số kỷ lục từ trước đến nay. Và lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng DN rút lui khỏi thị trường lớn hơn số DN đăng ký thành lập mới.

    Ngoài ra, còn có gần 85% DN cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp. Gần 60% DN cho rằng dịch bệnh khiến họ thiếu vốn và đứt dòng tiền cho kinh doanh. Trên 40% DN cho biết đại dịch gây thiếu nguồn cung nguyên liệu…

    20% Doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động

    Đứng trước khó khăn chưa có tiền lệ này, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ ngành liên quan, hầu hết các DN đã có những hành động tích cực nhằm đối phó với ảnh hưởng tiêu cực của COVID-19 tới nền kinh tế. Họ đã cố gắng nỗ lực cao nhất để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và nỗ lực đảm bảo đời sống cho công nhân lao động.

    Theo VCCI, trong bối cảnh khó khăn này, 73% DN đã kịp thời có chính sách hỗ trợ người lao động trong khủng hoảng. Các DN nhìn chung đã chủ động, sáng tạo đưa ra các giải pháp phù hợp kịp thời trong sử dụng lao động. Trên 60% DN đã áp dụng phương thức làm việc linh hoạt về thời gian cho một bộ phận lao động. 46% DN không cắt giảm lao động, nhưng giảm giờ làm. 42% DN tranh thủ thời gian dịch bệnh để đào tại lại nhân lực. 41% DN tổ chức làm việc tại nhà. 

    Tuy nhiên, cũng có khoảng 20% DN cho biết, họ buộc phải cắt giảm lao động, chấm dứt hợp đồng lao động và 21% DN cho biết đã phải cắt giảm lương để không phải cắt giảm lao động.

    Dẫu sao, đây cũng là những tín hiệu đáng mừng, thể hiện những nỗ lực ứng xử linh hoạt, đầy trách nhiệm của chủ DN - những “người thuyền trưởng” chèo lái con thuyền DN trong “sóng dữ”.

    Cần nhiều "lực đẩy" hỗ trợ

    Theo VGP News, trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19 và khó khăn của DN ngày càng gia tăng, VCCI đã khảo sát nhanh tình hình DN để có những động thái kiến nghị tháo gỡ khó khăn. Vào ngày 6/4 vừa qua, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã gửi công văn tiếp tục kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ DN mới.

    Cụ thể, về việc phối hợp thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh và duy trì sản xuất kinh doanh, VCCI đề nghị, trừ một số ngành, lĩnh vực rất hạn chế phải tạm thời đóng cửa, thì cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất lưu thông tiến hành bình thường với điều kiện tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Điều đó giúp DN có thể tự cứu mình, duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và bớt đi gánh nặng trợ cấp của Nhà nước trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn rất eo hẹp như hiện nay.

    Tiếp đó là cần bổ sung và công bố ngay danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và lưu thông các hàng hóa dịch vụ này phục vụ đời sống nhân dân, ngay cả trong trường hợp cần siết chặt hơn các biện pháp cách ly, phong tỏa. Hiện nay các DN sản xuất và kinh doanh theo chuỗi, nên tất cả các khâu của quá trình sản xuất, phân phối đều liên quan tới nhau, cần phải bảo đảm đồng bộ thì cả chuỗi mới hoạt động được, không thể xử lý cứng nhắc chỉ cho phép sản xuất kinh doanh sản phẩm, dịch vụ cuối cùng.

    Còn về chính sách tài khóa, cần đề nghị cho thực hiện ngay việc tạm hoãn nộp các khoản thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của người lao động, BHXH, phí công đoàn… trong khi chờ chính sách cụ thể, vì quá trình hướng dẫn thực hiện các giải pháp theo Chỉ thị của Thủ tướng và các Bộ, ngành còn chậm, DN có thể ngừng hoạt động, phá sản trước khi cơ chế, chính sách được áp dụng. Các chính sách này cần được áp dụng với hệ thống các ngân hàng thương mại, vì các ngân hàng thương mại cũng là DN.

    Về chính sách tín dụng, VCCI đề nghị, ngoài các giải pháp hiện hành như tái cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay, giảm phí… DN đề nghị có mức giảm sâu thêm từ 2-3% đối với khoản vay mới và vay hiện hữu (đến mức còn khoảng 4-5% đối với khoản vay tiền đồng và 2-3% đối với khoản vay USD) cho từng nhóm khách hàng có ảnh hưởng dịch bệnh khác nhau.

    Về chính sách lao động, tiền lương, công đoàn, cần tạm dừng các khoản đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động vào quỹ công đoàn, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020. Đề nghị Chính phủ trình Quốc hội đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0,5%, giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống còn 1% trước mắt cho năm 2020.

    Cần sử dụng quỹ kết dư Quỹ BHXH để hỗ trợ cho DN trả lương cho người lao động khi người lao động phải nghỉ việc vì thiếu việc làm và sử dụng quỹ kết dư này cùng với nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội cho DN vay với lãi suất 0% để hỗ trợ DN trả lương cho người lao động…

    Chính phủ luôn đồng hành cùng DN

    Trước những khó khăn của hàng trăm ngàn DN, hàng triệu hộ kinh doanh trong cả nước, Chính phủ cũng đang rất nỗ lực để nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết “nhiệm vụ kép”: vừa ưu tiên phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng đang tiếp tục được thảo luận, nhất là giãn, hoãn nộp thuế... 

    Điều này cho thấy, dù khó khăn đến đâu, Chính phủ cũng luôn đồng hành cùng DN. Và ngược lại, dù biến động đến đâu, nhiều doanh nghiệp vẫn tin tưởng có thể biến “nguy” thành “cơ”. Cả hệ thống chính trị của chúng ta đang cùng với DN đương đầu với “cuộc chiến” duy trì tăng trưởng, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động trước đại dịch COVID-19, cũng như khôi phục, phát triển nền kinh tế khi dịch bệnh đi qua. 

    Hy vọng rằng, trong “cuộc chiến” này, chúng ta nhất định sẽ thắng lợi.

    Hạnh Nguyễn (TH)
     

    Ý kiến của bạn