Doanh nghiệp Việt và "trọng trách" bảo toàn thị trường nội địa
Kinh tế Việt Nam vừa trải qua một giai đoạn khó khăn, khi dịch Covid-19 phát sinh.
Thị trường nội địa có một vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Những tháng qua, sản xuất và kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn ở hầu hết các lĩnh vực, cả hàng hóa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đều chậm lại, một số mặt hàng bị ứ đọng tồn kho dẫn tới các doanh nghiệp sản xuất bị thua lỗ hoặc giảm sút lợi nhuận. Thậm chí, một số mặt hàng nông sản phải hủy bỏ vì không kết nối hoặc tiêu thụ được.
Tình hình trên dẫn tới hệ quả là công ăn việc làm, đời sống và thu nhập của cán bộ công nhân viên bị ảnh hưởng mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp không trụ lại được, đã phải tạm dừng, dừng hoạt động lâu dài hoặc phá sản.
Phải “ăn sâu bén rễ”
Theo thống kê, 4 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp ngừng hoạt động và phá sản cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới. Riêng lĩnh vực thương mại nội địa, nhiều cửa hàng, cửa hiệu phải đóng cửa hoặc hoạt động một phần trong thời gian dài hoặc nghỉ hẳn kinh doanh.
Nhiều siêu thị và trung tâm thương mại, cửa hàng chịu tác động mạnh bởi doanh số sụt giảm, gặp rất nhiều khó khăn trở ngại trong hoạt động của mình. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội 4 tháng đầu năm 2020 giảm 4,27% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm đến 9,6%).
Một mức suy giảm doanh thu chưa từng có trong nhiều năm nay ở thị trường nội địa. Những tác động không mong muốn xảy ra với ngành bán lẻ, chủ yếu do yếu tố khách quan khi có dịch thì tần suất mua sắm, cơ cấu tiêu dùng, giá trị mua sắm suy giảm, phương thức mua sắm của từng gia đình, cá nhân người tiêu dùng có nhiều thay đổi một cách nhanh chóng, sang một thái mới để phù hợp với việc chống dịch như giãn cách, cách ly xã hội, hạn chế đi lại…
Theo thống kê, trừ một số nhóm hàng, như lương thực thực phẩm thiết yếu, hàng hóa tiêu dùng nhanh, thiết bị phòng dịch, y tế là có tăng trưởng, còn lại các nhóm ngành hàng khác đều bị suy giảm mạnh. Đứng trước những khó khăn của các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và sức mua xã hội bị suy giảm, cuối tháng 4, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phục hồi sản xuất sau dịch và kích cầu tiêu dùng, gồm giãn, hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội, giảm lãi vay ngân hàng, trợ cấp bằng tiền cho các đối tượng bị tổn thương khi có dịch…
Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, những chính sách ban hành vừa qua là một sự cố gắng của nhà nước, những sự hỗ trợ đó chắc chắn trong thời gian tới sẽ có những tác dụng nhất định nhằm giúp đỡ một phần nào cuộc sống và sức sản xuất, đồng thời cũng chính là góp phần tăng sức cầu cho nền kinh tế.
Trong cuộc họp trực tuyến của Chính phủ ngày 9/5/2020 vừa qua với các Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp, ngay sau khi Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch, người đứng đầu Chính phủ đã rất chú ý lắng nghe, thấu hiểu những khó khăn của người dân và các doanh nghiệp, đồng thời cũng rất quan tâm đến các sáng kiến đề xuất góp phần đề xuất tháo gỡ những khó khăn cùng với nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ nhiệm vụ đối với các doanh nghiệp, là phải giữ được lao động, thị trường, danh dự và bản lĩnh doanh nghiệp Việt Nam. Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng phát biểu: “Thị trường trong nước là nền tảng quan trọng để hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế xã hội trong năm 2020”.
Nhiều ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, địa phương cũng rất coi trọng vai trò của thị trường nội địa, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cần ăn sâu bén rễ vào thị trường quan trọng này để phát triển. Nếu để mất thị trường nội địa, mất hệ thống phân phối, đồng thời mất cả sự liên kết giữa sản xuất và phân phối thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong lúc xuất khẩu đang gặp nhiều trở ngại, nếu dịch ở các nước vẫn chưa được khắc phục.
Cần phải tiếp tục thực hiện phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong giai đoạn hiện nay và mãi về sau. Cũng có ý kiến tích cực hơn, đó là “Hàng Việt Nam phải chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam”. Muốn vươn ra thị trường thế giới thì trước hết phải làm tốt thị trường nội địa.
Làm gì để giữ vững?
Câu hỏi đặt ra, vậy chúng ta phải làm gì để phát triển thị trường nội địa một cách nhanh và bền vững, hiệu quả? Trước hết, đối với vai trò của các bộ ngành, địa phương, người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ: “Nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương là phải quan tâm xử lý, tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp về chính sách, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lạm phát và giá trị đồng tiền Việt Nam”.
Tiếp tục cải cách hành chính, dỡ bỏ những thủ tục phiền hà, làm tốn công sức, thời gian, cơ hội kinh doanh và làm phát sinh những chi phí vô lý, suy giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Bây giờ không phải lúc “quyền anh, quyền tôi” gây khó khăn cho sự phát triển chung. Khắc phục những vấn đề trên sẽ tạo ra môi trường thông thoáng, giảm chi phí cho các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.
Đối với thương mại nội địa, cần đề xuất những chính sách hợp lý khoa học để phát triển hạ tầng thương mại bao gồm mạng lưới phân phối như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, ngoài ra còn phải chú ý phát triển cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ vận chuyển, tổ chức các kho dự trữ, hệ thống logistics và các trung tâm thu mua, giao dịch hàng hóa vùng.
Không “ngăn sông cấm chợ” để hàng hóa đi nhanh từ sản xuất đến tiêu thụ bán lẻ, bớt trung gian, thiết lập nhanh các chuỗi liên kết sản xuất phân phối ở các vùng miền trong cả nước. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất trong việc giải quyết sức tăng trưởng vững chắc và phát triển hiệu quả của thị trường nội địa.
Tuy nhiên, nhiều năm qua vấn đề này vẫn chưa khắc phục được một cách cơ bản. Câu chuyện về một sản phẩm hàng hóa được vận chuyển từ Ecuador về Việt Nam tốn ít chi phí hơn từ miền Nam ra miền Bắc. Đây là minh chứng cho những khó khăn của hàng hóa Việt Nam trên đường đi từ sản xuất tới nơi tiêu thụ.
Cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, công khai, minh bạch tại thị trường nội địa. Chống ép giá, ép cấp đối với doanh nghiệp và người sản xuất trong quan hệ mua bán, làm cho họ luôn luôn bị thua thiệt, khâu trung gian xuất khẩu bán lẻ có lúc hưởng lợi nhuận quá mức.
Kiên quyết chống độc quyền trong kinh doanh, găm hàng, đầu cơ, chuyển giá, trốn lậu thuế. Phải biết chia sẻ với các bạn hàng, nhất là trong những lúc khó khăn như hiện nay. Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ quan điểm của mình về phân phối lợi nhuận: “Lợi nhuận trong chuỗi giá trị sản xuất và phân phối phải được phân bổ hợp lý”.
Về giá cả, hàng hóa hình thành trên thị trường nội địa là theo quy luật cung cầu và theo thị trường, nhưng phải có cơ quan giám sát đánh giá, không để thị trường tự do không kiểm soát sẽ dẫn tới những hệ quả nghiêm trọng. Câu chuyện giá thịt lợn hơi bán ra trong quý I/2020 với một mức giá quá đáng của một số tập đoàn chăn nuôi đã thực sự gây dư luận không tốt cho xã hội tiêu dùng và trăn trở về quản lý giá của các nhà lãnh đạo cũng như chuyên gia kinh tế.
Nhà nước cần có chính sách rõ ràng và có cơ sở pháp lý để bảo vệ thị trường trong nước về việc tiêu thụ hàng hóa trong nước. Đồng chí thường trực ban Bí thư đã tỏ rõ quan điểm trong Hội nghị đánh giá phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2019 rằng: “Chúng ta phải bảo vệ bằng được thị trường trong nước, làm tốt việc tiêu thụ hàng hóa Việt, người nước ngoài vào đây kinh doanh phải có điều kiện.”
Đó là cơ sở và là định hướng lớn để chúng ta vững bước phát triển thị trường nội địa. Chúng ta đã hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế khu vực và thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam phải xác định được nhiệm vụ của mình trong giai đoạn hiện nay là cùng cạnh tranh và hợp tác phát triển với các doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường một cách bình đẳng, công bằng và minh bạch.
Nhà nước cần chú trọng chỉ đạo công tác kiểm soát thị trường một cách công khai, minh bạch và công bằng, không gây phiền hà cho doanh nghiệp. Cần làm trong sạch đội ngũ kiểm soát thị trường để tăng hiệu quả trong công việc và nghiêm minh trong kiểm soát, hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh chân chính, phát triển, xử lý nghiêm những vi phạm của các tổ chức cá nhân và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Không bỏ quên chợ truyền thống
Đó là về phía nhà nước và các bộ ngành, địa phương, còn đối với doanh nghiệp thì sao? Trong việc phục vụ thị trường nội địa hiện nay, nói đến bán lẻ không thể không đề cập đến vai trò của các chợ truyền thống, bao gồm chợ, cửa hàng lẻ đang chiếm một tỷ trọng trên 70% về doanh số và trên 80% về những mặt hàng tươi sống để phục vụ nhân dân hàng ngày.
Tuy nhiên, từng địa phương, các Bộ và các Sở ngành có lúc đã bỏ quên kênh tiêu thụ quan trọng này, dẫn đến hạ tầng chợ dân sinh ở các địa phương còn bị xuống cấp, có những năm ở một địa phương lớn không có một đồng ngân sách nào để cải tạo chợ.
Doanh số bán hàng của khu vực chợ đã bị suy giảm khi sức cạnh tranh còn thua kém với kênh bán hàng hiện đại. Trong bối cảnh khi kênh bán hàng hiện đại tính đến cuối năm 2019 mới chiếm trên 20% thị phần bán lẻ và trên 10% các mặt hàng tươi sống. Chính vì vậy, nhà nước và các địa phương cần quan tâm hơn đến kênh bán hàng quan trọng này, nó còn tồn tại và đứng vững ở thị trường nội địa rất nhiều năm nữa để phục vụ tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
Đặc biệt, bán lẻ ngày nay, theo kinh nghiệm của các nước đi trước, cần phải có hệ thống các chợ đầu mối vùng phục vụ cho việc tập trung và thu hút hàng hóa một cách khoa học, vừa quản lý được chất lượng hàng hóa sản xuất, vừa đảm bảo giao dịch mua bán một cách công khai minh bạch, không ép cấp, ép giá vẫn còn diễn ra trên thị trường nội địa Việt Nam hiện nay.
Xây dựng tốt hệ thống chợ đầu mối sẽ góp phần làm cho giá trị của nông sản người sản xuất làm ra được tăng thêm nhiều lần, giảm thiểu những thua thiệt do thiếu thông tin, thiếu cơ sở vật chất dự trữ bảo quản sau thu hoạch để tổ chức tiêu thụ phục vụ cho tiêu dùng xã hội. Chợ đầu mối còn là nơi tổ chức điểm bán lẻ hiện đại, địa điểm đầu tư du lịch của từng vùng, từng địa phương. Chỉ tiếc rằng, vấn đề này chưa được quan tâm một cách đúng mức. Những chợ đầu mối hiện đang có trên cả nước vẫn chưa đạt tiêu chuẩn tối thiểu trong khu vực và quốc tế.
Ngoài sự hỗ trợ một phần của nhà nước, nhất là thời kỳ đang có những khó khăn khi hết dịch, thì nỗ lực chủ quan, sự sáng tạo của các doanh nghiệp kinh doanh là chính. Cần đặc biệt chú ý khai thác những tiềm năng đang sẵn có của thị trường để phát triển một cách mạnh mẽ.
Các doanh nghiệp kinh doanh cần chủ động kết nối với các doanh nghiệp khác, các vùng sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm để phục vụ tiêu dùng với chi phí khai thác thấp nhất, tạo ưu thế cạnh tranh về giá trên thị trường giữa các kênh truyền thống và hiện đại, giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Tạo điều kiện tốt nhất cho người tiêu dùng được tiếp cận với hàng hóa chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý, góp phần kích cầu tiêu dùng xã hội, nhất là khi nguồn cung hàng hóa nông sản thực phẩm có lúc dư thừa, chưa được chế biến sâu, thậm chí phải nhờ đến “giải cứu”. Quan hệ chặt chẽ với các nhà cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa Việt để hàng hóa Việt Nam không phải tốn những chi phí, chiết khấu cao vô lý, phải “đi cửa sau” vào siêu thị như đang diễn ra ở một số siêu thị có thế mạnh về đàm phán trên thị trường.
Các doanh nghiệp kinh doanh cần tiếp tục xây dựng thương hiệu bán lẻ nội địa của mình một cách vững chắc, tạo dấu ấn niềm tin của khách hàng mua và khách hàng bán một cách lâu dài, bền vững. Đó chính là chỗ dựa vững chắc cho sự phát triển nhanh và hiệu quả của mỗi tổ chức cá nhân kinh doanh trên thị trường.
Cần quan tâm đến công tác đào tạo để nâng cao trình độ chuyên nghiệp trong công tác quản lý và phục vụ kinh doanh của đội ngũ. Vừa giỏi nghiệp vụ kinh doanh, vừa có đạo đức nghề nghiệp chân chính, với phương châm “Bán hàng như bán cho người thân của mình”. Tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động thương mại nội địa, giảm chi phí kinh doanh một cách hợp lý. Đó cũng chính là nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay cũng như mãi mãi về sau.
Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh nội địa cần có ý thức hợp tác liên kết để vươn lên thành lập các tập đoàn bán lẻ Việt Nam đủ sức dẫn dắt thị trường, thúc đẩy sản xuất phát triển và phục vụ tiêu dùng xã hội. Doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng thế mạnh là am hiểu người tiêu dùng hàng hóa Việt, sản xuất tại chỗ dồi dào, chi phí vận chuyển từ sản xuất đến tiêu thụ ngắn, cộng thêm sức mạnh vốn có của hệ thống phân phối trước đây để lại. Đó là những yếu tố mà các doanh nghiệp Việt Nam phải tận dụng phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường.
Phát triển thị trường nội địa sau dịch là một cơ hội, đồng thời là một thử thách cam go quyết liệt, đòi hỏi nhà nước, các bộ ngành, các địa phương và nhất là các doanh nghiệp cần phải có những nghiên cứu thấu đáo, khoa học, tổ chức thực hiện một cách bài bản và nghiêm túc theo những định hướng mà Chính phủ hướng tới là một thị trường nội địa được phát triển đầy đủ, văn minh và hiện đại, đủ sức phục vụ gần 100 triệu dân.
Với sức cầu ngày càng tăng nhanh trong những năm gần đây và trong tương lai. Sự phát triển của thị trường nội địa sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa Việt một cách mạnh mẽ và có tính cạnh tranh cao, phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Chúng ta tin tưởng trong thời gian không xa, thị trường nội địa sẽ có một vai trò quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế - Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội
Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa, lũ sau bão.