Doanh nghiệp Việt vượt bão COVID-19: Ngành tôm quyết không để đứt gãy chuỗi giá trị.
Đại dịch COVID-19 đã khiến cho nhiều doanh nghiệp Việt “điêu đứng” và để vượt qua được thì yếu tố quan trọng nhất đối với doanh nghiệp lúc này là sự thích ứng.
Giữa lúc “bóng đen” COVID-19 hoành hành khiến nhiều ngành nghề “hụt hơi”, thì doanh nghiệp tôm Việt Nam đang tranh thủ “chớp thời cơ”.
Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Khu công nghiệp An Nghiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) cho rằng, có được kết quả này là do Việt Nam phòng ngừa tốt dịch bệnh COVID-19.
Giữ vững thương hiệu
Ngoài ra, do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều đối thủ cạnh tranh với Việt Nam phải “vật lộn” với dịch bệnh nên khách hàng những nước này chuyển sang nhập khẩu tôm của Việt Nam. Điều quan trọng hơn cả trong việc tăng trưởng của ngành tôm giữa tâm bão COVID-19, theo ông Phục là do Sóc Trăng có nhiều nhà máy chế biến tôm có thương hiệu tốt, xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ở Sóc Trăng thực hiện tốt chuỗi giá trị, từ khâu nuôi đến điều kiện nhà xưởng, quản lý... do vậy khi có biến động vẫn không bị tác động nhiều. “Tính đến hết tháng 7/2020, công ty đã xuất khẩu được 65 triệu USD, tăng trên 26% so với cùng kỳ 2019", ông Phục chia sẻ.
Cũng không bị tác động lớn từ đại dịch COVID-19, Công ty Thực phẩm Sao Ta (FMC) vừa thông báo sản lượng tôm chế biến đạt 2.268 tấn, doanh số đạt 20,3 triệu USD trong tháng 7. Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Thực phẩm Sao Ta đánh giá, điều này dự báo một bức tranh xuất khẩu tôm của các doanh nghiệp Việt Nam sắp tới sẽ có gam màu “tươi tắn”.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐQT Công ty Thực phẩm Sao Ta, “bóng đen” COVID-19 đang còn đó và chưa thể đánh giá được hết diễn biến thời gian tới. Chính điều này buộc Công ty Thực phẩm Sao Ta càng phải thận trọng hơn trong phương án kinh doanh.
"Công việc chính lúc này đối với Sao Ta là tập trung hoàn tất từng lô hàng để giao sớm nhất, hạn chế tồn trữ vật tư dẫn đến rủi ro kẹt vốn. Chú trọng trong vụ thả nuôi tiếp theo, và cố gắng duy trì có đồng lời... là những giải pháp Sao Ta đang thực thi", ông Lực bày tỏ.
Trên thực tế, từng bước đi của Sao Ta cho thấy mặc dù không phải là doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao so với các đối thủ trong ngành, nhưng đây là doanh nghiệp có bước đi khá vững chắc trong ngành thuỷ sản hiện nay.
Với chiến lược phát triển bền vững, không chạy đua theo tăng trưởng nhanh giúp Sao Ta luôn đứng vững trong những thời khắc toàn ngành biến động và tiếp tục đi lên. COVID-19 cũng được xem là một cơ hội lớn để doanh nghiệp như Sao Ta mở rộng thị phần.
Tuy nhiên, để sản phẩm hàng hóa Việt Nam nói chung, con tôm nói riêng xuất khẩu tốt, ông Võ Văn Phục kiến nghị, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt phòng ngừa dịch bệnh COVID-19.”Vì chỉ cần khâu xuất khẩu bị gãy sẽ ảnh hưởng đến chuỗi giá trị, người nuôi tôm lao đao theo”, ông Phục nói.
Cảnh giác “hàng rào” truy xuất nguồn gốc
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong bối cảnh các nước gia tăng diện tích nuôi tôm, ngành tôm Việt Nam sẽ tiếp tục phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới trong thời gian tới.
Điểm nghẽn lớn nhất ngành tôm Việt là sản xuất nhỏ lẻ, không truy xuất được nguồn gốc, dẫn tới không có chứng nhận quốc tế.
Việc các nước nhập khẩu ngày càng thắt chặt các yêu cầu về chất lượng và vấn đề an toàn thực phẩm cũng sẽ tác động đến xuất khẩu thủy sản nói chung, xuất khẩu tôm nói riêng của Việt Nam.
Chưa kể, điểm nghẽn lớn nhất ngành tôm Việt lâu nay vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, không truy xuất được nguồn gốc, dẫn tới không có chứng nhận quốc tế. Dịch COVID-19 sẽ khiến nhu cầu sản phẩm thay đổi, do đó đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng nắm bắt.
Cụ thể, cùng với hàng rào thuế quan bị dỡ xuống, EU đã dựng lên hàng rào phi thuế khi đưa ra quy định mới về việc siết chặt chất Ethoxyquin, chất chống oxy hóa giúp bảo quản sản phẩm thức ăn thủy sản.
Theo đó, từ ngày 31/3/2020, Ethoxyquin sẽ không được sử dụng trong tất cả các loại thức ăn thủy sản. Các doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam cần lưu ý cập nhật và đáp ứng quy định này để xuất khẩu tôm vào EU không gặp trở ngại trong thời gian tới.
Để khắc phục điểm yếu về truy xuất nguồn gốc, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP cho rằng, người nông dân cần phải liên tục trao đổi với đầu mối thu mua, cũng như với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nhằm nắm bắt nhu cầu, chất lượng; cân nhắc tài chính để xem xét nuôi trồng như thế nào cho hiệu quả.
Về phía các doanh nghiệp cũng cần tăng thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm, tham gia chuỗi cung ứng khu vực… để tận dụng cơ hội từ EVFTA.
Dự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.