Doanh nghiệp xi măng vào cuộc đua "xanh hóa"

Kinh doanh
03:32 PM 21/07/2025

Sản xuất xi măng là một trong những ngành công nghiệp phát thải lượng lớn carbon ra môi trường. Mặc dù “bài toán” trong vấn đề giảm lượng phát thải còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên sự vào cuộc của nhiều doanh nghiệp giúp ngành xi măng hướng đến mục tiêu chung đạt Net Zero vào năm 2050…

Trong số các doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam, Tập đoàn SCG gây chú ý khi ra mắt sản phẩm SCG Low Carbon Super Xi măng vào giữa tháng 6/2024 một bước đi được đánh giá là mở đầu cho giai đoạn thương mại hóa rộng rãi các loại vật liệu xây dựng phát thải thấp. Theo SCG, dòng sản phẩm này không chỉ mang tính biểu tượng cho định hướng tăng trưởng xanh mà còn là kết quả của quá trình cải tiến toàn diện trong công nghệ sản xuất xi măng truyền thống.

Doanh nghiệp xi măng vào cuộc đua "xanh hóa"- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ba ưu điểm nổi bật được nhấn mạnh ở sản phẩm này là: giảm phát thải carbon, siêu bền chắc và siêu dẻo mịn. Cụ thể, sản phẩm giúp giảm khoảng 20% lượng khí CO₂ phát thải nhờ áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ: sử dụng nhiên liệu thay thế (sinh khối) thay cho than đá, gia tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong quy trình sản xuất và triển khai hệ thống thu hồi nhiệt thải tại các nhà máy.

Kết quả tại phòng thí nghiệm của SCG cho thấy, mỗi tấn xi măng sản xuất ra tương đương với lượng khí CO₂ được hấp thụ bởi 12 cây xanh trưởng thành trong vòng một năm. Điều này không chỉ giúp giảm dấu chân carbon của từng công trình mà còn góp phần đáng kể vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) của Việt Nam vào năm 2050.

Cũng trong năm 2024, Công ty CP Xi măng FiCO Tây Ninh (thuộc Tập đoàn YTL - Malaysia) đã tung ra dòng sản phẩm ECOCem - loại xi măng có lượng phát thải carbon chỉ từ 350 đến 600 kg CO₂/tấn, tức thấp hơn tới 70% so với mức trung bình của xi măng truyền thống. Đây là mức phát thải được đánh giá là “cực thấp” trên thị trường hiện nay.

Một tên tuổi lớn khác là INSEE Việt Nam cũng đã sớm bước vào cuộc đua xanh. Từ năm 2017, tất cả sản phẩm của INSEE đều đạt chứng nhận Green Label Singapore. Tới năm 2021, công ty tiếp tục đạt chứng nhận EPD (Environmental Product Declaration) - một chuẩn quốc tế về minh bạch phát thải. Bên cạnh sản phẩm, INSEE còn tổ chức các diễn đàn về kinh tế carbon thấp để thúc đẩy nhận thức và kết nối chuỗi cung ứng trong ngành xây dựng.

Ngoài ra, Xi măng Xuân Thành - một doanh nghiệp tư nhân tại Hà Nam - cũng đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại theo công nghệ FLSmidth (Đan Mạch), hướng đến giảm phát thải và tăng tỷ lệ xuất khẩu. Theo thông tin từ doanh nghiệp, sản phẩm của họ hiện đã có mặt tại các thị trường khó tính như Mỹ, Singapore và châu Âu.

Sự vào cuộc của các doanh nghiệp tiên phong như SCG, FiCO, INSEE hay Xuân Thành cho thấy ngành xi măng hoàn toàn có thể thay đổi, miễn là có đủ quyết tâm, công nghệ và hành lang chính sách hỗ trợ. 

Trong bối cảnh nguồn cung xi măng trong nước đang dư thừa, cạnh tranh gay gắt và thị trường xuất khẩu ngày càng siết chặt quy định về môi trường, việc thúc đẩy chuyển đổi xanh không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, mà còn là yếu tố quan trọng nâng cao hình ảnh, uy tín và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt trên thị trường xuất khẩu. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy các doanh nghiệp xi măng hiện đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi xanh, như chi phí đầu tư lớn, công nghệ không thể thay đổi một cách đột ngột, thiếu nhân lực có chuyên môn và khó tiếp cận nguồn vốn. 

Do đó, theo Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung, để hỗ trợ các doanh nghiệp xi măng chuyển đổi xanh hiệu quả, cần sự vào cuộc với chính sách đồng bộ từ thành phố và Chính phủ. Cụ thể, cần có chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất thấp cho các dự án ứng dụng, chuyển giao công nghệ xanh trong sản xuất; xây dựng các gói tín dụng cho vay ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn xanh; hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển… Chỉ khi có sự hỗ trợ thiết thực và kịp thời, các doanh nghiệp xi măng mới có thể chuyển đổi xanh thành công, phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả nước.

Việc chuyển đổi sang sản xuất và sử dụng xi măng xanh không còn là định hướng dài hạn, mà đang trở thành nhu cầu thực tiễn cấp thiết. Nếu được thúc đẩy đúng hướng, xi măng xanh sẽ không chỉ là lời hứa, mà là trụ cột của nền xây dựng phát thải thấp trong tương lai.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Thương mại điện tử: Đòn bẩy xuất khẩu bền vững Thương mại điện tử: Đòn bẩy xuất khẩu bền vững

Trong bối cảnh kinh tế số toàn cầu, chuyển đổi số và thúc đẩy thương mại điện tử (TMĐT) đang là một trong những động lực then chốt giúp Việt Nam hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu.