Doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm vững những quy định mới của EU về tiếp cận kiểm soát thực phẩm hỗn hợp

Kinh doanh
08:49 AM 24/04/2021

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển và một số nước châu Âu vừa phát đi thông báo mới về việc Liên minh châu Âu (EU) áp dụng quy định mới 2020/2236 về thay đổi cách tiếp cận kiểm soát thực phẩm hỗn hợp nhập khẩu từ bên ngoài vào EU, có hiệu lực từ ngày 21/4/2021.

Theo qui định mới của EU, sau ngày 21.4.2021, yêu cầu nhập cảnh sẽ không còn dựa trên tỉ lệ phần trăm của các thành phần có nguồn gốc từ động vật mà dựa trên sức khỏe động vật hoặc nguy cơ sức khỏe cộng đồng liên kết với chính các sản phẩm tổng hợp đó.

Cụ thể, các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu được phân loại như sau: sản phẩm thực phẩm hỗn hợp bảo quản không có hạn sử dụng; sản phẩm hỗn hợp bảo quản chứa thành phần từ thịt; sản phẩm hỗn hợp bảo quản không chứa thành phần từ thịt. Đối với các sản phẩm hỗn hợp không có chất bảo quản và các sản phẩm bảo quản có chứa thành phần từ thịt sẽ phải có chứng nhận riêng

Xuất khẩu thực phẩm nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn mới của EU - Ảnh 1.

Các nhà sản xuất thực phẩm Việt cần đáp ứng tốt trước những thay đổi về quy định ở một số thị trường XK khó tính. Ảnh: Lao Động

Các sản phẩm thực phẩm và đồ uống hỗn hợp là các sản phẩm có chứa thành phần từ thực vật và động vật đã qua chế biến. EU đánh giá tuỳ vào thành phần, điều kiện bảo quản và cách đóng gói, các sản phẩm hỗn hợp này có thể gây ra nhiều rủi ro đối với sức khoẻ cộng đồng. Các loại thực phẩm hỗn hợp không chứa thành phần thịt đã qua chế biến, không cần bảo quản ở nhiệt độ nhất định được coi là loại thực phẩm an toàn nhất. Loại thực phẩm phổ biến nhất trong danh mục này là trứng và sữa.

Trước đây, EU quy định thực phẩm hỗn hợp có chứa trên 50% thành phần từ sản phẩm có nguồn gốc động vật thì áp dụng kiểm soát như thực phẩm có nguồn gốc động vật. Các  loại thực phẩm hỗn hợp có  chứa thành phần thực phẩm có nguồn gốc động vật nhỏ hơn 50% thì áp dụng như các quy định thực phẩm hỗn hợp có nguồn gốc thực vật.

Trước quy định mới của EU mang tính “siết chặt” hơn, một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) nông sản thực phẩm cho rằng điều đó sẽ tạo rào cản bất lợi hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng nhận định trên Thời báo Kinh doanh, nếu các DN nông sản thực phẩm Việt đáp ứng được những thay đổi quy định từ phía EU thì sẽ không ngại bất cứ thị trường nào. Và đây cũng chính là thời điểm để các nhà sản xuất thực phẩm xuất khẩu cần liên kết “phá vỡ” những rào cản mang tầm quốc tế để đón đầu cơ hội.

Tuy nhiên, để "chinh phục" được những quy định mới của EU, trước hết các DN cần kiểm định lại toàn bộ hệ thống sản xuất của mình, từ đầu vào cho tới đầu giữa và đầu ra. Thứ hai là DN phải có cam kết về mặt trách nhiệm nếu như có sai phạm hay vấn đề ảnh hưởng đến sức khoẻ. Thứ ba là DN phải cải tiến đồng bộ từ nhận thức cho tới công nghệ máy móc thiết bị.

Trong vấn đề về hoạt động sản xuất và XK đối với ngành thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản của Việt Nam, các chuyên gia EU có khuyến cáo để tiếp tục cải thiện chất lượng và giải quyết vấn đề về an toàn thực phẩm thì các DN Việt cần đẩy mạnh giải pháp truy xuất nguồn gốc. Nhất là cần rà soát các quy định hiện nay và tạo ra một chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản và thực phẩm giá trị cao.

Có như vậy thì việc phát triển thị trường XK sẽ thuận lợi hơn, nhất là ở những thị trường khó tính như EU… và doanh nghiệp sẽ không phải lo ngại quá nhiều về những thay đổi quy định về kiểm soát hàng nhập khẩu thực phẩm ở các quốc gia này.

Hoài Thương (T/H)
Ý kiến của bạn