Doanh nghiệp xuất khẩu chủ động ứng biến trong đại dịch COVID-19

Doanh nghiệp - Doanh nhân
05:53 PM 26/05/2021

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa đang gặp rất nhiều khó khăn khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt, để kịp thời ứng phó với diễn biến phức tạp của thị trường.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5 năm 2021 đạt 11,89 tỷ USD, giảm 14,1% (tương ứng giảm 1,94 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 4/2021. 

Trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 5/2021 giảm so với kỳ 2 tháng 4/2021 ở một số nhóm hàng sau: Máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác giảm 416 triệu USD, tương ứng giảm 26,1%; Điện thoại các loại và linh kiện giảm 260 triệu USD, tương ứng giảm 13%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 194 triệu USD, tương ứng giảm 9,4%... Như vậy, tính đến hết 15/5/2021, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 116,8 tỷ USD.

Ở chiều nhập khẩu, tổng kim ngạch trong kỳ 1 tháng 5/2021 đạt 13,82 tỷ USD, cao hơn con số 13,76 tỷ USD của nửa cuối tháng 4 trước đó. Tính đến hết 15/5/2021, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 117,15 tỷ USD.

Với mức thâm hụt tới gần 2 tỷ USD trong nửa đầu tháng 5, nên lũy kế từ đầu năm đến 15/5, cán cân thương mại đảo chiều khi nước ta đã nhập siêu 350 triệu USD.

Doanh nghiệp xuất khẩu chủ động ứng biến trong đại dịch COVID-19
 - Ảnh 1.

Doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động ứng biến trong đại dịch COVID-19

Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức khi diễn biến dịch COVID-19 vẫn phức tạp. Điều đó đã khiến việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước đối tác. 

Hiện nay dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4 và diễn ra ngày càng phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là một số tỉnh, thành trọng điểm ở khu vực miền Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… là những địa phương có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu từ 10 tỷ USD trở lên (tính trong 4 tháng đầu năm) đã và đang tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa.

Do đó, theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu cần linh hoạt hơn, chủ động ứng phó hiệu quả với các khó khăn cũng như tình huống bất lợi thông qua tăng cường nội lực, nâng cao khả năng thích ứng để giảm thiểu thiệt hại, tận dụng hiệu quả những cơ hội từ hội nhập. 

Chính vì thế, ngay khi đợt dịch mới bùng phát, nhiều doanh nghiệp đã khởi động các chương trình phòng chống dịch ở mức cao nhất. Đơn cử, tại Tổng công ty CP Dệt may Hoà Thọ, doanh nghiệp đã trang bị đầy đủ cho người lao động các trang thiết bị cần thiết để phòng chống dịch như cồn sát khuẩn, Chloramine B, khẩu trang… Tăng cường tuyền truyền về phòng chống dịch bệnh trên mọi phương tiện có thể có.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đã có kinh nghiệm hơn 1 năm chống dịch nên yếu tố cần thiết nhất để đối phó với đại dịch COVID-19 hiện nay là phải có sự bình tĩnh, chủ động. Các cấp chính quyền, cơ quan cũng cần chú trọng bảo vệ các doanh nghiệp và các cửa khẩu trọng điểm. Đứng về góc độ kinh tế, đây chính là những nền tảng để giúp Việt Nam duy trì, phát triển nền kinh tế và vượt qua được thách thức của dịch bệnh. 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần khoanh vùng đúng trọng điểm, tránh giãn cách tràn lan vì nếu không làm được điều đó, rất có thể những biện pháp phòng chống dịch sẽ tác động tới hoạt động sản xuất khiến Việt Nam sẽ không đạt được "mục tiêu kép". 

Mới đây tại Đại hội Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) nhiệm kỳ 2021-2026, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã đề nghị Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ logistics tích cực phối hợp với các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp sản xuất và thương mại để có các giải pháp cho việc thúc đẩy vận chuyển, lưu thông hàng hóa đảm bảo an toàn, thông suốt trong tình hình dịch bệnh COVID-19.

Đồng thời, có biện pháp hỗ trợ như giảm chi phí lưu kho lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị có thể tăng cường thu mua nông sản cho nông dân các địa phương có dịch tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, trước tiên là tại tỉnh Bắc Giang.

Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh phức tạp các doanh nghiệp xuất khẩu được khuyến cáo phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội và giảm bớt khó khăn trong bối cảnh mới.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Huyền My (T/h)
Ý kiến của bạn
Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai

Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.