Doanh nghiệp xuất khẩu Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực vượt khó

Doanh nghiệp
03:38 PM 07/07/2023

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh phải đối diện với muôn vàn khó khăn thách thức, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều đang nỗ lực duy trì và thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu hoàn thành tốt nhất mục tiêu sản xuất kinh doanh năm 2023 đã đề ra.

Cuối năm 2022 đến nay là khoảng thời gian rất khó khăn của các doanh nghiệp bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 toàn cầu, chuỗi cung ứng bị đình trệ, dẫn đến khan hiếm nguyên vật liệu sản xuất; thiếu hụt đơn hàng. Tại Thanh Hóa, đã có những doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, sụt giảm doanh thu. Trong khó khăn bủa vây, nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt, chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tăng cường tích trữ nguyên vật liệu, giữ vững chất lượng sản phẩm kết hợp tìm kiếm đối tác, bạn hàng mới… Đồng thời theo sát diễn biến thị trường, nắm bắt từng cơ hội để duy trì sản xuất.

Xuất khẩu Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực vượt khó - Ảnh 1.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt hơn 2,5 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ và bằng 45,7% so với kế hoạch năm. Hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm do lạm phát, kinh tế khó khăn, nhu cầu sụt giảm mạnh, tuy nhiên mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau. Ngoài dệt may, một số ngành hàng khác cũng có đơn hàng và khối lượng xuất khẩu giảm mạnh, như: đá ốp lát, da giày, dăm gỗ. Dù không được như kỳ vọng, nhưng kết quả trên cũng cho thấy sự nỗ lực cố gắng của các doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do biến động của thị trường quốc tế.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Thanh Hóa là dệt may và da giày đều gặp nhiều khó khăn do đơn hàng và đơn giá giảm mạnh. Riêng ngành dệt may, có tới 70% doanh nghiệp hội viên bị thiếu đơn hàng và phải chật vật tìm các phương án duy trì sản xuất, giữ chân người lao động. Nhiều doanh nghiệp, số đơn hàng giảm sâu từ 35%- 50%, thậm chí giảm sâu hơn do sức mua từ các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật,... bị suy giảm; lượng hàng tồn kho tăng cao.

Xuất khẩu Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực vượt khó - Ảnh 2.

Để thích ứng, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa phải đa dạng hóa mặt hàng, chuỗi cung ứng và thị trường, tiếp tục khai mở thêm nhiều thị trường mới, đặc biệt khai thác sâu hơn các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm các giải pháp ứng phó, ưu tiên tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường mới, đồng thời, tận dụng tối đa các đơn hàng, kể cả các đơn hàng ngắn để bảo đảm duy trì sản xuất và giữ chân người lao động.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Thanh Hóa còn nỗ lực hoàn thiện nhiều chứng chỉ quốc tế, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe từ thị trường nhập khẩu. Nhờ đó, trong bối cảnh thị trường có sự cạnh tranh gay gắt và nhu cầu giảm, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đến từ Việt Nam vẫn được nhiều quốc gia đón nhận tích cực.Ông Vũ Văn Thành, Giám đốc Nhà máy May xuất khẩu Sơn Hà, thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiên Sơn (thị xã Bỉm Sơn) cho biết: Do không có đơn hàng, lương bình quân của công nhân giảm xuống còn 6 triệu đồng/tháng. Tháng 1, tháng 2/2023, khách hàng thông báo sẽ cắt giảm 50% đơn hàng, nên doanh nghiệp buộc phải giảm ngày làm, giảm giờ làm, thậm chí phải cho công nhân nghỉ việc. Để vượt qua thời điểm khó khăn này, doanh nghiệp đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm; tìm đối tác mới tại thị trường truyền thống, với những mặt hàng đặc trưng, có giá trị xuất khẩu cao…

Ông Trần Công Tuệ, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất dịch vụ và thương mại Trường Phát, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Riêng ngành may mặc, thời gian qua chịu nhiều tổn thất không nhỏ. Với công ty Trường Phát may mắn và cũng là nỗ lực cố gắng của cán bộ nhân viên trong thời gian qua chúng tôi vẫn có đơn hàng đầy đủ, hiện vẫn không phải giảm giờ làm, giảm lao động, vẫn duy trì mức lương tăng 10-15% so với 2021".

Trước khó khăn, thách thức, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đã từng bước khắc phục và điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa các hình thức tiếp cận và mở rộng thị trường. Đồng thời nắm bắt những lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Nhờ đó, 6 tháng qua, Thanh Hóa vẫn có 212 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hàng hóa, tăng 27 doanh nghiệp so với cùng kỳ; hàng hóa xuất khẩu sang 68 thị trường, tăng 9,6% so với cùng kỳ với 55 chủng loại hàng hóa.

Xuất khẩu Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực vượt khó - Ảnh 4.

Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 5,5 tỷ USD. Như vậy, 6 tháng cuối năm giá trị xuất khẩu cần phải đạt 3 tỷ USD để hoàn thành mục tiêu cả năm. Theo đánh giá của ngành Công thương, đây là nhiệm vụ có thể khả thi, khi các dự báo cho thấy hoạt động xuất khẩu sẽ phục hồi dần trong những tháng cuối năm.

Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc điều hành Công ty xuất nhập khẩu gỗ Trường Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Đối với ngành gỗ, bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt khi chúng tôi tái cấu trúc lại từ lãnh đạo cho đến sản phẩm chủ lực, thị trường chủ lực. Khi mà có sản phẩm có chất lượng và giá thành tốt, các nhu cầu ở thị trường nước ngoài vẫn duy trì, khi giá thành tốt sẽ đẩy mạnh tiêu dùng hơn vì vậy các quý còn lại trong năm 2023 chúng tôi thấy hoàn toàn lạc quan".

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn phía trước đối với hoạt động xuất khẩu, nhất là với những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thường xuyên bám sát diễn biến của thị trường, có các giải pháp ứng phó linh hoạt để duy trì, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, việc đảm bảo chất lượng, tăng khả năng đàm phán với khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm, khai thác tốt thị trường tiêu thụ sẽ là giải pháp tối ưu để có thể thích ứng trước những biến động nhanh và khó lường của thương mại toàn cầu.

Những con số trên là minh chứng cho thấy sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp Thanh Hóa. Bên cạnh sự nỗ lực của cộng đồng của các doanh nghiệp, cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa cũng luôn đồng hành, có nhiều giải pháp thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội phát triển, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Sa Pa tấp nập khách đến du ngoạn Lễ hội Hoa hồng Fansipan ngay ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4 Sa Pa tấp nập khách đến du ngoạn Lễ hội Hoa hồng Fansipan ngay ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4

Lễ hội Hoa hồng năm 2024 với quy mô lớn nhất Tây Bắc đã chính thức khai mạc tại khu du lịch Sun World Fansipan Legend (Sa Pa) sáng 27/4, thu hút hàng ngàn lượt khách đến Sa Pa ngay trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5.