Doanh nhân Nguyễn Hữu Nhật: “Gốm sứ với tôi là cuộc rong chơi bất tận”

Doanh nhân
10:51 AM 31/07/2023

Một ngày trung tuần tháng 5, tôi tìm về xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ ghé thăm Nguyễn Hữu Nhật - Giám đốc Công ty cổ phần Hữu Nhật, một doanh nhân đất Tổ, người đang sở hữu bộ sưu tập gốm men phong phú, hoàn chỉnh, có giá trị mỹ thuật và giá trị thương mại rất cao.

Trong cuộc trò chuyện chiều hôm ấy, tôi đã được nghe nhiều nỗi niềm của một người lính từng đi qua chiến tranh với những gian khổ, mất mát, và cả niềm tin. Cuộc trò chuyện cũng giúp tôi nhận ra rằng, gốm sứ là máu thịt chảy trong người Hữu Nhật, đam mê nghề gốm chưa lúc nào vơi trong trái tim của cựu chiến binh này.

Doanh nhân Nguyễn Hữu Nhật: “Gốm sứ với tôi là cuộc rong chơi bất tận”  - Ảnh 1.

Doanh nhân Nguyễn Hữu Nhật bên bộ sưu tập gốm men có giá trị mỹ thuật cao của mình.

Ngắm bộ sưu tập hoành tráng với hàng ngàn tác phẩm gốm sứ có cấu tạo mỏng như giấy, sáng như gương, trong như ngọc, trắng như ngà của Nguyễn Hữu Nhật, tôi như thấy cả những đau đáu rất riêng, với những trải nghiệm rất riêng của một người đã từng sống qua chiến tranh, đi qua hết mọi gian nguy, từng thấy người thân, đồng đội ngã xuống, rồi sống sót trở về...

Người lính ấy còn có tình yêu mẹ cha, yêu quê hương đất nước nồng nàn. Đặc biệt là sự hiếu kính với tổ tiên, kính trọng các vị vua Hùng, nguyện một lòng khắc ghi lời Bác: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Hữu Nhật còn có những góc nhìn rộng mở, bao quát thế giới bao la bằng trái tim nhân hậu, tràn đầy yêu thương. Mỗi tác phẩm trong bộ sưu tập của Hữu Nhật đều như ẩn giấu tiếng vọng của năm tháng đời người, như nỗi niềm của cố nhân dõi nhìn quê cũ, canh cánh nỗi niềm với người mẹ già năm xưa đã đi xa trong nỗi khắc khoải nhớ con...

Các tác phẩm gốm nghệ thuật của Nguyễn Hữu Nhật được anh sáng tạo theo 05 đề tài chính: "Về quê cha Đất Tổ"; "Theo chân Bác"; "Tình Mẹ"; "Sắc màu quê hướng" và "Nhìn ra thế giới". Những bình gốm trong bộ sưu tập của cả 05 đề tài đều mang một vẻ đẹp vừa quý phái sang trọng với chế tác tinh xảo, hoa văn trang trí độc đáo; lại vừa hồn nhiên dân dã; là khúc hát về "gốm sứ đất Việt nặng lửa, nặng tình".

Mỗi tác phẩm gốm trong bộ sưu tập của anh đều là tác phẩm duy nhất, không có chiếc thứ hai, không tái bản. Hơn 15 năm qua, Hữu Nhật dày công nghiên cứu, tìm ra những nguyên liệu để làm ra gốm từ chính quê hương anh, ở xã Đào Xá, huyện Thanh Thuỷ - xã Đào Xá có nguồn đất cao lanh quý hiếm, đất cao lanh ở đây hội tụ đủ 03 loại oxit, đó là oxit Silic SiO2, oxit Nhôm Al2O3 và oxit Kiềm K2OnaO2.

Tìm được nguồn đất tốt, Nguyễn Hữu Nhật không chỉ đẩy mạnh sản xuất, cung cấp nguyên liệu làm gốm cho nhiều vùng miền, nhiều trung tâm sản xuất gốm sứ lớn trong cả nước. Mà anh kỳ công tìm kiếm những người thợ giỏi, dành nhiều thời gian và tâm huyết để sàng lọc, loại bỏ tạp chất trong cao lanh, thu về một loại đất mềm, mịn, dẻo; tạo các gam màu mới lạ và phù hợp với các sản phẩm mang hồn cốt dân tộc. Anh quy tụ lại những bàn tay khối óc tài năng cùng mình xây dựng xưởng gốm, dày công trong hàng thập kỷ để hình thành bộ sưu tập "có một không hai" của mình.

Phải tận mắt thấy được quy trình làm gốm sứ nghệ thuật của Hữu Nhật mới thấy giá trị của từng sản phẩm. Những chiếc bình quý, những dáng gốm độc đáo được hình thành từ sự cần cù chịu khó của những người công nhân chọn lựa nguyên liệu quý từ trong lòng mỏ, sau đó dùng bàn tay khéo léo, điêu luyện của mình để vuốt gốm trên bàn xoay, tỉ mỉ xếp khuôn hình. Kế đến, được họa sỹ tài ba của Hữu Nhật cẩn trọng trang trí. Những đường nét trang trí, từ đắp nổi, khắc chìm, vẽ công phu, phóng bút và thần bút vô cùng phóng khoáng và điêu luyện, nhưng lại vẫn đặt trong một chuẩn mực nghiêm ngặt về thẩm mỹ.

Doanh nhân Nguyễn Hữu Nhật: “Gốm sứ với tôi là cuộc rong chơi bất tận”  - Ảnh 2.

Ngôi nhà của Nguyễn Hữu Nhật dành tới 80% diện tích để trưng bày các sản phẩm gốm nghệ thuật.

Hơn 15 năm qua, Hữu Nhật chỉ thầm lặng sản xuất gốm, hình thành bộ sưu tập hàng ngàn bình gốm độc đáo. Anh chưa từng bán bất kỳ sản phẩm nào. Trong tâm niệm, Hữu Nhật cho rằng, mình sẽ cần mẫn vượt qua những sáng tạo của chính mình ngày hôm qua, để hoàn thiện mình và có thêm những sáng tạo mới. Có đôi lần, Hữu Nhật tổ chức đấu giá, nhưng chỉ đấu giá một sản phẩm trong bộ sưu tập, với mục đích tạo nguồn tài chính gây quỹ từ thiện, làm thiện nguyện.

Bạn bè, người yêu gốm sứ nghệ thuật đến với anh, gọi bộ sưu tập của anh là "Ngọc đất Tổ". Hữu Nhật nói, sản phẩm của mình 100% là "Sứ thấu quang", tức là hình ảnh lấy từ trong hồn cốt ra. Một điều đặc biệt là, khi tác phẩm hoàn thành, Hữu Nhật đưa những bóng điện vào phía trong các bình gốm, "để khi bật điện lên, sẽ thấy hồn cốt tác phẩm đưa từ trong ra ngoài, lột tả được vẻ đẹp tinh xảo - lung linh tỏa sáng từ trong ra ngoài".

Khi cầm trên tay các tác phẩm của gốm sứ Hữu Nhật, ta cảm nhận sắc độ trong suốt, cảm giác mềm mại, độ "chảy" màu tinh tế. Dòng men của Hữu Nhật cũng vô cùng tinh xảo, họa tiết thể hiện sự kỳ công trong từng đường nét. Tưởng như, các họa tiết này chính là tinh hoa hồn cốt của người họa sư đã dành cả đời với đam mê hội họa, sống trọn vẹn trong từng đường nét, lan tỏa cảm xúc thăng hoa của mình trong mỗi tác phẩm đời người.

Gốm sứ Hữu Nhật lúc đầu có tên là "Sứ ngọc đất Tổ", về sau được đổi tên thành "Lung linh tâm hồn Việt". Các tác phẩm đều có giá trị nghệ thuật không thể đong đếm. Hữu Nhật nói rằng, "việc sản xuất, hình thành bộ sưu tập gốm sứ nghệ thuật của tôi trong hơn 15 năm qua chỉ đơn thuần là được sống với đam mê". Anh khẳng định: "Với tôi, gốm sứ là cuộc rong chơi bất tận". Tôi không nhằm mục đích thương mại, mà chỉ thuần túy về văn hóa, đam mê sáng tạo cái đẹp. Bất cứ ai khi đầu tư đều muốn thu về lợi nhuận, nhưng lợi nhuận của tôi là những điều không nhìn thấy được. Tôi không chỉ muốn góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa - nghệ thuật, mà còn khẳng định được sự khéo léo, tinh tế của những người thợ thủ công của dân tộc Việt, muốn tạo nên được những bộ sưu tập gốm sứ nghệ thuật chạm được tới trái tim người xem".

Chia tay "người thuyền trưởng" của xưởng gốm nghệ thuật Hữu Nhật, tôi chúc anh tiếp tục sáng tạo thêm những tác phẩm độc đáo, mang đậm dấu ấn của bản sắc và truyền thống văn hóa Việt Nam trong thời hiện đại. Chúc cho anh và các đồng nghiệp luôn sống trọn từng khoảnh khắc với đam mê sáng tạo nghệ thuật của mình.

Tôi tin rằng, niềm đam mê không chỉ làm cho đời sống tâm hồn của Hữu Nhật trở nên phong phú, ý nghĩa hơn, mà nó còn là chìa khóa mở ra cánh cửa của thành công cho xưởng gốm nghệ thuật Hữu Nhật trong tương lai, hứa hẹn mang lại những giá trị lớn lao cho quê hương Thanh Thủy - Phú Thọ.

Một số tác phẩm trong bộ sưu tập gốm nghệ thuật của Nguyễn Hữu Nhật:

Doanh nhân Nguyễn Hữu Nhật: “Gốm sứ với tôi là cuộc rong chơi bất tận”  - Ảnh 3.

Doanh nhân Nguyễn Hữu Nhật: “Gốm sứ với tôi là cuộc rong chơi bất tận”  - Ảnh 4.

Doanh nhân Nguyễn Hữu Nhật: “Gốm sứ với tôi là cuộc rong chơi bất tận”  - Ảnh 5.

Doanh nhân Nguyễn Hữu Nhật: “Gốm sứ với tôi là cuộc rong chơi bất tận”  - Ảnh 6.

Doanh nhân Nguyễn Hữu Nhật: “Gốm sứ với tôi là cuộc rong chơi bất tận”  - Ảnh 7.

Doanh nhân Nguyễn Hữu Nhật: “Gốm sứ với tôi là cuộc rong chơi bất tận”  - Ảnh 8.

Doanh nhân Nguyễn Hữu Nhật: “Gốm sứ với tôi là cuộc rong chơi bất tận”  - Ảnh 9.

Doanh nhân Nguyễn Hữu Nhật: “Gốm sứ với tôi là cuộc rong chơi bất tận”  - Ảnh 10.

Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn
4 tháng, lượng ô tô nhập khẩu giảm 17,6% về lượng và 24,2% về giá trị 4 tháng, lượng ô tô nhập khẩu giảm 17,6% về lượng và 24,2% về giá trị

Tổng cộng lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc trong 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 44.772 chiếc với giá trị 919 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2023, con số này đã giảm 17,6% về lượng và 24,2% về giá trị.