Doanh nhân Nguyễn Như Khuê với niềm đam mê tái chế nhựa
Dù khá bận rộn với việc quản lý một doanh nghiệp, nhưng ở đâu mời nói chuyện về rác thải nhựa, doanh nhân Nguyễn Như Khuê, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội nhựa Việt Nam, đều sẵn sàng lên đường bằng cả niềm đam mê nhằm tuyên truyền, thu hồi, tái chế, “không để nhựa thành rác”.
Nhựa - nguồn tài nguyên tái sinh
Tại các buổi nói chuyện, ông Nguyễn Như Khuê thường phân tích: "Rác thải là từ con người. Nhựa không phải là rác vì nhựa có tính tái sinh, là nguồn tài nguyên đô thị. Ở các nước phát triển như Mỹ, Đức…, chỉ có 7% dầu mỏ được dùng cho sản xuất nhựa. Sản phẩm nhựa sau khi sử dụng còn nguyên nhiệt lượng của dầu trong nó và có thể dùng làm nhiên liệu đốt rác sinh điện, nếu không thể tái sinh được nữa. Vì thế nếu để nhựa thành rác thì là một sự lãng phí và là gánh nặng cho thế hệ tương lai bởi phải mất hàng trăm năm để xử lý chúng".
Theo thống kê gần đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn rác thải nhựa. 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mỗi ngày trung bình thải ra 80 tấn rác thải nhựa. Trong đó, hơn 80% rác thải nhựa được xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt. Chỉ 10% được tái chế theo hướng tuần hoàn. Việt Nam hiện nay là 1 trong 5 quốc gia có lượng phát thải rác thải nhựa ra đại dương cao nhất hành tinh. Là do nước ta chưa có quy định chặt chẽ về thu hồi, tái chế cũng như công nghệ xử lý chưa đáp ứng yêu cầu cho những sản phẩm chất lượng cao. Tuy nhiên trong nước hiện nay cũng đã bắt đầu đầu tư vào công nghệ tái chế "chai ra chai, nút ra nút", đáp ứng yêu cầu của FDA cho bao bì thực phẩm. Vấn đề còn phải giải quyết rốt ráo là thu gom hiệu quả, để cho các nhà máy tái chế có đủ nguyên liệu đầu vào.
Ông Khuê cho biết: Trong ngành, chúng tôi luôn tự hào về sự ra đời của nhựa. Nhựa đã góp phần làm nên cuộc cách mạng về bao bì và sản phẩm thay thế cho gỗ, kim loại… Có thể nói, nhựa cũng trực tiếp tham gia vào công cuộc bảo vệ môi trường, giúp tiết kiệm tài nguyên khoáng sản cụ thể như: Bàn ghế nhựa thay thế bàn ghế gỗ góp phần bảo vệ rừng, giảm quá trình biến đổi khí hậu; ống nhựa sử dụng trong dẫn nước đô thị thay thế ống thép cùng lúc tiết kiệm chi phí và sức lao động của con người, góp phần tích cực trong việc giảm thiểu khí thải nhà kính, tác nhân chính của việc biến đổi khí hậu toàn cầu...
Tại các nước tiên tiến, lượng bao bì, sản phẩm nhựa/dân số cao gấp nhiều lần so với Việt Nam. Nhưng lượng nhựa thải ra môi trường của các nước tiên tiến không đáng kể, do pháp luật quy định rất chặt chẽ trong việc thu hồi, tái chế và buộc các doanh nghiệp sử dụng bao bì, bất kể là nhựa, thủy tinh giấy hay kim loại... đều phải có trách nhiệm thu hồi, tái chế.
"Nhựa là nguồn tài nguyên có thể tái sinh bằng nhiều công nghệ khác nhau", ông Nguyễn Như Khuê khẳng định.
Cơ hội cho ngành tái chế nước nhà
Thách thức và cơ hội luôn là hai mặt đối lập, nhưng vẫn xuất hiện cùng nhau. Trước đây việc tái chế chất thải nhựa gặp phải vướng mắc bởi máy móc không tách được mực in và mùi ra khỏi bao bì nhựa đã qua sử dụng. Vì vậy đơn vị tái chế phải nhuộm màu tòan bộ sản phẩm khiến giá thành xuống thấp không thể đủ bù đắp chi phí.
Vướng mắc trên đã được tháo gỡ khi Hiệp hội nhựa Việt Nam thường xuyên tìm kiếm công nghệ mới về cho ngành nhựa Việt Nam và sự nỗ lực của ông Nguyễn Như Khuê; Hiệp hội tổ chức cho hội viên tham gia Hội chợ quốc tế về máy móc công nghệ nhựa Frankfurt (Đức) vào tháng 10 hàng năm. Tại đây các hội viên đã tiếp cận trình độ, công nghệ sản xuất thế giới trong đó có công nghệ hoàn nguyên, dễ dàng tách mực in kết hợp khử mùi và tái sinh các loại bao bì, sản phẩm nhựa đã qua sử dụng trở lại với phẩm chất, tiêu chuẩn ban đầu. Đây là cơ hội để ngành nhựa phát huy vai trò tái sinh nguồn tài nguyên đang bị lãng phí bằng mô hình kinh tế khép kín mang tính tuần hoàn.
Một cơ hội khác cho ngành nhựa được ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam thông tin: Chính phủ Hoa Kỳ đã quyết định tăng tỷ lệ nhựa trong các loại máy móc lên 30% kể từ năm 2023, đồng thời sẽ mở nhà máy lắp ráp máy bay tại Việt Nam. Đây là cơ hội rất lớn để ngành nhựa vượt qua thử thách và vươn lên hội nhập.
Nỗ lực của ông Nguyễn Như Khuê đã được đền đáp bởi các thương hiệu toàn cầu về hàng tiêu dùng đã đồng ý đồng hành cùng Hiệp Hội Nhựa Việt Nam trong việc thu hồi, tái chế chất thải nhựa. Hiệp Hội đang tìm kiếm nhà đầu tư địa diểm để triển khai nhà máy.
"Khi Dự án đi vào hoạt động, chất thải nhựa sẽ không còn "mang tiếng" là rác thải mà trở thành nguồn tài nguyên tái sinh trong nền kinh tế tuần hoàn. Các nhà sản xuất hàng tiêu dùng sử dụng bao bì nhựa cũng phải thay đổi để không bị người tiêu dùng xa lánh, tẩy chay", ông Khuê nói.
Bằng tình cảm và lòng đam mê, ông Nguyễn Như Khuê đã không quản ngại khó khăn, góp sức tìm kiếm công nghệ hiện đại để xử lý, tái sinh chất thải nhựa; đồng thời cũng tích cực đưa ra lời cảnh báo đến các nhà sản xuất hàng tiêu dùng phải thay đổi trong quá trình sử dụng nhựa để không bị người tiêu dùng xa lánh, tẩy chay. Điều này đã thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của ông Nguyễn Như Khuê trong ngành sản xuất, tái chế nhựa nước nhà.
Duy ChíTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.