Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ: Với danh hiệu “Vì sự phát triển Thanh Hóa”!

Doanh nghiệp - Doanh nhân
03:29 PM 30/09/2020

Ở tỉnh Thanh Hóa có một doanh nhân mà cuộc đời và sự nghiệp của ông luôn gắn liền với nhiều danh hiệu cao quý. Ông được Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội tín nhiệm giao cho nhiều trọng trách quan trọng: với 7 chức danh, trong đó có 4 chức danh Chủ tịch và 3 chức danh khác tương đương. Ai đã gặp ông một lần, ông đều để lại những cảm xúc khó quên bởi tình cảm, trách nhiệm sự gắn bó của ông với vùng đất này là vô cùng giá trị, đem lại hiệu quả to lớn.

Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ:  Với danh hiệu “Vì sự phát triển Thanh Hóa”! - Ảnh 1.

Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ

 Con đường khởi nghiệp

Tổng Công ty CP Hợp Lực (CP HL), tiền thân là HTX Vận tải Hợp Lực, thành lập năm 1996. Sau gần 25 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Tổng Công ty CP HL có gần 20 đơn vị thành viên. Hoạt động kinh doanh của Tổng Công ty đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Y tế, vận tải, giáo dục, bất động sản, công viên vĩnh hằng, nhà hàng, khai thác - chế biến khoáng sản, nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế, 3 năm trở lại đây, Tổng Công ty CP HL đã đạt được nhiều kết quả rất đáng tự hào, góp phần cùng với hệ thống y tế công lập đóng góp tích cực vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Bằng con đường nào, bằng nguồn lực nào, sức mạnh nào mà doanh nhân Nguyễn Văn Đệ tạo được sự bứt phá trên con đường xây dựng, phát triển thương hiệu Công ty CP HL trở nên đồng bộ, toàn diện, vững chắc như vậy? Câu trả lời đó là: bản lĩnh và trí tuệ, cùng tấm lòng nhiệt huyết - yêu quê hương đất nước của doanh nhân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Văn Đệ. Ngay từ năm 2006, ông đã tiên phong xây dựng và phát triển Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực tại TP. Thanh Hóa thành cơ sở KCB có số giường bệnh lớn nhất trong khối y tế tư nhân trong cả nước. Bình quân mỗi năm Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực tổ chức khám cho khoảng 190.000 lượt bệnh nhân, trong đó khám BHXH là 70.000 lượt người, khám miễn phí cho khoảng 2000 lượt bệnh nhân nghèo, đối tượng chính sách, điều trị nội trú 22.538 người. Bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị tiên tiến, hiện đại ở Việt Nam, do đó, bệnh nhân có thể được chẩn đoán và điều trị nhiều căn bệnh hiểm nghèo mà trước đây phải chuyển tuyến. Điều này giúp bệnh nhân giảm chi phí điều trị, đồng thời giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Là chủ đầu tư của một bệnh viện tư nhân, hoạt động kinh doanh trong một lĩnh vực đặc thù, luôn đối mặt với rủi ro liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người, lại chịu nhiều thiệt thòi về cơ chế, chính sách so với bệnh viện Nhà nước, nhưng tất cả đều nằm trong kế hoạch chi tiết, cặn kẽ, chu đáo, cẩn thận trong một lộ trình nhất định dưới sự điều hành, chỉ đạo thực hiện nhất quán của doanh nhân - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nguyễn Văn Đệ. Điều căn cốt nhất để bệnh viện tồn tại giữa lòng dân, đó là: Ông đã đề ra các quy chế hoạt động, là kim chỉ nam cho nhận thức và hành động của mỗi y bác sỹ, thầy thuốc, nhân viên phục vụ tại bệnh viện: Phải xem bệnh nhân, người nhà bệnh nhân như người thân "đến niềm nở, ở tận tình, về chu đáo"; phải không ngừng đầu tư nâng cao chất lượng thiết bị vật tư y tế, nâng cao trình độ chuyên môn, y đức của y bác sỹ; tuyệt đối không được nhận quà của bệnh nhân, dưới bất kỳ hình thức nào. Điều này đã và đang được dư luận xã hội ghi nhận và đánh giá cao.

Một mô hình mẫu nhiều nhà đầu tư y tế đến học tập

Thành công nối tiếp thành công, doanh nhân Nguyễn Văn Đệ quyết định đầu tư Dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế HL tại xã Nguyên Bình, thị xã Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Với quy mô 4ha, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực khu vực Nghi Sơn có tổng mức đầu tư xây dựng gần 700 tỷ đồng, quy mô 500 giường bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đây không chỉ là niềm vui của cán bộ và nhân viên, người lao động ở Tổng Công ty HL, mà còn là niềm tin, niềm tự hào của cán bộ và nhân dân Thanh Hóa cùng các tỉnh Nghệ An, Hà Tỉnh, lân cận trong thời kỳ phát triển và hội nhập.

Sau 9 tháng triển khai xây dựng, Bệnh viện Quốc tế Hợp Lực đã hoàn thành, được Bộ Y tế thẩm định cấp phép hoạt động khám chữa bệnh vào ngày 29/1/2019 và Quyết định phê duyệt hơn 6.000 danh mục chuyên môn kỹ thuật, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật hạng III và xếp hạng tương đương với Bệnh viện hạng III. Đây là bước tiến mới vô cùng ngoạn mục của Tổng Công ty CP HL và cá nhân ông.

Không bằng lòng với những kết quả đạt được, doanh nhân Nguyễn Văn Đệ tiếp tục phát triển những chương trình đột phá vô cùng mạnh mẽ, đó là: Nguồn nhân lực được đào tạo có chiều sâu, cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, hệ thống phòng mổ áp lực đảm bảo tiêu chuẩn vô khuẩn cao, hệ thống xử lý nước RO hiện đại, hệ thống chụp cắt lớp vi tính, máy chụp cộng hưởng từ 1.5 tesla, máy siêu âm màu 4D… tất cả đều hiện đại nhất hiện nay đã có mặt tại bệnh viện quốc tế này.

Công trình Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực cũng là Dự án thành công nhất trong chuỗi các dự án được ký kết tại diễn đàn xúc tiến đầu tư của tỉnh Thanh Hoá. Điều đó chính là một minh chứng đẹp về nguồn lực lao động, nguồn lực tài chính, nguồn trí tuệ, nguồn lực thu hút vốn đầu tư, nguồn sức mạnh "chính trị mềm", không kém phần tài hoa mà doanh nhân Nguyễn Văn Đệ thực thi. Dĩ nhiên, nguồn lực nào cũng có ý nghĩa làm nên thành quả của Tổng Công ty CP HL, trong đó nguồn lực sức mạnh đoàn kết dưới sự chèo lái vững vàng của vị "thuyền trưởng"- doanh nhân tiêu biểu Nguyễn Văn Đệ có ý nghĩa quan trọng mang tính quyết định đến sự thành công là điều dễ hiểu.

Cùng với lĩnh vực y tế, Tổng Công ty CP HL đã tập trung nguồn lực, tăng cường liên kết sản xuất, tham gia chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới, đã đạt được những thành công trong các lĩnh vực, dự án khác như: Bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, xây dựng, hỏa táng… Với các hoạt động đầu tư kinh doanh đa lĩnh vực, ngành nghề, Tổng Công ty CP HL đã đạt được những kết quả doanh thu ngoài mong đợi…

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Đây là mối quan tâm hàng đầu của doanh nhân Nguyễn Văn Đệ. Ông chia sẻ với phóng viên tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị: Trong quá trình sản xuất kinh doanh, Tổng Công ty luôn quan niệm: Con người là nhân tố quan trọng nhất quyết định thành công của doanh nghiệp. Do đó, vấn đề đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, quan tâm chăm lo đời sống người lao động luôn là mối quan tâm hàng đầu của tôi.

Trong quá trình gần 15 năm hoạt động lĩnh vực bệnh viện, Tổng Công ty CP HL và Bệnh viên Đa khoa Hợp Lực luôn chú trọng việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của y bác sĩ, người lao động bằng cả 2 hình thức: gửi đi đào tạo và đào tạo tại chỗ. Tính đến nay, bệnh viện đã đào tạo được gần 500 bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa và thạc sỹ, 150 cử nhân, kỹ thuật viên, dược sỹ và hàng trăm chứng chỉ y khoa các loại. Trong đó việc cử bác sỹ đi đào tạo ở nước ngoài và mời chuyên gia y tế hàng đầu phẫu thuật - đào tạo tại chỗ được ưu tiên hàng đầu.

Việc quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động luôn được Tổng Công ty chú trọng. Đã tạo công ăn việc làm cho hơn 1.650 lao động, thu nhập bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng, tất cả cán bộ, nhân viên, người lao động đều được đóng bảo hiểm đầy đủ. Và ông gọi: Đó là hạnh phúc!

Thực hiện trách nhiệm xã hội

Là doanh nghiệp kinh doanh nhiều lĩnh vực liên quan đến dịch vụ, nên văn hóa doanh nghiệp luôn được coi trọng. Cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp HL được xây dựng trên nền tảng: Đoàn kết - tiên phong - sáng tạo. Người lao động luôn xem Hợp Lực như một đại gia đình và được xây dựng gia đình ấy là động lực cho tất cả mọi người. Mỗi cán bộ, người lao động đều ý thức được việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp là nhiệm vụ chung vì mục tiêu phát triển bền vững.

Mỗi năm Tổng Công ty đều dành một phần kinh phí từ lợi nhuận của doanh nghiệp để đóng góp cho hoạt động xã hội - từ thiện như: ủng hộ quỹ vì người nghèo, các gia đình chính sách, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ các địa phương nơi doanh nghiệp đầu tư dự án xây dựng các công trình công cộng. Chỉ tính 3 năm gần đây, doanh nghiệp đã ủng hộ các hoạt động xã hội từ thiện với số tiền trên 5 tỷ đồng…

Vấn đề mà dư luận quan tâm sâu sắc là: Những thành tựu và hiệu quả to lớn của Tổng Công ty CP Hợp Lực đã đạt được trong nhiều năm qua có phải là sự bùng nổ nhất thời không? Trước sự bứt phá, thay đổi nhanh chóng (từ HTX vận tải đến nay), không ít người đặt ra câu hỏi ấy. Báo cáo kết quả hàng năm, nộp thuế cho Nhà nước với con số cao và biết bao huân chương, cờ thưởng, danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc, Doanh nhân tiêu biểu Thanh Hóa, Cúp Doanh nhân xứ Thanh, rồi nay là danh hiệu Công dân tiêu biểu "Vì sự phát triển Thanh Hóa". Tất cả đã khẳng định: Những thành tích to lớn mà Tổng Công ty CP HL đạt được không phải là sự bùng nổ nhất thời, không bao giờ là nhất thời. Nó là cả quá trình bền gan, phấn đấu, đoàn kết, vượt khó vươn lên đầy bản lĩnh của vị "thuyền trưởng" tài ba có tâm, có tầm - Doanh nhân yêu nước Nguyễn Văn Đệ.

Các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, các chương trình trọng tâm, khâu đột phá, cũng như những ước mơ và khát vọng góp phần làm cho tỉnh Thanh Hóa phát triển và thịnh vượng, ông luôn trăn trở nung nấu, bàn bạc với cộng sự kỹ càng. Tiềm năng lợi thế của tỉnh Thanh Hóa sẽ tạo ra sung lực mới, là tiềm năng lợi thế phát triển bền vững mà các doanh nghiệp, doanh nhân và Tổng Công ty HL luôn hướng tới.

Tất nhiên, để có được những "thắng lợi hoàn toàn không phải nhất thời" ấy, ông Nguyễn Văn Đệ phải có một quá trình vận động, bồi dưỡng, tự nâng cao kiến thức, tri thức, trí tuệ, trải qua một quá trình gian khổ, bền bỉ, khoa học, tinh tế và hiệu quả. Điều này không thể tách rời vai trò "tuyên giáo" trong con người ông. Giờ đây hàng nghìn cán bộ, nhân viên và người lao động sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Mọi chủ trương, ý tưởng của ông đã thấm đến máu thịt người lao động, nó trở thành nhu cầu hiện thực, nhu cầu hạnh phúc cuộc sống của mỗi thành viên trong ngôi nhà "Hợp Lực". Từ đó, họ càng gắn bó với Tổng Công ty, điều này chắc chắn được bắt nguồn từ công tác tuyên giáo của ông mà ra.

Cuối buổi trao đổi, chúng tôi hỏi ông còn điều gì trăn trở về doanh nghiệp, doanh nhân, đi cùng với "khát vọng thịnh vượng" của tỉnh Thanh Hóa, trong Nghị quyết 58 mà Bộ Chính trị vừa ban hành, ông cho biết: "Trước hết là cần sự đột phá, tính đổi mới thật sự trong tư tưởng, tình cảm, lời nói và việc làm trong con người Thanh Hóa. Theo đó là đoàn kết, cần có "Tư duy mềm" để thấu hiểu, lôi kéo các doanh nghiệp, doanh nhân bằng lòng "bỏ đồng tiền" của họ ra để chung tay xây dựng quê hương, đất nước. Đồng thời phải coi họ là "những viên ngọc quý", là tài sản của quốc gia, không kỳ thị với họ và coi đồng tiền dù nhỏ đến lớn đều là nguồn lực để xây dựng Thanh Hóa. Khi nào xác định được như vậy thì sức hút đầu tư, sự hấp dẫn của doanh nghiệp, của những người lao động sẽ chung một chí hướng, thực hiện thắng lợi những mục tiêu và khát vọng mà Thanh Hóa đã đề ra để Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh hiện đại giàu đẹp, kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ đã đặt kỳ vọng.

Với "cánh" anh em nhà báo chúng tôi, mỗi lần nhắc đến "Bầu Đệ" - doanh nhân - Công dân tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa đều có chung một nhận xét: Những gì ông Đệ làm, những gì ông Đệ nói hầu như tất cả đã trở thành hiện thực. Doanh nhân - Công dân tiêu biểu Nguyễn Văn Đệ không chỉ là bó đuốc giữa lòng dân, mà ngọn đuốc ấy sẽ tiếp tục tỏa sáng, của dân và vì dân./.

Triều Nguyệt - Yến Hoàng
Ý kiến của bạn