Doanh nhân Việt làm váy vóc, giày dép từ vỏ hàu, bã cà phê, sợi sen… bắt kịp các đại gia Adidas, Nike, Hermes nhảy vào ngành ‘thời trang sinh học’ trị giá 89 tỷ USD
Dù đi sau, nhưng với nguồn tài nguyên nông nghiệp phong phú, mảng ‘thời trang sinh học’ Việt Nam đang đi khá nhanh và dần tiệm cận trình độ thế giới. Chúng ta không chỉ có thể sản xuất sợi vải từ các phế phẩm sản xuất như bã cà phê, vỏ hàu, thân sen, bạc hà…; mà còn có thể từ chất liệu sinh học, tạo ra những mẫu áo quần hoặc bộ sưu tập thời trang chất lượng và có tính ứng dụng cao.
Một thông tin trên DAZED cho biết: Trong nỗ lực chống lại sự lãng phí và ô nhiễm môi trường, các thương hiệu thời trang cao cấp và nổi tiếng thế giới bao gồm: Stella McCartney, Hermès, Adidas và Nike đang dần chuyển sang sử dụng vật liệu sinh học bền vững cho các bộ sưu tập của họ.
Thoạt nghe thì hành trình này nghe giống nội dung trong một bộ phim khoa học viễn tưởng về một thế giới tương lai khi mà công nghệ có thể biến những điều không thể thành có thể; bởi nay các vật liệu sinh học có thể được làm từ mồ hôi của con người đến tơ nhện trồng trong phòng thí nghiệm, cả loại da hoàn toàn có thể phân hủy được tạo ra từ nấm.
Da được làm từ sợi nấm chỉ là một trong những lựa chọn thay thế ‘da thuần chay’. Ngoài ra, chúng ta còn có các loại sợi vải làm từ lá dứa (thơm/khóm), tơ lụa từ cây hoa hồng hoặc gai dầu tầm ma. Những vật liệu có nguồn gốc từ thực vật đang nhanh chóng thay tế những vật liệu thời trang đắt giá trên thế giới và thị trường này trị giá khoảng 89 tỷ USD vào năm 2025.
Trong năm 2021, với kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD, Việt Nam đã vượt qua Bangladesh để vươn lên chiếm vị trí số 2 thế giới (sau Trung Quốc) về thị phần xuất khẩu. Với vị thế đó, tất nhiên ngành dệt may Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng ‘thời trang xanh’ hay cụ thể hơn là ‘thời trang sinh học’ của thế giới.
Như chia sẻ của bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký & Trưởng Văn phòng Đại diện VITAS tại TP.HCM thì cách đây 3 năm, ngành dệt may Việt Nam đã phát động phong trào ‘xanh hóa’ với mong muốn có thể xây dựng thương hiệu dệt may Việt Nam bền vững.
Khi đó, các nước trong hiệp định FTI đã có điều kiện nghiên cứu tốt hơn Việt Nam, như ở Đài Loan, họ đã sản xuất ra những ‘nguyên liệu xanh’ từ rất sớm. Các doanh nghiệp Việt Nam đã học tập đồng nghiệp Đài Loan ở lĩnh vực này rất nhiều.
NGƯỜI TIÊN PHONG FASLINK
2 mẫu trong BST vải sợi sen của NTK Nguyễn Hùng Bảo.
Faslink là một trong những doanh nghiệp tích cực hưởng ứng lời kêu gọi đó nhất. Với hơn 10 năm dấn thân vào lĩnh vực ‘vật liệu sinh học’, Faslink đã đạt được những thành tựu đáng kể và là nhà tiên phong ở lĩnh vực này tại Việt Nam.
Họ là doanh nghiệp đầu tiên ra mắt thị trường nguyên liệu làm áo sơ mi từ tre cách đây 12 năm, năm 2016 có vải sơ mi làm từ bã cà phê, 2018 giới thiệu thương mại nguyên liệu vải sợi sen cung cấp Ion âm và collagen, 2019 có nguyên liệu làm áo polo từ cà phê khử mùi cơ thể và ra mắt sợi làm từ bạc hà, 2020 sản xuất vớ cà phê, 2021 thêm vải thun làm polo và underwear từ sen….
"Trong tất cả, sợi bạc hà và sợi sen là những sản phẩm mới nhất của Faslink và cả thị trường Việt Nam. Sợi bạc hà chỉ được thương mại hóa từ năm 2019, đã được thương hiệu OWEN sử dụng trong bộ sưu tập Thu Đông 2021 và sắp tới sẽ có phiên bản cho áo polo và các ứng dụng khác.
Sợi sen có những ưu điểm rất tuyệt vời như hiệu suất hút ẩm cao, loại bỏ độ ẩm dư thừa trong không khí, giữ cơ thể khô ráo. Sợi sen mang đến trải nghiệm mặc êm ái và thoải mái. Ngoài ra, các tính năng của axit amin và các ion oxy âm do protein thực vật cung cấp có ý nghĩa lớn trong việc cải thiện khả năng miễn dịch của con người.
Tuy nhiên, mỗi ngày, nếu làm theo cách dệt thủ công chỉ có thể sản xuất 120 gram sợi thành phẩm bằng tay và chỉ 50 mét vải sản xuất quần áo mỗi tháng, số lượng rất hạn chế", Tổng Giám Đốc Faslink - bà Trần Hoàng Phú Xuân cho hay.
Hiện tại, các sản phẩm sợi thiên nhiên như vỏ hàu, cà phê, sợi tre, sợi bạc hà chiếm 70% tỷ trọng trong tổng sản lượng của Faslink. Trước đây, mỗi năm Faslink tăng trưởng từ 15% – 30%; nhưng trong 3 năm trở lại đây, do nhu cầu tiêu dùng xanh ngày càng nhiều, nên tốc độ tăng trưởng nhanh hơn.
Theo đó, Faslink cung ứng nguyên liệu thành phẩm cho các thương hiệu nội địa khoảng 8 triệu mét trong năm 2021. Vì lý do bảo mật, nên doanh nghiệp này không tiện nêu rõ khách hàng của mình là ai, song người tiêu dùng Việt Nam có thể mua sản phẩm ‘sợi xanh’ tại các thương hiệu như OWEN, BELLUNI, IVY, YODY, ARISTINO, ROUTINE, GUMAC, REAL Clothes, YAME (Cafe/Bạc Hà/Sen/Nano)…
"Trong vòng 4 năm qua, nhu cầu về tiêu dùng của sản phẩm thời trang bền vững (sustainable fashion) trong thị trường nội địa rõ nét hơn, vì chúng tôi ngày càng nhận nhiều yêu cầu cung ứng vật tư từ các thương hiệu lớn nhỏ khác nhau.
Bên cạnh đó, các thương hiệu thời trang toàn cầu (global brands) cũng ngày càng cam kết mạnh mẽ hơn trong chiến lược phát triển bền vững trên diện rộng. Cụ thể hơn, thời trang bền vững ngày càng được thúc đẩy bởi người tiêu dùng và trong luật định ở các nước – đặc biệt tại Châu Âu.
Sợi từ thiên nhiên là một phần nhỏ của chuỗi cung ứng thời trang bền vững. Nguyên liệu thô thiên nhiên để có thể trở thành nguồn cung chất lượng và có tính ứng dụng cao phải cần có công nghệ và liên kết chuỗi thật vững mạnh. Việt Nam là nơi có nguồn nguyên liệu thô dồi dào và mong rằng sắp đến chúng ta sẽ sở hữu nhiều hơn nữa những sợi tự nhiên có giá trị cao", Tổng Giám Đốc Faslink bày tỏ.
Tổng Giám Đốc Faslink - bà Trần Hoàng Phú Xuân
Faslink hướng tới mục tiêu trở thành công ty chuyên cung ứng các giải pháp nguyên phụ liệu, đồng phục và gói dịch vụ FOB/ODM hàng đầu Việt Nam và trong khu vực – với 2 nhà xưởng rộng gần 4.000m2 và 2 đối tác lớn có tổng 2.000 nhân công.
Faslink cũng đang nổi lên như 1 doanh nghiệp cung cấp đồng phục cao cấp hàng đầu Việt Nam, với các khách hàng tiêu biểu như MobiFone, VNPost, Vietravel, TTC Group, Ngân hàng Shinhan, Nhà máy bia Heineken. Ngoài ra, họ còn bán lẻ các sản phẩm thời trang cơ bản như áo polo, sơ mi, quần tây, đồ vest…Ví dụ: áo thun nam với 65% poly – 35% sợi cà phê có giá 363.000 đồng.
BÃ CÀ PHÊ – NGUYÊN LIỆU GỐC ĐỂ LÀM ‘THỜI TRANG SINH HỌC’ SỐ 1 TẠI VIỆT NAM
Việt Nam chính là xứ sở của cà phê, không chỉ là đất nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, mà người dân nơi đây còn rất ưa chuộng thức uống này. Vậy nên, bã cà phê sẽ là lựa chọn đầu tiên của các doanh nghiệp/doanh nhân Việt khi dấn thân vào ‘thời trang xanh’. Ngoài Faslink, chúng ta có thể kể đến NTK Uyen Tran với thương hiệu Tômtex và Veritas.
Năm 2021, Nhà thiết kế người Việt Uyên Tran, đã phát triển một loại chất liệu có khả năng phân huỷ sinh học mang tên gọi Tômtex, có tính chất tương tự như da động vật được làm từ vỏ hải sản kết hợp bã cà phê. Uyen Tran từng chiến thắng của giải thưởng Sáng tạo CFDA’s Design Scholar K11, sinh viên thời trang trường Parsons School of Design, đồng thời vừa lọt vào danh sách Forbes Under 30 của Vietnam trong năm 2022.
Loại chất liệu sinh học này có thể tạo nên nhiều kiểu hoa văn trên bề mặt có thể dùng thay thế cho da động vật trong ngành công nghiệp thời trang. Bởi vì được làm từ vỏ của các loại hải sản, trong đó có tôm, cái tên Tômtex được ra đời.
Nhà thiết kế Uyen Tran chia sẻ: "Tôi sinh ra tại thành phố Đà Nẵng, nơi chủ yếu sản xuất hàng dệt may từ da. Da được sử dụng trong rất nhiều ứng dụng trong các ngành công nghiệp khác nhau nhưng mọi người trên thế giới đang phải chịu đựng sự ô nhiễm mà ngành công nghiệp này gây ra".
Tômtex có trụ sở tại New York, công ty đang làm việc với một nhà cung cấp tại Việt Nam, người thu gom các loại vỏ tôm, cua và tôm hùm phế thải cùng với vảy cá, để chiết xuất ra một chất tạo màng sinh học gọi là chitin.
NTK Uyen Tran và sản phẩm của Tômtex. Ảnh: FB nhân vật.
Chất này được tìm thấy trong vỏ ngoài của côn trùng và động vật giáp xác, khiến chúng vừa cứng vừa dẻo. Sau đó chitin sẽ kết hợp với cà phê phế thải được thu gom từ các quán cà phê địa phương. Hỗn hợp này được nhuộm bằng cách sử dụng các màu tự nhiên từ than, cà phê hay đất đỏ, để tạo ra nhiều lựa chọn màu sắc khác nhau.
Một startup cũng đi theo hướng ‘thời trang xanh’ là Veritas. Năm 2018, Lê Thanh – Founder kiêm CEO startup Veritas đã mang mô hình đóng giày Tây ứng dụng công nghệ tên ShoeX, lên gọi vốn trên chương trình Shark Tank. Kết quả: Shark Linh và Shark Hưng cam kết đầu tư 4 tỷ đồng cho 36% cổ phần.
Sau khi rời chương trình, từ những nhận xét và lời khuyên của các Shark, Lê Thanh đã chuyển đổi mô hình, từ tập trung sản xuất giày Tây sang sản xuất giày sneaker làm từ bã cà phê.
"Thật ra, công nghệ sản xuất sợi vải từ bã cà phê có từ những năm 2013, chứ không hề mới. Chỉ là, chúng tôi đã nghiên cứu và phát triển thêm việc làm đế giày từ bã cà phê cùng nhựa tái chế, để có một đôi sneaker hoàn chỉnh làm từ bã cà phê.
Ngoài ra, chúng tôi chọn bã cà phê làm vật liệu sản xuất giày sneaker vì Việt Nam chính là một trong những thủ phủ cà phê của thế giới", Lê Thanh cho hay trong ngày ra mắt ở năm 2019.
Còn theo lời kể của ông Alex Chang – Giám đốc phát triển thị trường của Công ty Chin Li, đối tác gia công đế giày cho ShoeX, thì để sản xuất một cặp đế giày cần 12 cốc nhựa tái chế và 150gram bã cà phê.
Với sự hợp tác giữa ShoeX và Chin Li, sau thời gian nghiên cứu, Chin Li đã có thể sản xuất đế giày từ bã cà phê và nhựa tái chế cho mẫu sneaker ShoeX, còn phần thân phía trên vẫn phải nhập vải sợi làm bằng bã cà phê của Starbuck từ Đài Loan - bởi Việt Nam vẫn chưa sản xuất được. Tỷ lệ bã cà phê so với các vật liệu tái chế khác trong đôi sneaker của ShoeX chiếm khoảng 20%.
ShoeX - sneaker làm từ bã cà phê.
Ngoài tính khử mùi, kháng khuẩn, chặn tia UV, nhanh khô và không thấm nước; vì là ‘con lai’ giữa sneaker và giày Tây, dòng sản phẩm mới của ShoeX đa năng hơn các dòng giày Tây truyền thống hoặc sneaker hiện đại như Nike hoặc Adidas. Veritas tin rằng, chất lượng - thiết kế của dòng sản phẩm mới có thể cạnh tranh với các ông lớn như Nike, Adidas
Với nền tảng có sẵn, năm 2020, Veritas thành công sản xuất được khẩu trang làm từ sợi dệt cà phê để chống Covid-19.
Sản phẩm mới nhất và vừa ra mắt của Veritas vào 11/2021, chính là nhựa sinh học cà phê hợp tác cùng trường Đại học Bách Khoa TP.HCM. Veritas cho rằng, mình là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu và sản xuất thành công nhựa sinh học từ bã cà phê.
Cô Mai Hương - Trưởng Khoa Thiết kế thời trang trường Đại học Bách Khoa TP.HCM tổng kết: "Hiện nay, tại trường chúng tôi, nhóm các bạn sinh viên ngành nghiên cứu thời trang đã và đang nghiên cứu phát triển các loại vải, sợi, từ thiên nhiên. Những sự nghiên cứu này đã gặt hái được nhiều thành công, các bạn sinh viên đã phát hiện ra phương pháp tái sử dụng vỏ dừa để làm ra sợi vải…
Dù thế, những kết quả nghiên cứu này chưa thực sự được thương mại hoá để áp dụng vào sản xuất.
Thực tế tại Việt Nam cho thấy: Ngành nghiên cứu và phát triển ‘nguyên liệu xanh’ còn vất vả và chưa được đầu tư nhiều. Đây cũng là khâu yếu của ngành dệt may Việt Nam, vì hiện tại chúng ta đang phải nhập hàng khá nhiều từ các nước ngoài, nhưng khi đưa vào sử dụng thì chưa thực sự am hiểu về tính năng sản phẩm.
Tuy nhiên, thời gian gần đây cũng đã có nhiều sự thay đổi, nhờ vào hành động của các anh chị đi trước, doanh nghiệp và các bạn sinh viên".
Quỳnh NhưCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.