Doanh số bán xe Honda, Toyota, Ford Vietnam giảm sâu, thổi bay hơn 800 tỷ lợi nhuận quý 3 của VEAM
Phần lãi từ các liên doanh Honda, Toyota, Ford Vietnam giảm 717 tỷ đồng là nguyên nhân chính kéo tụt lợi nhuận của VEAM.
Tổng công ty Máy Động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (mã VEA- UpCoM) vừa công bố báo cáo tài chính doanh nghiệp quý 3/2021.
Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng của VEAM trong quý 3 đạt 793 tỷ đồng, giảm 116 tỷ đồng tương ứng 13% so với cùng kỳ. Trong khi đó giá vốn bán hàng chỉ giảm nhẹ 9% còn 725 tỷ đồng. Do đó lợi nhuận gộp của VEAM giảm mạnh xuống chỉ còn 67 tỷ đồng, tương ứng "bốc hơi" 37%.
Đặc biệt, doanh thu tài chính của VEAM đạt 165 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ 2020. Phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết (Honda Vietnam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam) cũng giảm hơn 52%, chỉ còn 655 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đạt mức 1.372 tỷ đồng.
Chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng giảm lần lượt 9% và 22% cũng không thể cứu vãn được đà sụt giảm lợi nhuận của VEAM trong quý 3.
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của VEAM giảm 52% xuống còn 750 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi tới 1.575 tỷ.
Luỹ kế 9 tháng năm 2021, doanh thu của VEAM đạt 2.840 tỷ đồng, vẫn tăng 6,4% so với cùng kỳ. Phần lãi trong công ty liên kết đạt 3.468 tỷ, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Do đó, lợi nhuận sau thuế của VEAM vẫn tăng nhẹ hơn 50 tỷ lên mức 3.905 tỷ đồng.
Theo giải trình từ ban lãnh đạo doanh nghiệp lên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 3/2021 của VEAM giảm tới 52% so với cùng kỳ năm trước tương ứng 826 tỷ đồng chủ yếu do lợi nhuận sau thuế theo tỷ lệ sở hữu của VEAM tại công ty liên doanh, liên kết giảm mạnh tương ứng 51% tức 717 tỷ đồng.
Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 9 tháng đầu năm cũng giảm 21% tương ứng 1.565 tỷ đồng được ban lãnh đạo VEAM giải thích do doanh thu hoạt động tài chính giảm 21% tương ứng 1.627 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Tại thời điểm 30/9/2021, VEAM có tổng tài sản 23.615 tỷ đồng, giảm gần 3.618 tỷ đồng so với hồi đầu năm, trong đó nợ phải trả là 1.784 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn với 1.724 tỷ đồng, nợ dài hạn chỉ 60 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của VEAM giảm còn 21.830 tỷ đồng. Đặc biệt, VEAM vẫn còn 8.513 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế luỹ kế chưa phân phối. Các khoản tiền, tương đương tiền của VEAM vẫn ở mức cao với 17. 542 tỷ đồng. Đầu tư tài chính ngắn hạn là 12.200 tỷ đồng.
Đầu tư tài chính ngắn hạn của VEAM chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn, trong đó 4.763 tỷ được gửi tại Agribank, 2.728 tỷ được gửi tại Vietinbank, 2.064 tỷ gửi ở các nhà băng khác.
VEAM là tổng công ty máy trực thuộc Bộ Công thương với cổ phần chi phối chiếm 88,47%. Hoạt động kinh doanh chính của VEAM khá mờ nhạt, giá trị của VEAM là ở những khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết.
Hiện VEAM đang sở hữu 30% vốn của các liên doanh Honda Vietnam, 20% vốn của Toyota Vietnam, 25% Ford Vietnam,… Đây là ba công ty liên kết chính đem lại hàng nhìn tỷ lợi nhuận trong những năm qua. Với sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình kinh doanh xe sụt giảm dẫn đến khoản lợi nhuận được chia từ các liên doanh này của VEAM giảm mạnh trong quý 3.
Theo Toyota Vietnam, doanh số bán hàng trong tháng 9/2021 đạt 3.022 xe (bao gồm xe Lexus), giảm 53% do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, doanh số xe lắp ráp trong nước của Toyota đạt 1.002 xe, chiếm 33% doanh số Toyota Việt Nam. Doanh số các mẫu xe nhập khẩu đạt 1.940 xe. Trước đó, trong tháng 8, doanh số bán xe của hãng này cũng giảm 47%.
Chiếm tới 80% thị phần xe máy tại Việt Nam, Honda Vietnam có doanh số tháng 9 không mấy tốt đẹp khi chỉ bán ra 99.652 xe, giảm tới 41,4% so với cùng kỳ. Trong tháng 8, Honda Vietnam cũng cho biết, do giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nên doanh số bán xe máy và ô tô của công ty đã giảm lần lượt 14,5% và 43,9% so với cùng kỳ.
Còn về phía Ford Vietnam, cập nhật tháng 8/2021, doanh số giảm tới 70% còn 447 xe so với tháng trước. Ford Vietnam có sự sụt giảm về doanh số lớn nhất so với các thương hiệu khác.
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra - C03 (Bộ Công an) đã ban hành kết luận điều tra bổ sung lần hai vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Công ty Cổ phần Thương mại vận tải VEAM (VETRANCO) và một số doanh nghiệp liên quan.
Tại bản kết luận điều tra bổ sung lần một (ngày 22/7/2021), Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đề nghị truy tố 7 bị can. Tại bản kết luận điều tra bổ sung lần hai (ngày 4/10/2021), C03 đề nghị truy tố 17 bị can.
Tại bản kết luận điều tra bổ sung lần hai, C03 đã chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, giữ nguyên quan điểm đề nghị truy tố các bị can: Trần Ngọc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng Giám đốc VEAM); Lâm Chí Quang (nguyên Tổng Giám đốc VEAM); Vũ Quang Tâm và Vũ Từ Công (đều là nguyên Phó Tổng Giám đốc VEAM; Nguyễn Mạnh Chung (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Máy kéo nông nghiệp);…
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/11, VEA giảm giá 1,8% còn 42.900 đồng/cổ phiếu. Vốn hoá VEA đạt gần 58.000 tỷ đồng.
Diễn biến cổ phiếu VEA 1 năm gần đây
Mỗi ngày, chúng ta thải ra hàng chục nghìn tấn rác thải sinh hoạt, trong đó rác thải đô thị chiếm khoảng 60%. Ngoại trừ các loại rác không thể tái chế chiếm số lượng nhỏ, phần lớn còn lại vẫn chưa thực sự được khai thác triệt để và tận dụng hết giá trị. Có thể nói, chúng ta vẫn còn đang lãng phí nguồn tài nguyên rác thải này.