Doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng năm 2021 tăng 6,2%
Mặc dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng hoạt động thương mại và dịch vụ của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung quý 2/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.177,6 nghìn tỷ đồng, giảm 8,4% so với quý trước, nhưng tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 956,8 nghìn tỷ đồng, giảm 7% so với quý trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 101,1 nghìn tỷ đồng, giảm 17,8% và giảm 1,4%. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,4 nghìn tỷ đồng, giảm 55,4% và giảm 5,7%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 118,3 nghìn tỷ đồng, giảm 10,1% và tăng 4,2%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.463,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 3,55% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,77%).
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đạt 1.985,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,6% tổng mức và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 7,8%; phương tiện đi lại tăng 6,4%; may mặc tăng 5,5%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 3,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 0,2%.
Một số địa phương có mức doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước như: Đà Nẵng tăng 7,4%; Cần Thơ tăng 6,9%; Hải Phòng tăng 5,9%; Hà Nội tăng 2,1%; TP.HCM tăng 1,7%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng đầu năm nay ước tính đạt 224 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,1% tổng mức và giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 20,3%) do các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống đã phải thực hiện giãn cách xã hội khi dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại.
Tuy nhiên tại một số địa phương điển hình như Hải Phòng vẫn có doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng đầu năm tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước; Cần Thơ tăng 2,5%; Đà Nẵng tăng 1,3%. Riêng tại Hà Nội giảm 2,3% so với cùng kỳ; TP.HCM giảm 3,3%; Bắc Ninh giảm 4,2%; Quảng Ninh giảm 5,5%.
Doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng ước tính đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng mức và giảm 51,8% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam chưa mở cửa du lịch quốc tế để khống chế dịch COVID-19, đồng thời một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên du lịch nội địa kém sôi động. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước là: Bắc Ninh giảm 61,8%; TP.HCM giảm 53,6%; Hải Phòng giảm 46,5%; Hà Nội giảm 44,3%; Đà Nẵng giảm 43,5%; Quảng Ninh giảm 36,6%; Cần Thơ giảm 20,3%.
Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm vẫn đang rất mong manh khi thời điểm hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở trong nước. Vì vậy, thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực rất cao trong việc thực hiện nghiêm các giải pháp vừa phòng, chống dịch vừa thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đạt được các mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Huyền My (T/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.