Doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2020 tăng 6,8%

Thị trường
11:34 AM 31/12/2020

Mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng hoạt động thương mại và dịch vụ của Việt Nam năm 2020 vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 6,8% so với năm trước.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2020 tăng 6,8% - Ảnh 1.

Hoạt động bán lẻ hàng hóa vẫn có những tín hiệu đáng mừng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 ước tính đạt 5.059,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 1,2% (năm 2019 tăng 9,5%), trong đó quý IV/2020 ước tính đạt 1.378,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,4% so với quý trước và tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. 

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 3.996,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 79% tổng mức và tăng 6,8% so với năm trước. Trong đó, ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 10.7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 7.5%; may mặc tăng 3%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 0.6%.

Theo Bộ Công Thương, do các siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, không có biến động về giá. Đồng thời thị trường bán lẻ Việt Nam đang thay đổi dần hành vi tiêu dùng từ kênh bán hàng truyền thống và hiện đại sang kênh bán hàng trực tuyến. Đây là thị trường được đánh giá có nhiều tiềm năng, giàu sức phát triển, thậm chí thúc đẩy nhanh hơn phương thức kinh doanh số.

Tuy nhiên, khó khăn phía trước vẫn còn rất lớn. Sau giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, du lịch nội địa đã mở cửa trở lại nhưng vẫn chưa thực sự sôi động khiến doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống lại có xu hướng giảm, chỉ đạt 510,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% và giảm 13% so với năm trước. 

Bên cạnh đó, việc dừng cấp thị thực cho người nước ngoài làm cho lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2020 chỉ đạt 3,8 triệu lượt người, giảm 78,7% so với năm trước, trong đó hơn 96% là khách quốc tế đến trong quý I/2020. Doanh thu du lịch lữ hành sụt giảm nghiêm trọng, đạt 17,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,3% và giảm 59,5% so với năm trước. Doanh thu dịch vụ khác đạt 534,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,6% và giảm 4% so với năm trước.

Như vậy, xét về tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng thì bán lẻ hàng hóa là chỉ số tăng duy nhất trong các yếu tố của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Kết quả này cho thấy bán lẻ hàng hóa tiếp tục là một trong những động lực quan trọng, không chỉ góp phần cho tăng trưởng thị trường nội địa, mà còn đóng góp quan trọng cho tăng trưởng GDP cả nước trong thời gian cực kỳ khó khăn này.

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, biện pháp cụ thể để kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước hiệu quả, bền vững. Đặc biệt sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh mới cho phù hợp với đặc điểm tình hình mới.

Huyền My
Ý kiến của bạn