Doanh thu dịch vụ, tiêu dùng tháng 4 tăng mạnh

Đầu tư và Tiếp thị
10:13 AM 06/05/2021

Theo Bộ Công thương, trong tháng 4 do dịch COVID-19 được kiểm soát tốt nên hoạt động thương mại và dịch vụ của Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 22,21% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ riêng trong tháng 4/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 409,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 30,92% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 324,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,91% so với tháng trước và tăng 22,21% so với cùng kỳ năm trước. 

Doanh thu dịch vụ, tiêu dùng tháng 4 tăng mạnh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tương tự, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 41,5 nghìn tỷ đồng, so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước tăng 5,8% và tăng 92,34%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 900 tỷ đồng, tăng 9,6% và gấp 17,5 lần; doanh thu dịch vụ khác đạt 42,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,85% và tăng 65,98%. 

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.695,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,02% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 2,8%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng ước tính đạt 1.352,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,8% tổng mức và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 tăng 1,3%). Trong đó, nhóm hàng may mặc tăng 11,8%; lương thực, thực phẩm tăng 11,5%; phương tiện đi lại tăng 11,1%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 9,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,2%. Một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước: Vĩnh Phúc tăng 24%; Hà Tĩnh tăng 17%; Hải Phòng tăng 9,5%; Hà Nội và Cần Thơ cùng tăng 8,4%; Đà Nẵng tăng 8%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,3%. 

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 4 tháng đầu năm ước tính đạt 164,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,7% tổng mức và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 20,3%) do các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống đã hoạt động trở lại khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt và nhu cầu dịch vụ lưu trú, ăn uống của người dân tăng trở lại. Vì vậy, ở một số địa phương có doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 4 tháng đầu năm tăng: Cần Thơ tăng 45,4%; Thanh Hóa tăng 44,4%; Hải Phòng tăng 26,8%; Đà Nẵng tăng 26,7%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 26,3%; Khánh Hòa tăng 13,5%; Quảng Ninh tăng 6,7%. 

Trong khi đó, doanh thu du lịch lữ hành 4 tháng đầu năm lại giảm mạnh, ước đạt 3,98 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,23% tổng mức và giảm 49,2% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế, đồng thời người dân vẫn lo lắng về dịch bệnh nên hạn chế đi du lịch. Tuy nhiên vẫn có một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 4 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước: Thanh Hóa tăng 34,1%; Kiên Giang tăng 33%; Hải Phòng tăng 15%; Cần Thơ tăng 14,8%. Trong đó, một số thành phố lớn giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước: Hà Nội giảm 8,7%; Đà Nẵng giảm 45%; Hồ Chí Minh giảm 46%.

Trao đổi với các cơ quan báo chí, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh: Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng hoạt động thương mại 4 tháng đầu năm đã phản ánh quá trình phục hồi đang diễn ra trong nền kinh tế, tuy nhiên chưa đồng đều trong các lĩnh vực. Đặc biệt, sự phục hồi vẫn đang rất mong manh khi thời điểm hiện nay, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở các nước láng giềng cũng như ở trong nước. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực rất cao trong việc thực hiện nghiêm các giải pháp vừa phòng, chống dịch vừa thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đạt được các mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Huyền Thương (Tổng hợp)
Ý kiến của bạn