Doanh thu phí bảo hiểm 9 tháng giảm 6,9% so với cùng kỳ

Kinh doanh
09:11 AM 30/09/2023

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2023 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường quý III và 9 tháng năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm quý III/2023 ước đạt 52.900 tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu đạt 165.600 tỷ đồng, giảm 6,9%. Trong đó: Doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 52,2 nghìn tỷ đồng (tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022); lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 113,4 nghìn tỷ đồng (giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2022).

Doanh thu phí bảo hiểm 9 tháng giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Doanh thu phí bảo hiểm được công bố định kỳ hàng quý, lần đầu trong báo cáo của Tổng cục Thống kê là vào năm 2016. Từ đó đến hết năm ngoái, chỉ tiêu này luôn tăng trưởng 2 chữ số, ở mức 17-22%. Tuy nhiên, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường giảm lần đầu tiên vào quý II vừa rồi đến hết quý III vẫn chưa phục hồi.

Cụ thể, quý đầu năm, chỉ tiêu này vẫn tăng trưởng 6,8% nhưng đến quý II quay đầu giảm 3,1% và quý III giảm 10,4% như công bố mới nhất.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/9, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8%. Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính từ đầu năm đạt 5,73%, trong khi cùng thời điểm này năm trước đạt 10,54%, cho thấy Ngân hàng Nhà nước thừa tiền nhưng việc người dân, doanh nghiệp hấp thụ nguồn vốn vẫn yếu.

Mặc dù doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ giảm, nhưng theo Tổng cục Thống kê, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đang có xu hướng tăng do các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang rất nỗ lực ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh, cũng như đẩy mạnh hợp tác với các đối tác tiềm năng nhằm mở rộng thị trường, giúp tối ưu hóa quy trình kinh doanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng...

Thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung chứng kiến sự suy giảm đáng kể sau những lùm xùm xảy ra hồi đầu năm liên quan đến kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance).

Năm ngoái, Bộ Tài chính đã thanh tra, kiểm tra tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm, gồm BIDV Metlife, Sun Life, MB Ageas và Prudential. Các doanh nghiệp này mắc sai phạm chủ yếu là bán chéo bảo hiểm qua kênh ngân hàng, nhất là khâu tư vấn của giao dịch viên, nhân viên môi giới.

Ngành bảo hiểm nhân thọ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng niềm tin chưa từng có do một loạt bê bối. Niềm tin của người dân vào bảo hiểm nhân thọ đi xuống, ảnh hưởng tới doanh thu phí bảo hiểm - hoạt động kinh doanh cốt lõi của các công ty.

Các doanh nghiệp này đã phải dựa vào những mảng kinh doanh khác như tài chính và tối ưu hóa chi phí để đảm bảo lợi nhuận.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.