Doanh thu phí bảo hiểm sụt giảm mạnh
Sau khi ghi nhận tốc độ tăng trưởng hai con số trong khoảng 10 năm trở lại đây, năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm đã sụt giảm 8,1%.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ đã chững lại vào năm 2023 sau khủng hoảng niềm tin và việc các cơ quan chức năng ra tay chấn chỉnh lĩnh vực này.
Trong khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn tiếp tục ghi nhận kết quả ổn định, với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước.
Theo ước tính từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), trong năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 227.596 tỷ đồng. IAV không cung cấp con số cụ thể về doanh thu phí bảo hiểm của năm 2022 để làm mốc so sánh.
Tuy nhiên, khi so sánh với kết quả thống kê của Bộ Tài chính cho năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm đã sụt giảm 8,1%. Mức sụt giảm này chủ yếu đến từ sự yếu kém của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ sau cuộc khủng hoảng niềm tin hồi đầu năm.
Còn theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm, có thể thấy tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành đã giảm 6,9% so với cùng kỳ, xuống còn 165.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 52.200 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Doanh thu của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đạt 113.400 tỷ đồng, giảm 10,7%.
Sự sa sút của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ cũng có thể được nhìn thấy qua thu nhập từ hoạt động bán chéo bảo hiểm của ngân hàng (bancassurance). Trong nhiều năm gần đây, bancassurance từng là động lực tăng trưởng chính của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Từ chỗ chỉ chiếm 5% doanh số bảo hiểm vào năm 2016, sang đến 2022, 46% bảo hiểm khai thác mới đã đến từ ngân hàng, theo số liệu của IAV.
Tuy nhiên, bước sang năm 2023, mảng kinh doanh này đã sa sút. Theo báo cáo tài chính từ 8 ngân hàng có công bố chi tiết về khoản mục thu nhập từ hoạt động bảo hiểm, trong 9 tháng đầu năm, các nhà băng này đã kiếm tổng cộng 9.409 tỷ đồng từ việc bán chéo bảo hiểm, giảm 26,1% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngân hàng như SeABank còn chứng kiến mức sụt giảm gần 80%.
Các cơ quan chức năng đã vào cuộc để xử lý và chấn chỉnh thị trường bảo hiểm nhân thọ. Dự kiến đến hết năm 2023, Bộ Tài chính sẽ thanh tra xong 14 doanh nghiệp bảo hiểm. Quá trình thanh tra đã chỉ ra một loạt sai phạm, từ hoạt động tư vấn cho tới tính toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
Mới đây, Bộ Tài chính có Thông tư 67 cấm ngân hàng chào bán bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước và sau 60 ngày giải ngân khoản vay. Thông tư 67 cũng yêu cầu phải ghi âm quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm phải cung cấp tài liệu tóm tắt về sản phẩm, hỗ trợ bên mua hiểu thông tin trong hợp đồng.
Sau quy định mới của Bộ Tài chính, các chuyên gia dự báo kênh bảo hiểm sẽ không tăng trưởng trong ngắn hạn và cần nhiều thời gian để thị trường có thể điều chỉnh thói quen, định hướng cho khách hàng.
Minh An (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.