Doanh thu toàn ngành KH&CN ước đạt hơn 2,4 triệu tỷ đồng
Trong 6 tháng đầu năm 2025, doanh thu toàn ngành KH&CN ước đạt hơn 2,4 triệu tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2024 và ước đạt 53% kế hoạch năm 2025. Đây là con số ước tính của các lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông, Công nghiệp ICT.
Ngày 14/7, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị sơ kết kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2025 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, 6 tháng đầu năm 2025, doanh thu lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghiệp công nghệ thông tin ước đạt 2.400.035 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2024 và ước đạt 53% kế hoạch năm 2025.
Ba lĩnh vực trên nộp ngân sách nhà nước ước đạt 54.317 tỷ đồng, tăng 10%, đạt 53% kế hoạch. Ước tính, đóng góp vào GDP của ngành Khoa học và Công nghệ là 537.769 tỷ đồng, tăng 15%, đạt 52% kế hoạch. Tổng số lao động toàn ngành tính đến tháng 6/2025 ước khoảng 1.673.916 người, tăng 4%.

Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: Bộ Khoa học và Công nghệ.
Doanh thu công nghiệp công nghệ số đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 21%. Lợi nhuận đạt 158.326 tỷ đồng, tăng gần 20%; nộp ngân sách nhà nước đạt 30.773 tỷ đồng, tăng gần 23%. Lĩnh vực Công nghiệp công nghệ số đóng góp vào GDP đạt 479.836 tỷ đồng, tăng 21%. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử đạt 81 tỷ USD, tăng 27%. Tổng số doanh nghiệp công nghệ số là 75.169 đơn vị.
Lĩnh vực bưu chính, doanh thu dịch vụ ước đạt 38.300 tỷ đồng, tăng 12,8%, đạt 46,9% kế hoạch. Lợi nhuận dịch vụ bưu chính ước đạt 950 tỷ đồng, tăng 20%; nộp ngân sách lĩnh vực bưu chính ước đạt 2.950 tỷ đồng, tăng 14,3%. Hiện cả nước có 745 tổ chức, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực bưu chính, tăng 1%.
Tổng sản lượng bưu gửi ước đạt 1.800 triệu, tăng 16%; trong đó, tổng sản lượng bưu gửi phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước ước đạt 2 triệu.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng băng tần 713-723 MHz và 768-778 MHz (khối băng tần B2-B2’); cả nước có 41 trung tâm dữ liệu trên toàn quốc. Doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 70.422 tỷ đồng, tăng 1,2%.
Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 85,1 %, tăng 3,09%; tỷ lệ người sử dụng internet ước đạt 84,15%, tăng 7,75%. Số thuê bao băng rộng cố định ước đạt 24,4 triệu, tăng 2,74%; thuê bao băng rộng di động ước đạt 104,7 triệu, tăng 13,37%. Thuê bao sử dụng điện thoại thông minh ước đạt 105,1 triệu, tăng 4,35%.
Tốc độ băng rộng cố định tháng 4/2025 đạt 176,68 Mbps, tăng 46,8% so với cùng kỳ năm 2024 (120,32Mbps). Tốc độ truy nhập internet băng rộng di động tháng 4-2025 đạt 136,21Mbps, tăng 167,7% (50,88 Mbps). Tốc độ Internet di động tại Việt Nam lọt top 20 thế giới, tăng 37 bậc về tốc độ tải xuống internet di động.
Về đổi mới sáng tạo, Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), đứng thứ 44/133 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 2 bậc so với năm 2023 và tiếp tục dẫn đầu nhóm các nước có thu nhập trung bình.
Sàn giao dịch công nghệ Việt Nam chính thức ra mắt ngày 1/7, nâng tổng số sàn công nghệ đang hoạt động trên toàn quốc lên 24. Hiện có 940 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, cùng khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tiếp tục mở rộng với 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm doanh nghiệp và 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh đang hoạt động.
Tại hội nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định nửa cuối năm 2025 là thời điểm bản lề, có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là trình Chính phủ xây dựng và sửa đổi các dự án luật quan trọng, bao gồm Luật Chuyển đổi số, Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi), Luật Công nghệ cao và Luật Chuyển giao công nghệ. Cùng với đó, Bộ sẽ trình Thủ tướng ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành đối với 5 luật mới được Quốc hội thông qua.
Đồng thời, Bộ sẽ triển khai Chương trình quốc gia phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược, với mục tiêu nâng cao năng lực công nghệ nền tảng và hỗ trợ các ngành công nghiệp chủ lực...
Huyền My (t/h)
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chương trình phòng, chống lãng phí đến năm 2035, đặt mục tiêu đẩy lùi lãng phí trong mọi lĩnh vực quản lý, sử dụng nguồn lực hiệu quả, khơi dậy sức dân và thúc đẩy sự phát triển bền vững.