Doanh thu từ bảo hiểm nhân thọ giảm 5,5%

Kinh doanh
10:57 AM 05/12/2024

Theo Bộ Tài chính, 11 tháng qua, doanh thu từ bảo hiểm nhân thọ đạt hơn 132.200 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Thông tin về diễn biến thị trường bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết đến 30/11, toàn thị trường có 85 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 32 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm (gồm nhân thọ và phi nhân thọ) 11 tháng đạt 200.109 tỷ đồng, tăng 6,63% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 71.905 tỷ đồng, tăng gần 13,02%. Còn doanh số bảo hiểm nhân thọ vẫn đi lùi sau cuộc khủng hoảng vào năm ngoái, khi giảm 5,5% sau 11 tháng, đạt 132.204 tỷ đồng.

Doanh thu từ bảo hiểm nhân thọ giảm 5,5%- Ảnh 1.

Doanh thu bảo hiểm nhân thọ vẫn giảm. Ảnh: Int

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, 11 tháng qua các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi khoảng 86.368 tỷ đồng, tăng 17,13% so với cùng kỳ năm ngoái. Số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 838.319 tỷ đồng, tăng 12,6%. Tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 986.586 tỷ đồng, tăng 9,7%.

Thực tế, gần 2 năm qua, ngành bảo hiểm nhân thọ đối diện với nhiều thay đổi. Luật Kinh doanh bảo hiểm (hiệu lực từ đầu 2023) và Thông tư 67 đưa ra chính sách chặt chẽ hơn, chú trọng bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Các ngân hàng bị cấm bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau giải ngân 60 ngày. Đồng thời, tư vấn viên phải ghi âm, ghi hình quá trình tư vấn. Các kỳ thi với sản phẩm liên kết đơn vị được tổ chức khắt khe, khiến tỷ lệ đỗ xuống thấp.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đang dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; trong đó đề xuất phạt từ 400-500 triệu đồng nếu các tổ chức tín dụng vi phạm quy định về gắn sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.

Có lẽ do lường đón được những khó khăn liên quan đến kênh bán chéo bảo hiểm (bancassurance) nên kể từ sau khủng hoảng niềm tin xảy ra trên thị trường bảo hiểm năm 2022 - 2023, thị trường ghi nhận các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tích cực rà soát, đào tạo, nâng cao chất lượng tư vấn viên bảo hiểm và đầu tư mạnh vào công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để giải quyết nhanh quá trình bồi thường nhằm lấy lại lòng tin của khách hàng.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn