Doanh thu vận tải đường sắt tăng hơn 38% trong nửa đầu năm 2022
Tốc độ tăng trưởng vận chuyển khách bằng đường sắt cao gấp 7 lần bình quân toàn ngành, cùng vận tải hàng hoá được duy trì, giúp doanh thu từ vận tải của Tổng Công ty Đường sắt tăng hơn 38%.
Thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng công ty và của khối vận tải dự kiến tăng trưởng khá; trong đó doanh thu khối vận tải tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, doanh thu toàn tổng công ty (hợp nhất) dự kiến thực hiện được hơn 3.279 tỷ đồng, bằng 105,2% cùng kỳ 2021.
Riêng Công ty mẹ VNR, doanh thu dự kiến đạt hơn 988 tỷ đồng, tăng khoảng 22,5% so với cùng kỳ năm 2021 (Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty mẹ chưa bao gồm thu từ cung cấp dịch vụ dịch vụ sự nghiệp công từ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia).
Doanh thu khối vận tải (thu trực tiếp từ hoạt động vận tải) dự kiến hơn 1.729 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 38% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng công ty Đường sắt cho hay khi dịch Covid-19 được kiểm soát, mở cửa du lịch trên toàn quốc, vận tải hành khách từng bước phục hồi. Nếu như sau đợt vận tải Tết Nguyên đán phải bãi bỏ hơn 200 đoàn tàu thì đến nay, sản lượng vận tải hành khách của các công ty vận tải tăng dần đều.
Đặc biệt, một số sản phẩm dịch vụ mới được các công ty vận tải đường sắt hợp tác với các công ty du lịch hoàn thiện và đưa vào khai thác, thu hút khách, tăng doanh thu.
Điển hình là tuyến Hà Nội - Hải Phòng với mô hình kết hợp food tour Hải Phòng bằng đường sắt đang thu hút lượng hành khách rất lớn. Cùng đó là các sản phẩm du lịch trọn gói tuyến Hà Nội - Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, cho thuê toa xe khách cộng đồng phục vụ vui chơi, tổ chức tiệc trên tàu...
Song song với thúc đẩy vận tải khách, vận tải hàng tiếp tục được duy trì. Tổ chức vận tải theo kế hoạch đối với các luồng hàng truyền thống, khối lượng lớn như Apatit, phân bón, than, gạo, muối… Ưu tiên tổ chức chạy tàu hàng chuyên tuyến, vận chuyển hàng liên vận quốc tế. Ngoài ra chạy thêm các đoàn tàu hàng thường và tàu liên khu đoạn để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa.
"Tuy sản lượng, doanh thu vận tải hành khách tăng trưởng so với cùng kỳ 2021 nhưng chưa khôi phục, chưa đạt được mức cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19).
Hơn nữa, giá nhiên liệu tăng cao gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt trong việc duy trì giá cước cạnh tranh với các phương tiện khác và cân đối chi phí sản xuất kinh doanh. Năng lực thông qua của tuyến Thống Nhất không đáp ứng được yêu cầu của vận tải", lãnh đạo VNR cho hay.
Vì vậy, để đạt được kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022, giảm lỗ, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã đề ra mục tiêu 6 tháng cuối năm toàn tổng công ty hợp cộng đạt doanh thu hơn 3.863 tỷ đồng, bằng 105,4% so với cùng kỳ. Như vậy, phấn đấu doanh thu hợp nhất dự kiến đạt trên 7.000 tỷ đồng.
Huyền My (T/h)Giá xăng đồng loạt tăng từ 15h hôm nay (16/1), sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.