Độc đáo làng nghề đúc đồng tại Long Điền - Vũng Tàu
Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có rất ít làng nghề truyền thống, nhưng hầu hết đều là làng nghề nổi tiếng, nhưng nhắc đến làng nghề đúc đồng ở Long Điền là một trong những địa điểm nổi tiếng về sản phẩm, hấp dẫn tham quan du lịch.
Du lịch làng nghề truyền thống là một loại hình du lịch văn hóa đang được các ban ngành đoàn thể chung tay xây dựng và phát triển, qua đó du khách được cảm nhận các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể có liên quan mật thiết đến một làng nghề cổ truyền của một quốc gia, dân tộc. Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có rất ít làng nghề truyền thống, nhưng hầu hết đều là làng nghề nổi tiếng, nhưng nhắc đến làng nghề đúc đồng ở Long Điền là một trong những địa điểm nổi tiếng về sản phẩm, hấp dẫn tham quan du lịch.
Hơn 300 năm trước, những người Việt trên hành trình mở đất về phương Nam đã dừng chân lại vùng đất Long Điền để an cư lạc nghiệp. Khi cư dân đông hơn, các nghề nông và thủ công nghiệp cũng dần dần hình thành và phát triển, trong đó có nghề đúc đồng. Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, người dân làng nghề đã tiếp nối, gìn giữ nghề đúc đồng.
Nằm ngay trên trục lộ 55 con đường nối liền Bà Rịa với TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Thuận, nên làng nghề đúc đồng Long Điền được rất nhiều du khách biết đến mỗi khi đến đây tham quan du lịch. Nói về chất lượng sản phẩm đồng đúc, tiếng tăm của làng nghề đã và đang nổi tiếng khắp khu vực này.
Qua nhiều thế hệ, nghề đúc đồng vẫn được duy trì lưu truyền lại, cộng thêm sự sáng tạo khéo léo, tinh tế của những người thợ tài hoa đã khiến cho sản phẩm đồng đúc của làng nghề vừa giữ được những nét đặc trưng truyền thống, vừa mang những nét sáng tạo phù hợp với thời đại mình đang sống. Những yếu tố ấy đã làm cho sản phẩm đồng đúc cứ thế vang xa, khắp nơi lựa chọn sử dụng, góp phần làm cho nghề đúc tiếp tục sống và tồn tại giữa những đổi thay của thời thế.
Để có được những sản phẩm chất lượng, phải kể đến người làm. Những nghệ nhân với đôi bàn tay khéo léo và kỹ thuật điêu luyện của mình. Nói đến những đức tính cần có cho nghề này, đúc đồng đòi hỏi người làm nghề phải hội đủ những yếu tố kiên trì, sáng tạo, nhanh nhẹn và tinh tế. Bởi đây là nghề rất khó, nghệ nhân phải chịu đựng trong những lò đun hàng nghìn độ để nung chảy đồng, sau đó rót đồng rồi lại khéo léo điêu khắc những hình tượng độc đáo, giàu ý nghĩa. Để đúc một sản phẩm đồng hoàn chỉnh là cả một quá trình lao động hết sức vất vả và công phu với nhiều giai đoạn khác nhau.
Qui trình đó gồm các bước chuẩn bị nguyên liệu, nhiên liệu, tạo lò đốt nguyên liệu, nồi nấu đồng, tạo khuôn đúc, đun nóng chảy đồng, rót đồng đổ vào khuôn đúc và hoàn chỉnh sản phẩm. Nồi đúc là chiếc chảo rộng lòng, rộng miệng, có thành và thân dày. Nồi nấu đồng làm bằng đất sét rây rất kỹ lọc không còn sạn sỏi được trộn với vỏ trấu sống, dùng đất làm nền khuôn nồi.
Đất bên trong nồi được xoa với muối ăn để bảo đảm sự bền vững của nồi khi nhiệt độ tăng và tiếp cận với nước đồng. Tuỳ theo khối lượng và hình dáng của vật đúc đồng mà người ta dùng khuôn khác nhau. Điều đáng quan tâm ở đây là kỹ thuật đất làm khuôn người ta dùng loại đất sét pha với đất thịt nhào luyện với trấu.
Khác với các loại khuôn đúc sản phẩm khác, nghề đúc đồng phải tạo ra hai khuôn đúc bằng chất liệu đất sét trắng, 1 khuôn ở bên trong và 1 khuôn bao bên ngoài. Người nghệ nhân thể hiện tài hoa và sự khéo léo của mình thể hiện hoa văn trên từng sản phẩm, chủ yếu trên lư hương và đại hồng chung. Tạo nên những quai chuông đặc sắc của đại hồng chung các nghệ nhân đã có sáng kiến nặn bằng sáp ong, khi đổ đồng vào khuôn đúc sáp ong nóng chảy và tan đi nhường chỗ cho đồng.
Những người thợ đã dùng sự tài hoa, khéo léo, tinh tế để tạo nên những sản phẩm đồng đẹp đẽ, tinh xảo như đồ thờ cúng hoặc các vật dụng thường ngày.
Đức DuyCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.