Độc đáo làng nghề thêu ren Quất Động

Địa phương
08:25 AM 30/10/2022

Làng thêu ren Quất Động (Thường Tín, Hà Nội), nằm cạnh quốc lộ 1A, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km về phía Nam. Dù làng nghề thêu tay Quất Động không phải là làng thêu duy nhất của Việt Nam, nhưng làng Quất Động thuộc loại làng thêu thủ công có lịch sử lâu đời, vang danh khắp vùng Kinh Bắc từ xưa đến nay.

Nghề thêu đã xuất hiện ở Quất Động từ lâu. Đến đời Vua Lê Thái Tông (1423-1442), quan thượng thư Lê Công Hành (tên thật là Bùi Công Hành) được vua cử làm người dẫn đầu đoàn sứ sang Trung Quốc. Trong thời gian này, ông đã học được cách làm lọng và nghề thêu truyền thống của Trung Quốc. Khi về nước, ông đem kiến thức học được dạy cho dân làng Quất Động và một số làng khác. Bắt đầu từ đây, nghề thêu ở Quất Động trở nên phổ biến và phát triển hơn, trở thành nghề của cả vùng. Lê Công Hành đã được dân trong vùng lập đền thờ, tôn làm ông tổ nghề thêu.

Độc đáo làng nghề thêu ren Quất Động - Ảnh 1.

Những mũi thêu tỉ mỉ.

Để tạo nên một tác phẩm thêu hoàn chỉnh, các nghệ nhân phải tiến hành rất nhiều công đoạn như: vẽ mẫu, căng nền, sang kiểu, chọn chỉ mầu rồi mới tiến hàng thêu. Công đoạn vẽ mẫu thêu trên vải rất khó, vì vậy nghệ nhân thêu gần như phải đồng thời là họa sỹ. Về kỹ thuật thêu tay truyền thống thì bao gồm 9 kỹ thuật cơ bản: nối đầu, lướt vặn, đâm sô, bó bạt, thêu bỏ, thêu bạt, sa hạt đơn – sa hạt kép, khoắn vảy đơn – khoắn vảy kép và chăng chặn. Công phu nhất là thêu các đường lượn, đường viền, các khối hình, thêu nổi gân lá, đài hoa, mắt phượng.... sao cho các đường chỉ đan vào nhau mịn màng, chân chỉ của từng chiếc lá, đài hoa luôn đều đặn. Đường chỉ càng mịn màng, chân chỉ càng lẩn bao nhiêu, sản phẩm càng có giá trị nghệ thuật thẩm mỹ bấy nhiêu. Muốn vậy, từ khi còn bé, người thợ phải học cách cầm kim, xỏ chỉ sao cho đúng; đâm mũi kim sao cho nhỏ chân; kéo chỉ vừa độ căng; chân chỉ phải bằng và mềm mượt; mầu sắc khi phối phải thật hài hòa.

Các nghệ nhân thêu làng Quất Động đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm đa dạng, từ các nhóm hàng truyền thống như: câu đối, nghi môn, lọng, cờ, trướng, khăn trải bàn, các loại trang phục sân khấu cổ truyền… đến những bức tranh thêu phong cảnh, thêu chân dung sáng tạo như: nhà sàn Bác Hồ, chùa Một Cột, chân dung Lê Nin… Đối với các bức tranh chân dung, ngoài yếu tố kỹ thuật, các nghệ nhân còn phải có tâm hồn nghệ sỹ, có hiểu biết về nghệ thuật hội họa và nhiếp ảnh để diễn tả thần thái của người trong bức tranh.

Độc đáo làng nghề thêu ren Quất Động - Ảnh 2.

Tranh thêu hai mặt.

Hiện nay, nghề thêu tranh Quất Động còn có bước đột phá mới với kỹ thuật tranh thêu hai mặt. Tranh thêu hai mặt được thể hiện trên chất liệu voan mỏng, dùng chỉ thêu bằng tơ tằm. Với kỹ thuật thêu mới này, để giữ được chân chỉ, các nghệ nhân phải hết sức tỷ mỷ, công phu nên thời gian hoàn tất tranh lâu gấp ba lần tranh thêu thông thường. Nhìn vào bức tranh thêu hai mặt, người xem không thể nhận ra đâu là điểm bắt đầu và đâu là điểm kết thúc bởi những chân chỉ được các nghệ nhân giấu vào chính giữa. Cũng vì lẽ đó mà khi xem tranh thêu hai mặt, người xem sẽ có cảm giác thư thái, tâm hồn như dịu lại.

Cùng với những biến động của lịch sử, nghề thêu Quất Động cũng có lúc thăng, lúc trầm. Những năm 90 của thế kỷ trước, nghề phát triển mạnh mẽ với rất nhiều xưởng thợ có từ 200- 500 người làm nghề. Sản phẩm chủ yếu xuất sang các nước Đông Âu. Khi đất nước bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, làng nghề giảm sút về số xưởng, số thợ. Tuy khó khăn về đầu ra cho sản phẩm nhưng nhiều người Quất Động vẫn dành tình yêu cho nghề, kiên quyết giữ nghề với những hy vọng tốt đẹp ở tương lai.

Độc đáo làng nghề thêu ren Quất Động - Ảnh 3.

Đa dạng các sản phẩm tranh thêu.

Tuy nhiên, tình yêu nghề của người Quất Động đã được đền đáp khi nghề dần được khôi phục, phát triển trở lại, khẳng định được uy tín trên thị trường, giúp cuộc sống của người dân thêm ổn định. Với người dân Quất Động, công việc thêu tranh đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống hàng ngày. Bên những khung thêu, người già, trẻ nhỏ cần mẫn làm nghề. Kế thừa và phát triển nghề truyền thống, Quất Động đã có nhiều nghệ nhân được cả nước biết tới như cụ Bùi Lê Kính (đã từng thêu hoàng phục cho vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương), Nghệ nhân Nhân dân Thái Văn Bôn, người duy nhất trong làng thêu được phong tặng danh hiệu này. Ông chính là tác giả bức tranh thêu nhà vua Thái Lan Phu Mi Bon A Đun Da Dệt, một tác phẩm nghệ thuật có giá trị lớn trong bộ sưu tầm của hoàng gia Thái Lan.

Cuộc sống ngày càng phát triển, giống như nhiều nghề khác, nghề thêu cũng được hiện đại hóa bởi những máy thêu công nghiệp. Thế nhưng, người làm nghề thêu tay Quất Động vẫn duy trì cách làm truyền thống của cha ông. Những sản phẩm tranh thêu tay Quất Động vẫn có tiếng nói riêng trên thị trường. Nó không thể bị lẫn vào các sản phẩm thêu công nghiệp hàng loạt bởi sự độc đáo, bởi tình cảm, tâm huyết mà mỗi nghệ nhân đã gửi gắm trong từng đường kim mũi chỉ, bởi mỗi sản phẩm đều chứa đựng tình yêu, niềm trân trọng, tự hào về nghề.

Quang Dũng
Ý kiến của bạn