Độc đáo Lễ hội Cầu mùa của người Sán Chay

Địa phương
11:39 AM 22/02/2023

Lễ hội Cầu mùa của đồng bào dân tộc Sán Chay là một hoạt động dân gian lưu truyền từ ngàn xưa, được cộng đồng thừa nhận và bảo tồn qua nhiều thế hệ. Lễ hội Cầu mùa người Sán Chay ở huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2018.

Ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên dân tộc Sán Chay tập trung chủ yếu ở các xã Tức Tranh, Yên Ninh, Yên Đổ, Yên Lạc, Phú Đô. Với vốn văn nghệ dân gian phong phú và đa dạng, họ đã tạo nên nét văn hóa độc đáo và đặc sắc riêng. Trong đó, xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh là một trong những nơi người Sán Chay quần cư tập trung nhất, với hơn 180 hộ (chiếm hơn 90% tổng số hộ dân).

Đã thành thông lệ, Lễ hội Cầu mùa được bà con nơi đây tổ chức vào ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch hằng năm. Sau một thời gian dài phải thực hiện các biện pháp giãn cách do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Lễ hội Cầu mùa năm 2023 được tổ chức với quy mô lớn hơn, không khí vì thế cũng có phần nhộn nhịp hơn hẳn.

Thái Nguyên: Cộng đồng người Sán Chay ở huyện Phú Lương tổ chức Lễ hội Cầu mùa năm 2023 - Ảnh 1.

Chủ tén dẫn đầu đoàn rước lễ vào đình làng.

Ngay từ 3-4 giờ sáng, bà con nhân dân Đồng Tâm có mặt đông đủ tại Nhà văn hoá xóm, tất bật chuẩn bị các phần việc, từ chuẩn bị lễ vật, hậu cần đến quét dọn đình làng. Một nhóm trai đinh được lựa chọn để thịt lợn, chuẩn bị đồ lễ cúng trên đình tại đồi Trò Trắng. Những người còn lại phụ trách việc nấu nướng ở một gia đình gần Nhà văn hóa xóm.

Ông Trần Văn Hải, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng xóm Đồng Tâm cho biết: Trước khi thực hành lễ, Chủ tén kiểm tra các bàn thờ và phương tiện thực hành nghi lễ như nhạc cụ, đạo cụ một cách cẩn thận. Lễ cúng gồm có xôi, gà, chân giò, đầu lợn hoặc thay bằng khấu đuôi, lòng lợn đã chín; rượu, trầu cau…; 1 mâm bánh sừng bò, bánh lẳng và các loại bánh khác đặc trưng của người Sán Chay. 

Đồ vật không thể thiếu trong khi làm lễ là những bức tranh cổ đi kèm. Một bộ tranh cổ đầy đủ của Chủ tén (thầy cúng) gồm có 28 tờ tranh, từ tranh Ngọc Hoàng, tranh chiếu mệnh… mỗi bức tranh được vẽ với những hình ảnh khác nhau và dùng trong những dịp khác nhau.

Thái Nguyên: Cộng đồng người Sán Chay ở huyện Phú Lương tổ chức Lễ hội Cầu mùa năm 2023 - Ảnh 2.

Chủ tén thực hiện nghi lễ cúng tại miếu thổ địa.

Khi đồ lễ đã xong, các trai đinh đã được phân công bê mâm lễ tiến vào đình làng, đi đầu là Chủ tén. Các mâm lễ được đặt chính diện trong đình làng trước khi dâng lên ban thờ tại đình và miếu thổ địa. 

Chủ tén yêu cầu nổi một hồi trống ba tiếng và bắt đầu hành lễ. Thời gian hành lễ khoảng một giờ đồng hồ. Trong lời cúng của Chủ tén có các nội dung ghi nhớ công lao của tổ tiên, báo cáo công trạng và cảm ơn sự che chở của thần linh về những việc nhân dân địa phương làm được trong năm qua. Cầu mong sự che chở để lúa đầy nhà, gà đầy sân, muôn dân trăm họ bình an, hạnh phúc…

Lễ vật được chấp nhận khi hồi trống dứt, kết thúc lễ cúng là lúc diễn ra điệu múa Tắc Xình độc đáo - điểm nhấn của Lễ hội Cầu mùa. Đây cũng là một Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận năm 2014.

Múa Tắc xình có tiết tấu đơn giản, ngôn ngữ múa dễ hiểu với động tác nguyên gốc không giống với những loại hình múa khác. Nhạc cụ, chỉ là bộ gõ được làm chủ yếu từ tre hoặc gỗ nhưng lại tạo nên những tiếng phách rộn ràng. Hòa trong những tiếng phách tre là âm thanh của chiếc trống nhỏ, chập xeng, chiêng, kèn lá, quả chuông và trống đất. Âm thanh của tiếng trống đất thể hiện sự kết nối âm dương và xua đuổi tà ma, quái thú...

Thái Nguyên: Cộng đồng người Sán Chay ở huyện Phú Lương tổ chức Lễ hội Cầu mùa năm 2023 - Ảnh 3.

Múa Tắc Xình tại Lễ hội Cầu mùa.

Múa Tắc xình gồm các điệu: Thăm đường, lập làng, bắt quyết, mài dao, phát nương, tra mố, hái lượm, mừng mùa vụ hay chim câu… tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi; đồng thời mô phỏng động tác lao động, sản xuất hằng ngày của đồng bào với mong muốn một cuộc sống bình yên, no đủ.

Tại Lễ hội Cầu mùa, du khách còn được thưởng thức những bài hát giao duyên Sình ca, hát Soọng Cô; tung còn, múa sạp... và tham gia các trò chơi dân gian diễn ra trên khắp các khu vực của sân làng. Lễ hội Cầu mùa khép lại khi bà con Sán Chay mời khách cùng dự bữa cơm đoàn kết, ấm áp với những lời chúc cho một năm bình an, một mùa vụ mới thật no ấm.

Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết: Trên địa bàn huyện Phú Lương có nhiều lễ hội, đều mang ý nghĩa bảo tồn văn hóa các dân tộc vùng miền. Đối với Lễ hội Cầu mùa của người Sán Chay, chính quyền các cấp đã và đang triển khai nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy những giá trị đặc sắc, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa của địa phương.

Lễ hội Cầu mùa của đồng bào Sán Chay ở Đồng Tâm kết thúc nhưng lòng người vẫn còn vương vấn mãi. Sinh hoạt văn hóa tinh thần này không chỉ là dịp để người dân thể hiện sự thành kính, tri ân với bậc tổ tiên, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và con người, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, sản xuất nông nghiệp thuận lợi mà còn là dịp gắn kết cộng đồng và giữ gìn, phát huy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc cũng như quảng bá tiềm năng thế mạnh và du lịch của địa phương cũng như tỉnh Thái Nguyên.

Thế Lợi
Ý kiến của bạn
Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai

Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.