Độc đáo phong tục đón Tết người Sán Dìu

Địa phương
04:38 PM 03/02/2023

Dịp Tết đến Xuân về, mỗi đồng bào dân tộc Việt Nam lại có những phong tục độc đáo, đặc trưng để đón Tết cổ truyền mừng năm mới. Một trong số đó phải kể đến phong tục đón Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Sán Dìu.

photo-1675414751383

Phong tục độc đáo ngày Tết người Sán Dìu

Là một dân tộc thiểu số trong số 54 dân tộc tại Việt Nam sinh sống trên địa bàn miền trung du của một số tỉnh miền Bắc Việt Nam như Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh... có nguồn gốc di cư từ Quảng Đông, Trung Quốc sang Việt Nam từ những năm 1600 (thời kỳ nhà Minh trị vì ở Trung Quốc. Có thể do sự xua đuổi của người Hán, chính quyền quân sự nhà Minh nên người Sán Dìu bỏ chạy, di cư đến Việt Nam).

Dân tộc Sán Dìu là một trong những dân tộc thiểu số có văn hóa đậm đà bản sắc, mang giá trị nhân văn cao đẹp, thể hiện trong nhiều lĩnh vực, nhất là qua các phong tục, tập quán, nghi lễ, trong đó Lễ - Tết của đồng bào Sán Dìu là một trong những nét văn hóa đặc trưng.

Vào mùa xuân, khi bắt đầu vụ mùa lúa mới, đồng bào Sán Dìu tổ chức ăn Tết Nguyên đán với rất nhiều những nghi thức. Từ trước Tết khoảng một tuần, mọi người đã thấy không khí Tết đến gần, các gia đình chuẩn bị lá dong gói bánh chưng, lá chít để gói bánh nẳng, lá chuối để gói bánh dày và mua sắm, sửa chữa các vật dụng cần thiết trong gia đình và chuẩn bị đầy đủ về lương thực, thực phẩm cho dịp Tết. 

Từ ngày 23 Tết, các gia đình đã bắt đầu mổ lợn, gói bánh và thực hiện một số nghi thức. Theo quan niệm của đồng bào, dán giấy đỏ để báo hiệu mùa xuân đã về và đánh dấu những đồ, vật dụng là của gia đình mình. Thường từ ngày 23 tháng Chạp,  các gia đình tổ chức thịt lợn, gói bánh chưng.

Đặc biệt, khác với người Kinh, từ ngày 23 tháng Chạp, người Sán Dìu không cúng cá chép mà thay vào đó họ chuẩn bị lá dong, gạo nếp, đỗ xanh để gói bánh chưng. Bánh chưng của người Sán Dìu không có hình vuông mà là hình trụ, hơi nhô lên ở giữa, người Sán Dìu gọi là bánh chưng gù.

Chiều 30 Tết làm cơm cúng Tất niên. Trên ban thờ tổ tiên, ngoài bánh chưng, thịt lợn, thịt gà, rượu trắng, bánh kẹo, hoa quả, không thể thiếu bánh chưng gù, bánh chấy hay còn gọi là bánh chay.

photo-1675414754862

Các phụ nữ người Sán Dìu trổ tài gói bánh chưng gù ngày Tết

Trong phong tục đón Tết của người dân tộc Sán Dìu còn lưu giữ một điều thú vị, đó là tục "giữ lửa, gọi lợn". Ngay từ chiều 30 Tết, chủ nhà chuẩn bị một cây củi thật to, chắc mang về, vừa đi vừa gọi lợn sau đó mang vào bếp đun. Cây củi này sẽ cháy suốt đêm sang mùng 1 Tết với mong muốn cả năm sẽ may mắn, thuận lợi. Trong đêm Giao thừa, người Sán Dìu còn có tục "gõ toang trâu gọi nghé". Khi bắt đầu Giao thừa, người Sán Dìu đi ra chuồng trâu, mở toang trâu và gọi 3 tiếng "nghé, nghé, nghé" với mong muốn năm mới đàn trâu sẽ sinh sôi.

Đối với người Sán Dìu, Tết Nguyên đán được gọi là Tết cả (Tết cổ truyền, được chuẩn bị nhộn nhịp từ trước Tết khoảng 16 ngày. Tết của người Sán Dìu, cúng giao thừa đơn giản, chỉ có một con gà hoặc một miếng thịt lợn, xôi ngũ sắc, các loại hoa quả, rượu nước, trầu cau. Vào sáng mồng 1 Tết có tục ăn chay, đây là nét riêng chỉ người dân tộc Sán Dìu mới có; mồng 2 Tết, người Sán Dìu làm cỗ thịnh soạn để đón năm mới và tiếp đón họ hàng, bạn bè thân thiết. 

Mồng 3 Tết, người trong gia đình Sán Dìu dậy sớm, cầm chổi quét nhà để đuổi ma xó, vừa quét, miệng vừa nói: "Các ma xó ở đâu thì ra, muốn ăn thịt gà, trâu thì ra đường, ra chợ, nhà tôi không còn nữa". Sau khi đuổi ma ra khỏi nhà, các tờ giấy đỏ cũng được bóc ra. 

Trong năm, người Sán Dìu còn có nhiều cái Tết khác như Tết Thanh Minh. Người Sán Dìu thường đi tảo mộ vào đúng dịp Tết Thanh Minh. Việc tảo mộ hàng năm của người Sán Dìu được coi trọng, bởi theo quan niệm của họ "Nhất tang thiên thu", đây là dịp đặc biệt để con cháu báo hiếu đối với những người đã khuất. 

Tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5, người Sán Dìu vẫn gói bánh chưng gù như Tết Cả, ngoài ra họ còn ra vườn hái quả mang về cùng nhau ăn, với ý nghĩa là giết sâu bọ. Tết rằm tháng 7, vào ngày 14 tháng 7 âm lịch, các gia đình thường tụ tập con cháu từ xa gần về đông đủ để tổ chức ăn uống. Tết Cơm mới vào khoảng ngày 10/10 âm lịch, họ làm lễ cúng tổ tiên và thổ thần, có thịt lợn, thịt gà, nấu cơm bằng gạo mới và nhiều loại thức ăn khác. Cuối cùng là Tết Đông Chí, người dân Sán Dìu thường cúng cơm nếp, thịt gà, thịt lợn và nhiều loại bánh nếp và bánh tẻ.

photo-1675414757416

Bánh chưng Gù là loại bánh không thể thiếu trong các dịp Lễ Tết của người Sán Dìu

Độc đáo nhất và tập trung nhiều nét văn hóa nhất trong các các dịp Lễ, Tết của người Sán Dìu phải kể đến Lễ Đại phan. Lễ Đại phan thường được người Sán Dìu tổ chức vào dịp cuối năm, kéo dài tới 5 ngày, 4 đêm gắn liền với nghi thức tâm linh, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà... Các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của người Sán Dìu tích hợp trong lễ hội Đại phan gồm có: Thiết chế nhà sinh hoạt cộng đồng, miếu thờ tổ, trang phục truyền thống, ẩm thực dân gian, hát Soọng cô, trò chơi dân gian, nghề thủ công truyền thống, lễ cấp sắc v.v…

Làn điệu hát Soọng cô là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong ngày Tết của người Sán Dìu. Vì Soọng cô là làn điệu dân ca độc đáo chất chứa tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Sán Dìu trong đời sống, phảng phất âm hưởng núi rừng. 

Trong màn hát đối đáp Soọng cô, nam nữ phải cách xa nhau 2 mét và không được ngồi, đứng gần nhau. Khi hát, bên nào thua phải xin hát đối lại trong lần hát đối sau. Các cuộc hát soọng cô đồng thời cũng là môi trường diễn xướng dân gian góp phần gìn giữ văn hóa tộc người Sán Dìu. 

Trong ngày mùng 1 Tết, tại sân đình, nhà văn hóa, các xóm thường tổ chức hát giao lưu. Làn điệu Sọong cô khi cất lên đều ca ngợi mùa xuân, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, con người, họ cầu mong cho một năm mới với nhiều điều tốt đẹp, con người, vạn vật được tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

photo-1675414759720

Hát Soọng Cô là nét độc đáo của dân tộc Sán Dìu

Để bảo tồn và phát huy giá trị của làn điệu hát Soọng Cô, nhiều nơi khuyến khích thành lập nhiều CLB văn nghệ quần chúng ở các địa phương, đồng thời sưu tầm, dàn dựng, lồng ghép các tiết mục hát Soọng cô vào các chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật. Đưa môn nghệ thuật này phục vụ thường xuyên đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

photo-1675414762112

Bảo tồn văn hoá dân tộc Sán Dìu qua làn điệu Soọng cô

Với những nét độc đáo, đặc sắc riêng của dân tộc mình, người Sán Dìu đang tích cực phát huy và bảo tồn được văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của dân tộc mình, gìn giữ, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần làm phong phú thêm giá trị văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Hoàng Vân
Ý kiến của bạn
Nhiều cơ hội để Phú Quốc trở thành điểm đến biểu tượng của châu Á Nhiều cơ hội để Phú Quốc trở thành điểm đến biểu tượng của châu Á

“Với hạ tầng, hệ sinh thái du lịch hoàn thiện và khả năng tiếp cận thuận tiện, Phú Quốc có thể trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới như APEC. Phú Quốc đang ở giai đoạn vàng để phát triển toàn diện”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lữ hành G7 đánh giá.