Đổi Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân có bắt buộc phải đính chính Sổ hồng không?
Thời gian qua, CMND của người dân đã được đồng loạt thay đổi sang CCCD gắn chip. Nhiều người băn khoăn thông tin giấy tờ nhân thân thay đổi, liệu sổ đỏ cấp theo CMND cũ có cần đính chính, cập nhật thông tin CCCD mới không?
Sổ đỏ, sổ hồng là từ mà người dân thường dùng để gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (GCN) dựa theo màu sắc của Giấy chứng nhận.
Trước đây khi sử dụng phôi cũ, sổ đỏ có màu đỏ và thông tin chủ sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền trên đất (gọi chung là chủ tài sản) thể hiện ở trang số 2, bao gồm: Họ tên, Giấy tờ nhân thân ( có thể là số chứng minh nhân dân (CMND), số căn cước công dân (CCCD) hoặc số hộ chiếu,...), năm sinh, địa chỉ thường trú.
Sở dĩ có tên gọi là Sổ đỏ vì GCN theo phôi cũ này có màu đỏ . Nguồn ảnh: Internet
Hình ảnh sổ hồng, các thông tin nhân thân của chủ tài sản được thể hiện ở trang bìa
Những người từng làm thủ tục công chứng, đăng ký tài sản bảo đảm như thế chấp tài sản vay vốn tại Ngân hàng hay mua bán, cho tặng, chuyển nhượng,... ít nhiều có lẽ đã từng trải qua tình trạng thông tin cá nhân trên sổ đỏ bị thay đổi khiến cho quá trình làm thủ tục mất không ít thời gian.
Trước đây, nếu số CMND/CCCD trên GCN không trùng với giấy tờ nhân thân bạn đang sử dụng thì cần có xác nhận về việc 2 số CMND/CCCD là của cùng 1 người. Dựa trên căn cứ đó, cơ quan chức năng mới tiến hành các thủ tục công chứng hợp đồng hoặc đăng ký thế chấp, sang tên cho bạn.
Trong trường hợp, bạn còn giữ CMND/CCCD cả cũ và mới, thì 1 số Văn phòng tài nguyên môi trường vẫn có thể yêu cầu bạn đính chính GCN, cập nhật thông tin CMND/CCCD mới lên GCN.
Đính chính GCN là gì?
Đính chính là sửa lại thông tin bị sai sót trên thông tin thửa đất hoặc của chủ tài sản. Tuy vậy, không phải trường hợp sai sót nào cũng được đính chính.
Các trường hợp bắt buộc phải đính chính sổ đỏ, số hồng được pháp luật quy định cụ thể.
Khoản 1 Điều 106 Luật Đất đai 2013 về đính chính, thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp:
"1. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm đính chính Giấy chứng nhận đã cấp có sai sót trong các trường hợp sau đây:
a) Có sai sót thông tin về tên gọi, giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân, địa chỉ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất so với giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận của người;
b) Có sai sót thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất so với hồ sơ kê khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất đã được cơ quan đăng ký đất đai kiểm tra xác nhận."
Như vậy, người dân thuộc một trong hai trường hợp trên thì mới bắt buộc tiến hành thủ tục đính chính sổ đỏ, sổ hồng. Việc thay đổi thông tin số CMND/CCCD trên sổ đỏ không thuộc trường hợp bắt buộc đăng ký biến động tại Điều 95 Luật Đất đai 2013.
Mặt khác, theo Điểm g, Khoản 1, Điều 17, Thông tư số 23/2014 sửa đổi tại Thông tư số 33/2017, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên, xác nhận thay đổi thông tin về pháp nhân, số CMND/CCCD, địa chỉ trên Giấy chứng nhận đã cấp theo nhu cầu.
Căn cứ theo quy định trên, nếu người dân có nhu cầu thì có thể yêu cầu điều chỉnh thông tin trên Giấy chứng nhận cho đúng với số thẻ CMND/CCCD mới của mình.
Thay đổi CMND sang CCCD gắn chip có cần phải điều chỉnh thông tin trên GCNQSDĐ
Với thẻ CCCD gắn chip hiện nay, cho phép dùng điện thoại thông minh quét mã QR trên thẻ CCCD gắn chip để xem các thông tin như số CMND cũ, họ tên của người được cấp.
Khi người dân thực hiện thủ tục liên quan đến sổ đỏ tại Văn phòng công chứng hay Văn phòng đăng ký đất đai, có thể quét mã QR trên thẻ CCCD gắn chip để xác định số CMND trên Giấy chứng nhận và số trên CCCD gắn chip là của cùng 1 người.
Việc đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp tiết kiệm được nhiều công sức thời gian khi người dân không phải đi lại xin xác nhận về việc CMND/CCCD cũ mới như trước đây.
Trọng NghĩaCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.