Đổi đời nhờ 'vàng đỏ'
Trong mùi hương ngai ngái của đất ẩm và sắc xanh thẫm của đại ngàn biên ải, dưới tán những cây chẹo già, từng cây nấm đỏ lặng lẽ nhú lên như những chiếc ô nhỏ xinh, căng mọng. Người dân xã Gia Miễn, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn vẫn thường gọi đó là “lộc trời ban”. Ở miền đất còn nhiều gian khó này, nấm đỏ không chỉ là món quà của thiên nhiên, mà còn là thứ “vàng đỏ” mang theo niềm hy vọng về một cuộc sống đủ đầy hơn.
Gia Miễn là một trong những xã vùng ba của huyện Văn Lãng tỉnh Lạng Sơn. Những năm qua, vùng đất này được biết đến với loại nấm đỏ đặc biệt. Nấm chỉ mọc tự nhiên dưới gốc cây chẹo già, mà phải là loại cây có thân cong, màu nâu đỏ, được người Tày – Nùng gọi là co bjóc piào. Điều lạ là không phải cây chẹo nào cũng có nấm. Cây phải đủ lâu năm, mọc nơi ẩm thấp, rậm rạp, đủ độ mục, đủ bóng râm thì mới có cơ may đơm lộc.
Người dân kể, trước kia nấm mọc rất nhiều. Có người đi rừng về mang theo từng gánh, ăn không hết, lại chẳng biết bảo quản, đành mang cho gia súc, gia cầm. Thế nhưng, khoảng chục năm nay, khi giá trị dinh dưỡng và công dụng của nó được biết đến rộng rãi, thứ nấm dại này bỗng trở nên quý giá, được ví như "vàng đỏ" của rừng xanh.
Việc thu hái nấm đỏ cũng là cả một câu chuyện của sự kiên nhẫn và kinh nghiệm. Người hái phải dậy từ sáng sớm, vào rừng khi sương còn giăng kín lối. Nấm không thể hái tùy tiện. Nếu hái khi nấm chưa bung ô, vị sẽ đắng; còn nếu để quá một chút, nấm sẽ rữa ra như bọt biển.
"Làm nông cả năm có khi không bằng một mùa nấm đỏ. Loại nấm này quý lắm, mà khó kiếm vì có năm được năm không. Nấm thường mọc từ khoảng tháng 3 đến tháng 10 âm lịch, nhưng cũng tùy thời tiết. Mỗi năm nấm chỉ mọc vài đợt thôi," anh Linh Văn Toàn, thôn Cốc Nhảng, vừa dẫn chúng tôi vào rừng vừa chia sẻ.
Mỗi cây nấm chỉ sống được một, hai ngày rồi tàn. Nếu chậm tay, nấm sẽ hỏng, không thu hoạch được nữa. Vì thế, người dân thường bảo nhau: "Thấy nấm như thấy vàng". Mỗi đợt nấm mọc chỉ kéo dài từ 5 đến 15 ngày. Khi nở rộ, cả một khoảng rừng rực lên màu đỏ dưới tán chẹo già. Nhưng có một quy tắc bất thành văn, rừng nhà ai, cây chẹo của nhà ai thì người đó mới được hái.
Theo thống kê của xã, Gia Miễn hiện có gần 150 hộ có rừng cây chẹo cho thu hoạch nấm. Bao năm nay, anh Toàn và nhiều gia đình khác đã thuộc lòng từng gốc cây, từng đám đất ẩm có thể mọc nấm. Họ thường xuyên đi thăm rừng, khi thấy dấu hiệu nấm sắp mọc là canh đúng thời điểm để hái.
Năm nay, vì ít mưa nên nấm mọc muộn. Đợt đầu tiên vào cuối tháng 5, kéo dài chừng năm ngày rồi hết. Trong đợt ngắn ngủi đó, có nhà may mắn thu hoạch được khoảng 50 kg nấm tươi một ngày. Giá mỗi kg nấm tươi dao động từ 200 đến 300 nghìn đồng.
Vì nấm tươi rất nhanh hỏng, nhiều hộ đã đầu tư lò sấy tại nhà. Nấm hái về được rửa sạch, đưa vào sấy ngay trong khoảng 6–7 tiếng. Cứ 5 đến 6 kg nấm tươi cho ra 1 kg nấm khô. Giá nấm khô có năm, như năm nay, lên tới hơn 2 triệu đồng/kg.
Chính vì giá trị đó, người dân đã đưa việc bảo vệ nấm đỏ vào hương ước của thôn. Quy định rất rõ ràng: "Rừng nhà ai, người đó hưởng", không ai được tự ý vào rừng nhà khác hái trộm. Đây không chỉ là cách giữ gìn nguồn lợi mà còn là một nét văn hóa cộng đồng đáng quý.
Dù vậy, nấm đỏ đang ngày càng hiếm đi. Một phần do thói quen canh tác cũ, người dân đốt nương làm rẫy đã vô tình làm hỏng các gốc nấm. Một phần khác do một số người thu hái chưa đúng cách, nhổ cả gốc khiến khu vực sinh trưởng tự nhiên của nấm bị phá hủy.
Ông Hoàng Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Gia Miễn, cho biết: "Để gìn giữ vốn quý này, chúng tôi thường xuyên trò chuyện, nhắc nhở bà con bảo vệ rừng, không đốt nương bừa bãi. Đồng thời, hướng dẫn bà con thu hái nấm đúng cách để vừa có thu nhập, vừa giữ được tài nguyên cho thế hệ mai sau."
Nỗ lực nhân giống nấm đỏ cũng đã được thử nghiệm nhưng không thành công. Chị Lô Thị Kim Oanh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Văn Lãng, giải thích rằng loài nấm này phụ thuộc hoàn toàn vào hệ sinh thái tự nhiên, từ thổ nhưỡng, khí hậu cho đến cây chẹo – loài cây chỉ mọc rải rác và không thể trồng đại trà. Vì vậy, hướng đi hiện tại là nghiên cứu cách khai thác bền vững, tránh làm cạn kiệt nguồn lợi.
Không thể phủ nhận, những năm qua, nấm đỏ đang góp phần giúp người dân Gia Miễn vượt khó. Thu nhập bình quân đầu người của xã đã tăng từ 17 triệu đồng/năm (2020) lên 28 triệu đồng/năm hiện nay; tỷ lệ hộ nghèo giảm đều đặn.
Hái nấm không phải là một "nghề" có thể làm quanh năm, nhưng nó là niềm hy vọng, là lối mở cho người dân. Giữa những lo toan mưu sinh, nấm đỏ lặng lẽ mọc như một lời nhắn nhủ rằng, nếu biết trân trọng và giữ gìn, đất nghèo vẫn có thể nảy mầm những điều kỳ diệu. Với người dân nơi đây, nấm đỏ không chỉ là sản vật, là món ăn, vị thuốc, mà còn là động lực để họ thêm yêu và gắn bó với rừng.
PV
Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã chính thức công bố báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý II/2025, trong đó phản ánh niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam dù đối mặt với những biến động quốc tế và một số trở ngại nội tại tạm thời trong tiến trình cải cách.