Đội ngũ doanh nhân xứng đáng là những Anh hùng thời nay
Chúng ta mới có 16 năm tôn vinh doanh nhân Việt, nhưng những người kinh doanh ở Việt Nam đã có một hành trình dài, đầy vinh quang, và cũng thăng trầm, đầy máu và cả nước mắt. Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2020, Tạp chí DN&TT trân trọng giới thiệu bài viết của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công Việt Nam (VCCI).
Nhờ có Vua tàu thủy Bắc kỳ Bạch Thái Bưởi, mới có danh tiếng đội tàu của người Việt lan khắp Đông Dương, lan từ Hồng Kông tới Singapore; nhờ có sơn dầu của cụ Nguyễn Sơn Hà mà các hãng sơn của người Pháp, người Hoa phải e dè, chùn bước… Các cụ đã bắt đầu phá đi tâm lý vốn không trọng người buôn bán, trong xã hội trọng học hành, thi cử… Điều quan trọng là họ đã khẳng định và lan tỏa khát vọng làm giàu và tính cách độc lập, tự chủ của dân tộc.
Chúng ta đang có một thế hệ doanh nhân đặc biệt.
Có thể thấy rõ ngay điều đó trong lúc này, khi dịch bệnh đang làm đứt gãy các chuỗi giá trị, kinh tế thế giới vẫn trong thế không thể dự báo, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương. Phần lớn doanh nghiệp vẫn cố giữ vững, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, tìm kiếm cơ hội, thị trường mới... dù họ không tiếp cận được các gói hỗ trợ của Nhà nước.
Tôi thấy chưa bao giờ doanh nhân Việt lại thực sự đau đáu về các mô hình phát triển, về tái cấu trúc và cả về phát triển bền vững như bây giờ.
Gần đây, khi tôi đọc các cuốn giới thiệu của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân lớn, họ nói đến trái tim, đến con người, đến cộng sự, người lao động trước khi nói đến khách hàng, đến mục tiêu lợi nhuận...
Doanh nghiệp đang dịch chuyển theo mô hình phát triển liên kết, bền vững, bao trùm, thuận thiên, gắn kết giữa công nghệ và truyền thống, bám theo những định hướng, chiến lược phát triển của đất nước... Và họ cũng mong có môi trường thể chế thuận lợi để thực hiện nhanh các kế hoạch này.
Mới đây, tờ Asia Times đã gọi Việt Nam là một ngoại lệ với mức tăng trưởng ấn tượng, nhờ các biện pháp chống dịch nhanh chóng và hiệu quả. HSBC tin rằng, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực vào năm 2021. Nhiều tập đoàn đa quốc gia cũng đang tìm đến Việt Nam như một điểm đến an toàn, hấp dẫn.
Thế hệ doanh nhân Việt bây giờ rất đặc biệt. Họ có trải nghiệm không phải ở nền kinh tế nào cũng có được.
Thế hệ doanh nhân đầu tiên sau Đổi mới, nhiều người ra đời trong chiến tranh, lớn lên trong bao cấp, bị thúc ép làm kinh doanh để thoát nghèo, là nhân chứng trong cuộc của gần như toàn bộ quá trình đổi mới, hội nhập kinh tế của Việt Nam.
Thế hệ thứ hai, một phần là những người kế nghiệp, nhưng phần lớn là người chọn kinh doanh là sự nghiệp, được đào tạo bài bản, tiếp cận với tư duy kinh doanh hiện đại, chuyên nghiệp...
Thế hệ khởi nghiệp sáng tạo đang bừng dậy với nhiều khát vọng được trải nghiệm, được cống hiến.
Tất cả cùng mang trong mình những trải nghiệm, phẩm chất mà ở nhiều quốc gia, phải mất nhiều thế kỷ mới đúc rút được. Đó là tinh thần quyết liệt, khắc khổ, dũng cảm của người lính chiến trong chiến tranh. Đó là sự trăn trở giữa cái mới và cái cũ, giữa lạc hậu, bảo thủ và đòi hỏi sáng tạo của thời đổi mới. Đó là những lấn cấn, chồng lấn cảm xúc giữa văn minh lúa nước, giữa văn hóa Việt Nam, văn hóa phương Đông và kinh tế thị trường hiện đại của thế giới. Đó là sự va chạm giữa công nghệ hiện đại và sự phát triển thuận thiên...
Hãy nhìn vào những lý giải của các doanh nghiệp khi không tiếp cận các gói hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi COVID-19 - họ chọn giữ người lao động, chứ không chọn sa thải họ để được hưởng hỗ trợ.
Hãy nghe các doanh nhân nói về phát triển bền vững một cách thuyết phục, chứ không hề xáo rỗng, lý thuyết. Tôi có dịp đọc nhiều cuốn sách giới thiệu của doanh nghiệp lớn, họ nói đến con người, nói đến trái tim, nói đến cộng sự, người lao động trước khi nói đến khách hàng. Họ nói đến chinh phục những người đi cùng doanh nghiệp, nhưng lao động cống hiến cho sự phát triển của doanh nghiệp trước khi nói đến chinh phục khách hàng... Họ cũng nói đến cảm xúc hạnh phúc khi mang lại hạnh phúc cho người khác.
Nhưng, doanh nhân - trọc phú có hay không?
Người giàu lên nhanh chóng nhờ sân sau, sân trước không ít. Mới đây, hàng loạt doanh nhân lừa đảo bằng công nghệ, làm khổ bao gia đình... Nhưng họ không đại diện cho cộng đồng doanh nhân Việt và đó cũng không phải là con đường của những doanh nhân, doanh nghiệp muốn đi dài. Nhưng ở một góc độ nào đó, sự tồn tại của những người này có lý do từ sự thiếu đồng bộ của cơ chế, chính sách, sự chưa hoàn thiện của thể chế kinh tế thị trường.
Tôi còn nhớ, khi đi trao đổi về những thách thức, cơ hội mà các hiệp định tự do thế hệ mới, như CPTPP, EVFTA mang đến cho doanh nghiệp Việt Nam, nhiều doanh nhân nói với tôi, họ không sợ rủi ro hội nhập, không ngại cạnh tranh khi mở cửa thị trường. Ở Việt Nam, cuộc chiến với rủi ro thể chế mới là điều đáng lo nhất.
Ngay trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nói "thể chế, thể chế và thể chế", cùng với nhiều chỉ đạo về cắt giảm quy định làm khó doanh nghiệp. Chính phủ thực sự nhìn thấy nút thắt đang níu kéo khát vọng của doanh nhân, khiến doanh nghiệp Việt Nam khó lớn, khó đi dài.
Nhưng chính trong thời COVID-19 này, mọi sự thay đổi sẽ nhanh hơn rất nhiều nếu có quyết tâm.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.