Đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc về chính sách, thuế và hải quan

Diễn đàn
04:33 PM 29/02/2024

Chiều 29/2, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2023-2024, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị gồm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường; Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) Trương Bá Tuấn cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Tư vấn Thuế và đại diện một số Cục Thuế các tỉnh, thành phố.

Đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc về chính sách, thuế và hải quan- Ảnh 1.

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định, Bộ Tài chính đã thực hiện tiếp nhận và xử lý hàng trăm văn bản của các DN Hàn Quốc đầu tư trên cả nước gửi đến.

Về phía Hàn Quốc có ông Choi YoungSam - Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam; ông Kim Hyong Mo - Trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam; ông Lee Hee Sang - Chủ tịch cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương; ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc và gần 250 đại biểu các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, trải qua hơn 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (1992 - 2024), Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành những đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động khó lường và phức tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; rủi ro tài chính, tiền tệ trên toàn cầu có xu hướng gia tăng nhưng quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc vẫn được duy trì bền vững và ngày càng được tăng cường, thúc đẩy cả về số lượng và chất lượng.

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn chia sẻ, tính đến tháng 1/2024, theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam đã thu hút được 9.891 dự án đầu tư (trong đó số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là 8.058 DN, chiếm tỷ trọng 28% tổng số DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam).

Đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc về chính sách, thuế và hải quan- Ảnh 2.

Với kết quả trên, Hàn Quốc hiện đang là quốc gia dẫn đầu trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có đầu tư vào Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.

"Trong 5 năm vừa qua, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi những khó khăn của dịch COVID-19 và những bất lợi của nền kinh tế thế giới nhưng đóng góp vào số thu ngân sách nhà nước (NSNN) của cả nước từ các DN Hàn Quốc đóng góp luôn tăng qua các năm và tổng thu nội địa từ các DN Hàn Quốc đạt gần 175 nghìn tỷ đồng", Thứ trưởng Cao Anh Tuấn đánh giá.

Với tinh thần, nỗ lực luôn đồng hành, hỗ trợ DN và người dân, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị trong và ngoài nước gặp nhiều biến động, hàng năm, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định, Bộ Tài chính đã thực hiện tiếp nhận và xử lý hàng trăm văn bản của các DN Hàn Quốc đầu tư trên cả nước gửi đến, liên quan đến các vấn đề phát sinh toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN Hàn Quốc đã và đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Những vấn đề đã được Bộ Tài chính phối hợp trao đổi, tham vấn ý kiến và nghiên cứu trình các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung chính sách để hỗ trợ tối đa cho cộng đồng DN FDI đầu tư tại Việt Nam yên tâm mở dộng sản xuất như: Hoàn thuế GTGT, vướng mắc liên quan đến thủ tục, hóa đơn chứng từ về thuế tại khu chế xuất, về ưu đãi miễn giảm thuế TNDN, thuế xuất nhập khẩu, về chi phí khi tính thuế TNDN,…

Cùng với đó, trong thời gian qua, trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 và tác động của các vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, Bộ Tài chính đã kịp thời nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí và lệ phí để hỗ trợ cho người dân, DN nói chung và các DN Hàn Quốc nói riêng với giá trị hỗ trợ lớn và nhiều giải pháp chưa có tiền lệ.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền 60 văn bản quy phạm pháp luật với tổng quy mô hỗ trợ khoảng 200 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó tập trung vào các giải pháp về gia hạn thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN, thuế TTĐB) và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế nhập khẩu, thuế BVMT, cùng nhiều khoản phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc về chính sách, thuế và hải quan- Ảnh 3.

Bộ Tài chính Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và điện tử hóa, số hóa toàn diện cho cộng đồng DN trong nước và cộng đồng DN FDI tại Việt Nam

"Việc ban hành và thực hiện các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng DN nói chung và của các DN Hàn Quốc nói riêng; góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như thắt chặt và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Hàn Quốc", Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.

Đồng thời, để chủ động ứng phó với việc triển khai Trụ cột 2 về thuế tối thiểu toàn cầu trong khung khổ Diễn đàn Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận, Bộ Tài chính đã phối hợp các bộ, ngành và tham vấn ý kiến của cộng đồng đồng DN FDI tại Việt Nam, trong đó có các DN Hàn Quốc để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 107/2023/QH15 ngày 29/11/2023 về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu để áp dụng từ 01/01/2024.

Tại buổi đối thoại, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã giới thiệu những nội dung, kết quả chủ yếu về công tác trong lĩnh vực thuế, hải quan thời gian vừa qua. Đồng thời trực tiếp giải đáp chi tiết, thấu đáo những vướng mắc của DN FDI liên quan đến lĩnh vực thuế và hải quan. Đối với những nội dung ý kiến liên quan đến quy định tại Luật, Nghị định,… vượt quá thẩm quyền, Thứ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị liên quan ghi nhận và khẩn trương tổng hợp và có báo cáo Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ.

"Trong thời gian tới, Bộ Tài chính Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và điện tử hóa, số hóa toàn diện, đồng bộ trong lĩnh vực thuế và hải quan theo hướng tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi cho cộng đồng DN trong nước và cộng đồng DN FDI tại Việt Nam, từ đó giúp DN tiếp tục phát triển để vừa làm giàu cho DN, tạo công ăn việc làm cho người lao động và tiếp tục có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam", Thứ trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định.

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn mong muốn, cùng với các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, Bộ Tài chính mong muốn DN Hàn Quốc chủ động tận dụng hơn nữa các cơ hội để đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển, đồng thời tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về thuế, hải quan, đóng góp vào mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh đầy thách thức như hiện nay.

Mai Phương
Ý kiến của bạn
Hà Nội dẫn đầu cả nước trong thực hiện Chương trình OCOP Hà Nội dẫn đầu cả nước trong thực hiện Chương trình OCOP

Tính đến hết tháng 4/2024, 63/63 tỉnh, TP của cả nước đã triển khai đánh giá, phân hạng được hơn 12.000 sản phẩm OCOP. Hà Nội tiếp tục duy trì vị thế lá cờ đầu với số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên lớn nhất.