Đón bắt cơ hội phát triển mới: Chủ động hay chịu sự thay thế?

Cộng tác viên
06:34 AM 22/05/2020

Công nghiệp 4.0, FTA thế hệ mới, dịch chuyển lao động trong nội khối ASEAN; dịch bệch COVID-19…đang tạo ra thách thức lớn với nguồn lao động Việt Nam song đây cũng sẽ là cơ hội nếu biết nắm bắt…

LTS: Tại  Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ nhất (VRDF) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện 3 điểm nghẽn chiến lược cản trở sự phát triển là thể chế, cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực”. Trong thời gian vàng để phát triển, Việt Nam hóa giải những điểm nghẽn này ra sao?

DNNVV Việt Nam chưa tiếp cận nhiều chuyển đổi số/ tỷ lệ doanh nghiệp khoa học công nghệ chỉ mới ở số ít (Nghiên cứu phát triển sản phẩm tại Công ty USM Healthcare với 100% vốn đầu tư trong nước. Ảnh: Tấn Ba)

Nền công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi lớn về cung – cầu lao động. Các nhà kinh tế và khoa học quốc tế cảnh báo, trong cuộc cách mạng này, thị trường lao động sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng giữa cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động. 

“Lao động giá rẻ” không còn là lợi thế

Bởi vậy, sự phát triển của cuộc cách mạng này đang đòi hỏi cấp bách những nguồn nhân lực mới, ở tầm vĩ mô cấp quốc gia cũng như trong mỗi tổ chức, doanh nghiệp. Theo báo cáo mới nhất từ Khảo sát lương Talentnet - Mercer dự báo, đến 2020, hơn 1/3 bộ kỹ năng của hầu hết các ngành nghề sẽ là sự kết hợp của những kỹ năng chưa từng được nghe nhắc đến trong những bản mô tả công việc hiện nay.

Xếp hạng của UNIDO cũng cho thấy, khả năng tiếp nhận công nghệ mới của doanh nghiệp Việt Nam chỉ xếp thứ 122/144 nước được điều tra, trong khi các nước khác trong cùng khu vực ASEAN có xếp hạng cao hơn nhiều (Singapore 16/144, Malaysia 24/144, Philippines 41/144, Indonesia 42/144, và Thái Lan 55/144). Xếp hạng về mức độ sẵn sàng áp dụng công nghệ mới của Việt Nam cũng chỉ đứng 123/144...

Điều đáng quan tâm, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng máy tính và internet để điều hành tác nghiệp chỉ chiếm 36%. Trong khi để làm chủ máy móc, công nghệ thì các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, tư duy sáng tạo, thực hiện những công việc phức tạp dẫn đến nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng tăng.

Điều này đồng nghĩa với tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng ở nhóm lao động có trình độ thấp. Đó là chưa kể, bên cạnh các FTA mới, cuộc CMCN 4.0, tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 được đánh giá là sẽ tác động mạnh mẽ đến nguồn việc làm, khi có đến 86% lao động giản đơn của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Con đường "gian nan"

Cạnh tranh về nhân lực chất lượng cao sẽ diễn ra mạnh mẽ không chỉ trong nước, khu vực mà còn trên bình diện thế giới. Việc mở ra khả năng di chuyển lao động giữa các nước đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề nghiệp cao, có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế với những tiêu chuẩn, tiêu chí do thị trường lao động xác định.

Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay, các nước đều chú ý hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, nhằm huy động tối đa các nguồn lực và hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC khảo sát 657 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 2 năm 2018 – 2019 thì  doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, trong đó số doanh nghiệp vừa chỉ chiếm 2,2%, doanh nghiệp nhỏ chiếm 29,6% và còn lại 68,2% là siêu nhỏ. Nhưng, nhóm doanh nghiệp này đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và điều này không chỉ riêng ở Việt Nam.

Số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đa số tuyệt đối trong tổng cơ cấu các doanh nghiệp, thông thường tỷ lệ này từ 90%- 98% trên thế giới như các nước khối EU khoảng 90%, tại Mỹ: 98%, tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương: 96%, tại Nhật Bản: 98% và tại Việt Nam là khoảng 98%.

Số lao động mà các doanh nghiệp này sử dụng cũng khá lớn. Tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương sử dụng trên 60% lao động, tại Nhật Bản khoảng 75%. Mức đóng góp của nhóm doanh nghiệp vào sự tăng trưởng kinh tế khá cao. Trong khu vực EU, các doanh nghiệp này tạo ra khoảng 65% tổng doanh số; ở Mỹ là trên 50% tổng GDP.  

Ở Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng sử dụng rất nhiều lao động, đặc biệt là lao động tại địa phương và khu vực nông thôn (chiếm gần 60%); đồng thời mức đóng góp vào GDP khá lớn (khoảng 35 - 40%) và tốc độ tăng trưởng ngày càng cao.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có đặc thù, trên 97% đi lên từ kinh tế hộ gia đình và từ nghề. Năm 2017, năng suất lao động của nước ta bình quân chỉ đạt 9.894 USD, thì chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippin và bằng 87,4% của Lào (nguồn ĐHKTQD). 

Về nguyên nhân tình trạng trên, là do tỷ lệ thất nghiệp, bán thất nghiệp còn khá cao, đi đôi với trình độ, năng lực lao động thấp; bên cạnh đó công nghệ sản xuất thấp và trung bình chiếm lỷ lệ quá cao và hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa; người lao động chủ yếu đảm nhận sản xuất các sản phẩm và công đoạn sản xuất gia công...

Bởi vậy, việc nâng cao trình độ năng lực nguồn lao động là rất cần thiết và cũng gặp phải không ít khó khăn từ chính xuất phát điểm của nhóm doanh nghiệp này.

Năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của một nước phải dựa trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ của quốc gia và đây là khâu then chốt, cầu nối giữa cung và cầu để chuyển những thành quả khoa học công nghệ vào thực tiễn phát triển kinh tế. Song có  thể nói đây lại là thị trường phát triển chậm nhất so với các thị trường hàng hóa và dịch vụ khác. 

Hiện nay, trong số 670.000 doanh nghiệp đang hoạt động, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97%, đóng góp khoảng 45% GDP, 31% tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. Trong đó mới chỉ có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ, 25.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khoảng 40 cơ sở ươm tạo khởi nghiệp, tổ chức thúc đẩy kinh doanh đang hoạt động trên cả nước.

"Vá lỗi" và nâng cấp tư duy cải tiến 4.0

Có thể nói, xu thế các doanh nghiệp đang gia tăng nhanh chóng về chất lượng và chiều sâu, đó chính là sự ra đời của các doanh nghiệp khoa học công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - đây là một cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt, là động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển trong hội nhập cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó vai trò con người, nguồn nhân lực khoa học - công nghệ giữ vai trò then chốt và quyết định sự phát triển hay thành bại của mỗi doanh nghiệp.

Vì vậy, để bù lấp những khoảng trống cho nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như  phát triển đáp  ứng yêu cầu đòi hỏi đang được đặt ra thì cần một chính sách tổng thể với những giải pháp phù hợp với bối cảnh đặt ra của cuộc cách mạng 4.0.

Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ thì Nhà nước cần hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi cho những mặt hàng, công nghệ, quy trình sản xuất mới, có tính đột phá đối với nền kinh tế. Đổi mới chính sách khoa học công nghệ, khuyến khích hoạt động của hệ thống dịch vụ khoa học, công nghệ, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được với các công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhà nước cần đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của hệ thống đổi mới quốc gia; tiếp tục nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp; bảo đảm quyền tự do kinh doanh và nỗ lực tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời, có các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp để phát triển sản phẩm mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm; hỗ trợ phát triển, bảo vệ tài sản trí tuệ phát triển.

Đối với doanh nghiệp khoa học công nghệ, Chính phủ cần rút ngắn thủ tục hành chính để doanh nghiệp được công nhận nằm trong diện ưu đãi, cắt giảm chi phí đăng kí quyền sở hữu trí tuệ, đăng kí kinh doanh. Đẩy nhanh việc triển khai Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, hướng vào các hoạt động phục vụ các lĩnh vực công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ nhằm hỗ trợ tốt nhất về môi trường công nghệ cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Mở rộng quy mô vốn, thủ tục đầu tư, cho vay đối với doanh nghiệp khoa học công nghệ và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Cần cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần có sự chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố cần thiết khi khởi nghiệp. Chủ động nghiên cứu, cập nhật thông tin về chính sách, pháp luật để kịp thời năm bắt, tiếp nhận, tận dụng các cơ hội, ưu đãi từ chính sách, Nhà nước và hạn chế tối đa các rủi ro trong quá trình khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước để tận dụng được tối đa nguồn vốn, nguồn nhân lực cũng như công nghệ hay thị trường.

Báo cáo mới phát hành về thực trạng nguồn nhân lực (con người và công nghệ) trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong quá trình hội nhập của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC khảo sát 657 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 2 năm 2018 – 2019 có một số điểm đáng lưu ý.

Trình độ chuyên môn của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thấp, cụ thể: Trình độ trên ĐH: 1.63%; Đại hoc: 43,9%; Cao đẳng: 31,82%; Trung cấp: 10,82%, Khác: 11,38%.

Trình độ học vấn của lực lượng lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn quá thấp, số lớn chưa qua đào tạo nghề, cụ thể: Trình độ trên ĐH: 1.023%; Đại học: 7,79%; Cao đẳng: 7,67%; Trung cấp: 21,8%, Khác: 61,7%.

Tình trạng thiết bị công nghệ trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã quá lạc hậu, không còn phù hợp với cách mạng 4.0, cụ thể: Còn phù hợp: 11,7%; Tạm thời phù hợp: 24,3%; Không còn phù hợp: 30,9%; Cấp bách cần đổi mới: 16,5%; Cần đổi mới: 13,7%; Chưa cần đổi mới: 3,5%.

Ứng dụng CNTT trong quản trị tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa khảo sát: Phần mềm kế toán: 100%; Qiuản trị nhân sự: 30,6%; Quản trị kho hàng: 60,3%; Phần mềm bán hàng: 45,5%; Phần mềm quản lý khách hàng: 37,2%; Khác: 17,3%.

Nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị doanh nghiệp: Phần mềm kế toán: 100%; Phần mềm quản trị nhân sự: 100%;  Phần mềm quản trị kho hàng: 87,6%;  Phần mềm quản lý khách hàng: 86,3%; Phần mềm khác: 52,8%.

TS. Trần Duy Khanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC

 Theo Enternews

Ý kiến của bạn
Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai

Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.