Đòn bẩy phát triển chăn nuôi ở Quản Bạ - Hà Giang

Địa phương
01:45 PM 09/12/2022

Những năm gần đây, chăn nuôi được xác định là ngành sản xuất chủ yếu để tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Do vậy huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đã xây dựng Nghị quyết “phát triển con bò vàng vùng cao, giai đoạn 2021 – 2025” nhằm tạo đòn bẩy thúc đẩy chuyển dịch chăn nuôi từ quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa.

Với tiềm năng sẵn có, địa hình đồi núi, khí hậu ôn hòa lại có nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, phù hợp với phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đàn đại gia súc. Do vậy những năm gần đây, xã Cán Tỷ đã tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, nhất là theo hình thức nuôi nhốt vỗ béo, hình thức chăn nuôi này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con, mà còn góp phần phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Phó Chủ tịch UBND xã Cán Tỷ, Hạng Mí Ngọc cho biết: "Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ huyện về phát triển 3 cây và 3 con, xã đã triển khai nội dung phát triển đàn bò trên địa bàn, theo đó cấp ủy, chính quyền địa phương đã tuyên truyền vận động Nhân dân, thành lập nhóm sở thích về chăn nuôi bò, bước đầu các hộ đã có thu nhập. Bên cạnh đó, xã còn tuyên truyền cho bà con lồng ghép thực hiện chỉnh trang chuồng trại, vệ sinh môi trường sạch sẽ, đảm bảo môi trường cho các hộ xung quanh, đến nay đã có 22 hộ xây dựng, cải tạo lại chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh".

Đòn bẩy phát triển chăn nuôi ở Quản Bạ - Hà Giang - Ảnh 1.

Đàn bò của hộ anh Mua Mí De ở thôn Đầu Cầu II, xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ

Điển hình trong thực hiện phong trào chăn nuôi đại gia súc là hộ anh Mua Mí De, dân tộc Mông ở thôn Đầu Cầu II, xã Cán Tỷ. Gia đình anh bắt đầu nuôi bò hàng hóa từ 4 năm nay, với quy mô trên 10 con, hàng năm cho thu nhập hơn 150 triệu đồng. Nhờ phát triển chăn nuôi bò mà gia đình anh đã thoát khỏi diện hộ nghèo, có nguồn thu nhập ổn định để lo cho con cái ăn học đầy đủ. Anh De chia sẻ: "Từ ngày gia đình tôi phát triển nuôi bò hàng hóa đến nay đã quen với việc chăn nuôi bò số lượng lớn, cùng với đó là làm tốt công tác thú y, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, nuôi bò đúng kỹ thuật. Do đó, đàn bò phát triển khỏe mạnh, tăng trọng lượng nhanh, số lượng bò được xuất chuồng hàng năm cũng tăng lên, góp phần tăng thu nhập cho gia đình".

Huyện Quản Bạ có 13 xã, thị trấn, thời gian qua để phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hóa thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện đã triển khai nhiều giải pháp mang tính chiến lược lâu dài. Trong đó, hàng năm huyện chủ động ban hành các văn bản triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh, phòng chống đói rét trên đàn vật nuôi. Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với UBND các xã tiến hành khảo sát, quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung cho từng xã, dựa trên điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp, chế biến, chủ động nguồn thức ăn nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao tổng đàn, năng suất, chất lượng đàn vật nuôi. Thực hiện Đề án cải tạo chuồng trại chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, đến nay các hộ dân tại các xã, thị trấn đã thực hiện cải tạo được 241 chuồng trại chăn nuôi, đạt 92% Kê hoạch. Đã giải ngân 266 triệu đồng cho 133 hộ cải tạo chuồng trại. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin cho trâu, bò được trên 20.600 liều; thực hiện phun khử trùng tiêu độc, phòng chống dịch bệnh, ngành chức năng đã cung ứng hóa chất cho các xã, thị trấn được 1.000 lít hóa chất, từ đầu năm đến nay không có gia súc, gia cầm chết do dịch bệnh.

Có thể thấy, sau hơn 2 năm triển khai nghị quyết đúng đối tượng, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân, đã mang lại hiệu quả thiết thực và trở thành động lực giúp bà con vùng cao mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước cải thiện thu nhập. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của huyện đạt 288,978 tỷ đồng; tỷ trọng chăn nuôi ngành nông nghiệp ước đạt 31%; đàn bò đạt 19.795 con, đạt 101,2% Kế hoạch. Đây là cơ sở quan trọng cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, làm nền tảng thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển, góp phần giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân.

Trung Kiên
Ý kiến của bạn